,

Nông thôn mới

Thách thức trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, nhiều địa phương sau khi về đích NTM tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao. Tuy nhiên để sớm hoàn thành mục tiêu rất cần sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, người dân và sự trợ lực từ Nhà nước.

Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 318), các xã phải đăng ký xây dựng NTM nâng cao trước khi đăng ký về đích NTM kiểu mẫu. Yêu cầu đặt ra là xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải là xã đạt chuẩn NTM (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025) và hoàn thành 19 tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, giáo dục, văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, hành chính công, tiếp cận pháp luật, môi trường, chất lượng môi trường sống, quốc phòng và an ninh. Trong 19 tiêu chí này, các chỉ tiêu được quy định một cách cụ thể, chi tiết. Theo đó, số chỉ tiêu trong xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 -2025 tăng 62 chỉ tiêu so với xã NTM kiểu mẫu giai đoạn trước. Điều này đang khiến cho nhiều xã loay hoay tìm phương án thực hiện. 

Người dân thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) phát triển cây ăn quả tăng thu nhập.

Xã Đức Ninh (Hàm Yên) đăng ký về đích NTM nâng cao, tuy nhiên đến thời điểm này xã mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí. 5 tháng còn lại của năm 2023, xã sẽ rất khó khăn để hoàn thành 12 tiêu chí còn lại. Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, tiêu chí số 14 về y tế đặt ra yêu cầu tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% và tỷ lệ dân số có sổ khám sức khỏe điện tử phải đạt từ 90% là vô cùng khó khăn cho xã. Trên thực tế trình độ của người dân không đồng đều, việc thực hiện giao dịch các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến đơn giản cũng phải nhờ đến đội ngũ cán bộ xã, tổ công nghệ cộng đồng thì việc ứng dụng sử dụng công nghệ số, trong đó sử dụng sổ khám sức khỏe điện tử người dân, đặc biệt là người lớn tuổi sẽ chịu. Ngoài tiêu chí số 14, tiêu chí số 17 về môi trường với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường phải đạt 100%; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt từ 90%... cũng sẽ rất khó. Hiện chỉ có một số thôn trên nằm theo trục quốc lộ, xã mới hợp đồng với 1 tổ chức thu gom rác, ở các thôn xa trung tâm người dân phải tự xử lý, bằng cách phân loại và tiêu hủy.

Phấn đấu về đích NTM nâng cao năm 2023, nhưng xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) vẫn chưa thể chắc chắn. Đồng chí Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết, hiện tại 2 tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, trường học chưa đạt chuẩn, mặc dù đã có kế hoạch xây dựng từ năm 2022 nhưng vốn từ Nhà nước chưa được phân bổ về. Còn 5 tháng nữa là hết năm xã sẽ khó có thể hoàn thành, nếu có về đích NTM nâng cao nhiều khả năng xã sẽ phải nợ lại. 

9 xã đăng ký về đích NTM năm nay gồm: Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Kim Quan và Phúc Ninh (Yên Sơn), Hồng Lạc và Ninh Lai (Sơn Dương), Kim Phú (TP Tuyên Quang), Thượng Lâm (Lâm Bình), Hồng Thái (Na Hang), Đức Ninh (Hàm Yên). Tính đến hết 30-5, bình quân các xã đạt 11,0 tiêu chí/xã, các tiêu chí chưa đạt chủ yếu, gồm: Giao thông 7/9 xã, thủy lợi và phòng chống thiên tai 4/9 xã, giáo dục 8/9 xã, thu nhập 5/9, nghèo đa chiều 4/9 xã, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn 7/9 xã, y tế 8/9 xã, tiếp cận pháp luật 3/9 xã, môi trường 6/9 xã, chất lượng môi trường sống 4/9 xã.

Báo cáo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh chỉ rõ, sở dĩ các xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm nay có số tiêu chí đạt thấp do các xã này hầu hết hoàn thành chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2020, bước vào giai đoạn này (2021-2025) các tiêu chí đã được nâng cao hơn rất nhiều, chưa kể các tiêu chí thành phần cũng tăng lên. Và thẳng thắn nhìn nhận rằng, kết quả xây dựng NTM tại một số địa phương chưa thực sự bền vững, việc củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn còn hạn chế.

Đẩy nhanh tiến trình về đích NTM nâng cao, các huyện, thành phố đang đốc thúc, ngành chức năng tích cực vào cuộc hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, linh hoạt trong thực hiện các tiêu chí. Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết, tháng 5 vừa qua, xã đã được Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn ủng hộ thùng chứa, xe vận chuyển rác thải đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác. Chủ tịch UBND xã Đức Ninh hy vọng sự trợ giúp của Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn sẽ góp phần cùng xã hoàn thiện tiêu chí về môi trường.

Năm 2023, tỉnh huy động khoảng 3.537 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 1.747 tỷ đồng, vốn tín dụng là 1.200 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 174 tỷ đồng. Vốn ngân sách Nhà nước đã được đưa về tỉnh đang thực hiện giải ngân cho các xã nằm trong lộ trình về đích năm 2023 NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo đúng nhu cầu để nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí theo hướng bền vững.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục