,

Thủy sản

Nghề cá xứ tuyên [Bài 1]: Nhà bè nhỏ trên dòng sông lớn

Dưới chân cầu Nông Tiến bao năm qua những con sóng cứ mải miết đẩy dòng nước sông Lô trôi về biển lớn để lại làng chài lênh đênh, neo đậu những kiếp người.

 

LTS:

Tuyên Quang là tỉnh miền núi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá đặc sản như cá lăng, bỗng, chiên, dầm xanh, anh vũ... Nơi đây có hồ thủy điện Tuyên Quang diện tích mặt nước hơn 8.000ha, cùng nhiều con sông như sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy… Những năm qua ngành thủy sản ở Tuyên Quang được mở rộng phát triển, không ngừng tăng lên cả về năng suất và sản lượng; đóng góp tích cực vào cơ cấu kinh tế nông lâm, thủy sản của địa phương này.

Dòng sông Lô nuôi những cuộc đời

Những vạt nắng cuối cùng trong ngày vội để lại tàn hào quang nhỏ bé lấp lánh trên từng con sóng, vỗ ì oạp bên mép căn nhà nổi của bà Đoàn Thị Kính. Bà Kính là người cao tuổi nhất nhì ở khu làng chài ven đôi bờ sông Lô, dưới chân cầu Nông Tiến của thành phố Tuyên Quang. Căn nhà nổi rộng khoảng 40m2 là nơi gói lại cuộc đời của mấy thế hệ gia đình bà Kính.

Bà Đoàn Thị Kính đan lưới đánh bắt cá. Ảnh: Đào Thanh.

Bà Kính mải miết đan lưới. Từng mắt lưới theo tay bà lão ấy mà nên hình, nên dáng. Bà sinh ra trên khúc sông Lô, lấy chồng rồi đẻ ra những đứa con, những đứa con đẻ ra lũ cháu cũng trên những khúc sông Lô.

Cả đời gắn bó với sông nước, gắn bó với nghề vạn chài nên dù mắt đã kém nhưng tay bà vẫn thoăn thoắt, bà đan bằng cảm nhận. Những mắt lưới ấy gắn với cuộc đời bà từ một đứa trẻ theo dòng Lô lớn lên thành cô gái thủa mười tám đôi mươi và giờ là một bà lão.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình ông Lê Trường Dũng - chồng bà di chuyển từ huyện Thọ Xuân của tỉnh Thanh Hóa ra tỉnh Tuyên Quang sinh sống và nhập tịch vào làng chài Nông Tiến quê bà. Khi ấy đoàn người Thanh Hóa ra làm chài lưới ở Tuyên Quang rất đông. Bởi thế có một thời ở xứ Tuyên có cả một HTX ngư nghiệp lấy tên là Thanh Quang (ghép tên 2 tỉnh Thanh Hóa và Tuyên Quang). Rồi bà nên duyên vợ chồng với ông từ năm 1969.

2 vợ chồng cùng làm xã viên HTX Thanh Quang, hằng ngày lên thuyền đi đánh cá rồi mang về giao cho HTX để đổi công lấy gạo, lấy tem phiếu, lấy thịt, lấy đậu phụ... Lấy nhau được vài năm, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chồng bà lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam tham gia kháng chiến.

Những ngôi nhà trong xóm chài ở khu cầu Nông Tiến trên sông Lô. Ảnh: Đào Thanh.

7 năm ông tham gia kháng chiến thì 4 năm bà không có thông tin liên lạc với chồng. Người ta đồn thổi ông đã hi sinh. Giấu nỗi buồn của số phận vào từng nhịp chèo, vào từng mẻ cá. Một mình bà chèo thuyền ngược dòng Lô buông lưới. Con sông mênh mang…

Những đứa trẻ nhỏ không có ai trông nom, bà bồng bế mang chúng theo lên thuyền. Những hôm đi đánh cá đêm, chúng còn chưa kịp tỉnh ngủ bà đã bồng bế chúng lên thuyền, rồi chúng lại lăn lóc nằm đè lên nhau mà ngủ. Sợ chúng ngã sông, bà vót vội những thanh tre quây kín phía sau mạn thuyền thành một chiếc cũi. Dần dần bọn trẻ lớn lên quen sông nước, quen nghề nghiệp, biết kỹ năng bơi lội và không còn sợ sông nước.

Một buổi sáng, trời còn nhá nhem chưa rõ mặt người năm 1976, bà Kính đi đánh cá trở về, hai khóe mắt của bà bỗng nhòa đi. Từ xa, bà nhìn thấy căn nhà nhỏ bé của mình có bóng người. Ông chồng bà trở về từ chiến tranh bom đạn. Vì chiến tranh, loạn lạc, ông mất thông tin liên lạc với gia đình.

Ông trở về, căn nhà nổi đơn sơ với những niếp tre, nứa đan vụng đầy kẽ hở đã được quây lại chắc chắn, kiên cố hơn. Đôi bờ sông Lô cỏ lau xanh mướt, từng đàn cá quẫy đuôi vùng vẫy động cả một khúc sông, báo hiệu mùa cá đẻ đã về. Mỗi buổi chiều 2 vợ chồng bà lại bồng bế đàn con lên thuyền ngược sông Lô quăng chài, lặn ngụp với dòng sông.

Ngoài đánh chài lưới, những người dân làng chài đã phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản. Ảnh: Đào Thanh.

Mùa cá đặc sản

Lê Anh Minh là con trai cả của bà Đoàn Thị Kính. Từ nhỏ anh đã theo cha mẹ và rèn được những món nghề đánh cá. Lênh đênh trên thuyền đi dọc khúc sông Lô, anh như một nghệ sỹ trên chiếc thuyền của mình. Tay anh cầm cần lái, chân uốn nhẹ để những vệt sóng hung tợn hóa hiền lành, rẽ nước cho thuyền anh lướt qua. Câu chuyện về nghề đánh cá của cuộc đời anh cũng từ từ hiện ra theo mỗi nhịp chèo.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi ấy Minh còn là một chàng trai tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”, cá trên sông Lô nhiều vô kể. Theo từng mùa mà người ta lựa chọn ưu tiên đánh các loài cá khác nhau. Như cá anh vũ, đến khoảng tháng 9, tháng 10 khi hết lũ lụt nó tìm đường ra sông. Qua mùa xuân nước lên cá lại tìm đường vào hang đá.

Do đó dịp tháng 2 tháng 3 là mùa người ta có thể bắt được nhiều anh vũ, chúng ra ngoài để ăn rêu. Từ trong các khe suối, hang đá cá bơi ra lòng sông hàng nghìn, hàng vạn con lớn nhỏ. Mùa tháng 6,7 mùa nước nổi là mùa của cá chiên, cá bỗng, cá quất…

Anh Lê Anh Minh trên con thuyền đi đánh cá. Ảnh: Đào Thanh.

Minh thích nhất đi đánh cá vào mùa sinh sản. Khi ấy người làm nghề chài lưới có thể bắt được những con cá trắm nặng tới 50kg. Những ngày ấy, Minh thường theo cha mình đi từ 2 giờ chiều ngược bến phà Nông Tiến (khi ấy chưa có cầu Nông Tiến) lên đến 31km, rồi ngược dòng trở lại thì cũng là lúc trời vừa kịp sáng.

Để đánh được những con cá lớn, có khi bố con Minh nghe ngóng cả tiếng đồng hồ trên một khúc sông. Những con cá quẫy nước, bọt tung trắng xóa, bì bõm như có tiếng chân người lội nước như có người đang bơi. Anh quăng chài dứt khoát, con cá nằm gọn trong lưới cũng chưa chắc đã bắt được. Bởi trong ranh giới sinh tồn, nó có sức mạnh phi thường mà cả mấy lớp lưới dày cộp cũng không thể cản nổi. Anh Minh bảo rằng, để biết mình có bắt được con cá khủng hay không chỉ trong vòng 10 phút đồng hồ.

Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là đánh cá lăng chấm mùa đẻ trứng. Nó như cuộc đấu sức thử thách giữa loài cá và người chài lưới. Lăng chấm là loài đẻ số lượng trứng không nhiều, trứng chìm. Để bảo tồn giống loài, vào mùa đẻ trứng, những con đực có nhiệm vụ canh ổ cho những con cái. Cá lăng chấm đực được ví như những con sư tử của dòng sông. Chúng hung dữ và có sức mạnh khiến bất kể loài cá nào cũng phải nể sợ. Ngay cả Minh, có lần lặn xuống đáy sông tìm ổ cá cũng bị con cá to khoảng 15kg tấn công khiến bắp chân tím cả nửa tháng trời.

Dòng sông Lô hôm nay đã mất nhiều loài cá đặc sản, một số loài còn tồn tại nhưng số lượng rất ít. Nguyên nhân do người ta đánh bắt bằng lưới mắt cáo, dùng kích điện và cả việc các nhà máy thủy điện mọc lên ngày một nhiều, khiến dòng nước cạn kiệt, môi trường sống của các loài cá bị thu hẹp…

Khu nhà bè của gia đình anh Lê Anh Minh nằm chông chênh mắc cạn do mực nước sông Lô xuống thấp. Ảnh: Đào Thanh.

Từ ngày dòng sông Lô ít cá, Minh chuyển sang nghề nuôi cá lồng. Anh cũng là hộ tiên phong nuôi cá lồng trên sông Lô. Hiện tại anh có 3 lồng to, mỗi lồng nuôi hơn 1.000 con chiên, cá ngạnh. Loài cá đặc sản có giá từ 300 đến 600 nghìn đồng/kg. Nuôi cá lồng trên sông nếu nắm bắt được quy trình chăm sóc sẽ giúp người nuôi có cuộc sống ấm no.

Nhưng anh Minh luôn giấu mối lo trong lòng cùng nghề nuôi cá lồng. Bởi các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn xả nước lên xuống thất thường khiến môi trường sống của cá thay đổi. Như vụ tháng 4 năm 2022, mưa lớn, đập tích nước, không chịu được nữa phải xả nước. Cá bị sốc nước, sốc bùn, đồng loạt chết. Vụ ấy, anh bị chết gần 1 tấn cá chiên, giá trung bình 400.000/kg.  

Hiện nay tại đôi bờ sông Lô, dưới chân cầu Nông Tiến có 2 xóm chài nhỏ, với khoảng hơn 40 nóc nhà. Con sông Lô mênh mông của những ngày xưa nay đang dần bị thu hẹp, bởi các dự án thủy điện vây kín nơi đầu nguồn, bởi biến đổi khí hậu. Môi trường sống của các loài cá nhỏ lại, sinh kế của những hộ làm chài lưới từ đó cũng bị bó lại.

Sông Lô cạn nước, những con sóng yếu ớt bất lực bởi chẳng thể vươn mình vỗ vào tận bờ lau, bãi sậy. Ngôi nhà của Minh cùng nhiều ngôi nhà nổi khác cũng miễn cưỡng trở thành những ngôi nhà nằm trên cạn, nhưng không có móng, nằm chông chênh bên mép bờ sông Lô.

Sông Lô là sông lớn nhất ở Tuyên Quang, với chiều dài 145km chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang; diện tích hứng nước là hơn 22.000km2. Từ huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang con sông được nối liền mạch đất Hàm Yên rồi từ đó chạy qua các huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang, huyện Sơn Dương rồi đổ về miền xuôi theo các cửa sông ra biển lớn.

Dòng sông lớn nhất của mảnh đất này, bao năm qua sống cùng người Tuyên Quang. Là minh chứng lịch sử giúp người dân đánh giặc, tưới tốt cho ruộng đồng, là nguồn nước sinh hoạt... Con sống ấy còn nuôi sống biết bao người làm nghề chài lưới ở làng Đồng Chương, Xạ Hương của huyện Sơn Dương; ở Nông Tiến, Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, ở Yên Nguyên, Hòa Phú huyện Chiêm Hóa…

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục