,

Thủy sản

Bí quyết nuôi cá lồng làm giàu của chị Tình

“Làm theo cách riêng” đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Tình, tổ 2, thị trấn Na Hang (Na Hang) về mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sinh thái Na Hang.

Chị Phạm Thị Tình.

Năm 2008, chị Tình là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cá bỗng, cá lăng và cá rô phi trên hồ sinh thái Na Hang. Ngày đó thức ăn dồi dào, đàn cá lớn nhanh, cuối năm đó chị thu về được gần 100 triệu đồng. Người dân thị trấn thấy chị làm có hiệu quả nên nhiều hộ đã học theo và tạo thành phong trào nuôi cá thời bấy giờ.

Năm 2010, nhận thấy nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ nhiều tiềm năng, nhưng không có nơi tiêu thụ với giá bán tương xứng cho bà con, chị Tình lặn lội về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) thuê cửa hàng và thu mua thủy sản của bà con trên địa bàn huyện Na Hang về bán. Chị kể: Năm đó mình quyết định nghỉ nuôi cá và tập trung buôn tôm, cá về Hà Nội, kinh tế cũng từ đó đi lên và đến năm 2014, chị quyết định quay về quê để đầu tư chăn nuôi theo quy mô lớn hơn. 

Chị vay 70 triệu đồng từ ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang, cộng với số vốn tích góp của gia đình, chị đầu từ gần 400 triệu đồng xây dựng tổ hợp nuôi quy mô 50 lồng cá, thả các loại cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, cá chiên, trắm đen, cá quất. Không như mọi người nuôi gần nhau, toàn bộ số lồng cá của gia đình ở khu riêng biệt, có dòng nước ngầm lưu thông và đặc biệt không quá cạn vào mùa khô.

Với cách làm này, tuy quãng đường di chuyển từ nhà đến nơi nuôi khá xa nhưng tuyệt đối các lồng cá của gia đình chị rất ít mắc bệnh, mưa bão cũng không ảnh hưởng đến lồng do các eo ngách đã ngăn gió. Đặc biệt là đầu mối thu mua thủy sản nên nguồn thức ăn dôi dư khá nhiều thuận lợi cho việc chăn nuôi cá, cộng thêm gia đình chị sẵn có cửa hàng dưới Hà Nội nên không cần lo đầu ra, mỗi năm từ 50 lồng chị Tình xuất bán trên 40 tấn cá các loại, trừ chi phí mỗi năm đều cho gia đình số lãi ổn định trên 400 triệu đồng.

Khi được hỏi về nuôi cá lồng trên hồ thủy điện khó khăn nhất là điều gì, chị chia sẻ, đó là phải duy trì được thức ăn cho cá hàng ngày, bởi việc nuôi cá đặc sản không cho ăn thường xuyên sẽ tạo tính ỳ của cá, cá gầy sẽ hao đàn, vô cùng khó xử lý. Hiện nay, trên các lồng cá của gia đình chị Tình luôn có 3 lao động có việc làm thường xuyên với mức lương 8 triệu đồng/người/tháng. Đồng chí Chẩu Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang nhận xét, mô hình nuôi cá lồng của gia đình chị Phạm Thị Tình đang là đầu mối cung cấp nhiều sản phẩm cá đặc sản cho các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh. Cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám thực hiện của chị Tình được UBND thị trấn khuyến khích nhân rộng. Đây cũng là mô hình được nhiều người dân thị trấn học hỏi để phát triển kinh tế.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục