,

Nông thôn mới

Phát huy vai trò cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới

Xác định vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là điều kiện tiên quyết để lan tỏa, tạo nên sức mạnh tổng lực trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, bám sát điều kiện thực tế địa phương để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Khau Tinh (Na Hang) nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới năm nay. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, cấp ủy ra chủ trương, ban hành Nghị quyết để thực hiện, chỉ đạo triển khai sâu rộng, các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để tổ chức thực hiện.

Đồng chí Tái Văn Mùi, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa (bên trái) kiểm tra mô hình chè.

Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã được thành lập do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp là Trưởng ban; đồng chí Chủ tịch UBND xã là Phó Trưởng ban Thường trực. Tại các Ban phát triển thôn, các đồng chí cấp ủy viên trực tiếp phụ trách, sát sao từng chỉ tiêu, cách làm.

Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh Lê Hữu Thể cho biết, đến thời điểm này, xã đạt 11/19 tiêu chí. Ngoài những tiêu chí cần nhiều nguồn vốn đầu tư của nhà nước như giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... thì nhiều tiêu chí Đảng bộ xã xác định là tiêu chí khó, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của người dân thì sẽ rất khó hoàn thành, như môi trường, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo.

Đối với tiêu chí thu nhập, xã chủ động lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án để xây dựng mô hình hỗ trợ sản xuất, định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Các mô hình kinh tế như bí thơm, bí đỏ, rau trái vụ, nuôi lợn, gà thương phẩm, bò... được hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Các mô hình này trực tiếp do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đứng ra tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập, xã tăng cường phối hợp với các công ty tuyển dụng lao động trong và ngoài nước giới thiệu việc làm cho người dân, từ đó đã có hơn 130 người đi lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Người dân thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chăm sóc chè theo tiêu chuẩn sạch.

Trong tháng 7-2023, trên 100 cán bộ Ban CHQS huyện Na Hang, cán bộ và chiến sỹ của Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đã hỗ trợ 15 ngày công, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã đóng góp trên 2.500 ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều phần việc cần nhiều sức người, như làm đường bê tông nội đồng, hỗ trợ làm nhà, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, làm 3 công trình vệ sinh, đắp lề, khơi thông cống rãnh, xây dựng tường rào nhà văn hóa... được hoàn thành trong một thời gian ngắn. Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh Lê Hữu Thể khẳng định, đây thực sự là sự hỗ trợ quý báu để giảm bớt khó khăn cho xã trong các tiêu chí về môi trường, xây dựng hạ tầng, nhà dân...  

Xã Hùng Đức (Hàm Yên) cũng phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm nay. Là xã còn nhiều khó khăn, nhưng xác định nông thôn mới là nhiệm vụ bắt buộc, để cùng với huyện đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025, Đảng ủy đã ban hành các Nghị quyết đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong đó, mỗi đồng chí cấp ủy viên sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc một nhóm tiêu chí thuộc chuyên môn, nhiệm vụ của mình.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Giáp được giao trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo các thôn bản hoàn thành các tiêu chí thuộc lĩnh vực kinh tế như quy hoạch, thu nhập... Là xã có lợi thế về lâm nghiệp, chăn nuôi, nhưng do thời gian có nguồn thu kéo dài, nên nhiều năm nay, thu nhập bình quân đầu người ở Hùng Đức mới đạt khoảng 39 triệu đồng/người/xã. Để hoàn thành mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên trên 42 triệu đồng/người/năm, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức tham mưu kế hoạch đưa người dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại nhiều xã đã cán đích nông thôn mới, qua đó đưa nhiều mô hình kinh tế mới vào đồng ruộng. Qua rà soát thực tế địa phương, nhận thấy đồng đất phù hợp để phát triển nhiều cây trồng ngắn ngày, UBND xã Hùng Đức quy hoạch và dự kiến đưa vào 3 mô hình mới là trồng dưa chuột (diện tích dự kiến 5 ha), ớt (diện tích dự kiến 3,5 ha) và cây ngô sinh khối (diện tích dự kiến 80 - 100 ha). Các mô hình này, lãnh đạo xã đứng ra kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã để chủ động nguồn cung cây giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Giáp, các mô hình này mặc dù mới đưa vào trồng, nhưng hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Riêng mô hình ngô sinh khối, khi mới rà soát, chỉ có 1 doanh nghiệp đến đặt vấn đề bao tiêu thì giờ đã có 3 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa đến đặt vấn đề hỗ trợ kỹ thuật và lo đầu ra cho sản phẩm.

Bí thư chi bộ thôn Vắt Cày, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) Lê Đức Minh tiên phong
đưa cây phật thủ về trồng trên đất vườn tạp, tăng thu nhập.

Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang đang bước vào giai đoạn nước rút. Trong mỗi giai đoạn, mỗi phần việc, nhờ có định hướng đúng đắn của các cấp ủy Đảng nên phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Người dân tự nguyện đóng góp sức người, tiền của cho các công trình. Cấp ủy các cấp, người đứng đầu các địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên tăng cường trách nhiệm nêu gương, tích cực trong quá trình thực hiện. Đó cũng là tiền đề tạo ra sức mạnh tổng hợp cho nhiệm vụ quan trọng này.

Như tại xã Quyết Thắng (Sơn Dương), để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2024, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của xã và hai thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất để giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Qua đó, đã có 19 hộ gia đình tham gia hiến 2.214 m2 đất, riêng gia đình ông Trần Đình Luyện, thôn Lãng Cư đã hiến một thửa ruộng đang canh tác với diện tích 195 m2 để nắn tuyến đường và 232 m2 diện tích đất trồng rừng. Hai tuyến đường bê tông thôn Lãng Cư và thôn Liên Thắng với chiều dài hơn 1.300 mét đã hoàn thành, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông ở địa phương này.

 Không chỉ ở Hùng Đức, Khau Tinh, hay Quyết Thắng, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đều thể hiện vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong từng tiêu chí, từng phần việc. Tại nhiều xã, nhiệm vụ đột phá, đổi mới được gắn trực tiếp với từng chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới, qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc hoàn thành các phần việc khó tại địa phương.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục