,

Thủy sản

Na Hang chú trọng phát triển kinh tế thủy sản

Với lợi thế trên 1.000 ha mặt nước hồ thủy điện, huyện Na Hang đã chú trọng phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó có hỗ trợ tổ chức, cá nhân vay vốn lãi suất để phát triển nuôi cá đặc sản, chủ lực trong lồng trên sông, hồ thủy điện, hồ thủy lợi. Trong năm 2022, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản của huyện Na Hang đạt hơn 1.500 tấn, đạt trên 100% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2023 huyện ước đạt trên 1.230 tấn, đạt 59,6% kế hoạch (tăng 87,6% so với cùng kỳ). Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập giảm nghèo, cải thiện đời sống, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển​

Nghề nuôi cá lồng ở Na Hang đang trở thành hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, địa bàn huyện hiện nay có trên 100 hộ gia đình nuôi cá trên sông và vùng lòng hồ, với tổng số trên 1.000 lồng cá. Từ việc phát triển chăn nuôi thuỷ sản đã giải quyết việc làm cho gần 600 lao động tại địa phương. Tổng sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên đạt trên 400 tấn/năm; nhiều hộ gia đình nuôi thủy sản thu lãi cả trăm triệu đồng trên năm từ việc nuôi cá lồng.

Đến tham quan mô hình nuôi cá lồng của gia đình bà Phạm Thị Tình, Tổ dân phố 2, thị trấn Na Hang. Nhờ chọn đúng hướng đi và áp dụng đúng quy trình chăm sóc mà số cá lồng của gia đình bà phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2022 nhận thấy tiềm năng lớn về thị trường cá đặc sản; gia đình bà Tình đã mạnh dạn vay nguồn vốn từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để cải tạo lồng và mở rộng quy mô nuôi cá. Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà đã tăng số lượng lên 50 lồng. Chủ yếu là các loại cá: ngạnh đá, lăng, cá trắm đen, chép… Nguồn thức ăn cho cá chủ yếu đến từ tự nhiên như các loại cá nhỏ và tôm trong hồ nên chất lượng thịt cá rất ngọt và chắc thịt, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhờ phát triển kinh tế theo hướng này, mỗi năm thu nhập chưa trừ chi phí gia đình bà trên 300 triệu/năm, tạo được việc làm cho 10 lao động với mức lương trung bình 5 đến 10 triệu/tháng.

Phát triển thủy sản sạch vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện Na Hang.

Còn với Ông Vũ Đình Thường, Giám đốc Công ty TNHH Thường Mai cho biết, cá được nuôi theo quy chuẩn sạch, thân thiện với môi trường cộng với việc thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên đã được nhiều nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên... lợi thế lớn nhất trong chăn nuôi thủy sản ở Na Hang là nguồn nước tự nhiên khá sạch; nguồn cá tạp làm thức ăn trên vùng hồ phong phú; hiện công ty có khoảng 70 lồng cá các loại, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 60 đến 70 tấn cá, thu về gần 500 trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, công ty còn tạo việc làm ổn định cho 6 công nhân với mức lương 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Với nguồn nước tự nhiên ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rất sạch, tận dụng nguồn cá tạp làm thức ăn khá phong phú nên quá trình nuôi đơn vị sử dụng cá tạp kết hợp thức ăn công nghiệp. Để cá khỏe mạnh và có sức đề kháng cao, khâu vệ sinh đóng vai trò quan trọng. Hàng tuần công nhân phải tiến hành kiểm tra và làm vệ sinh lồng, lưới, để phòng bệnh cho cá.

Ông Nguyễn Trọng Đoan, Phó chủ tịch UBND huyện Na Hang chia sẻ, huyện đã xây dựng, ban hành Đề án Phát triển thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, riêng nuôi lồng trên lòng hồ thủy điện khoảng 1.200 lồng (65% lồng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao, 35% lồng truyền thống), sản lượng nuôi đạt trên 2.400 tấn.

Với trên 8.000ha mặt hồ thủy điện Tuyên Quang, đây là điều kiện thuận lợi để huyện Na Hang phát triển nghề nuôi thủy sản sạch.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, người dân cũng nên có sự gắn kết nuôi cá trên lòng hồ kết hợp tham quan gắn với du lịch văn hóa truyền thống, văn hóa vùng miền để nâng cao thu nhập. Vừa sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, gắn với du lịch bản địa, đây là yếu tố đa giá trị từ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang nói chung, huyện Na Hang nói riêng rất lớn, làm sao đề ra chính sách hỗ trợ, giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật có cả tiếng dân tộc để bà con tiếp cận kỹ thuật một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất.

Thời gian tới, để nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tập huấn cho bà con quy trình nuôi cá lồng trên sông, hồ theo hướng VietGAP; đa dạng hóa các loại cá nuôi, hướng vào các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nhân dân. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân./.

 

Cổng thông tin điện tử huyện Na Hang

Tin cùng chuyên mục