,

Trong ngành

Trụ đỡ của nền kinh tế - Bài 2: Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến

Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến là hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn của tỉnh, từng bước hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, ổn định thu nhập và đời sống của người nông dân.

Dư địa cho sự phát triển công nghiệp chế biến

Báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp Tuyên Quang còn nhiều dư địa để phát triển, với diện tích đất trồng trọt trên 98.000 ha, hơn 140 nghìn ha rừng trồng sản xuất và có khả năng sản xuất nhiều nhóm ngành hàng: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Thực tế hằng năm tỉnh sản xuất 34 vạn tấn lương thực; duy trì tổng đàn trâu trên 90,9 nghìn con, đàn bò trên 41,5 nghìn con, đàn lợn trên 528,9 nghìn con, gia cầm 7,6 triệu con, sản lượng gỗ rừng trồng đạt khoảng 1 triệu m3 đứng Top đầu trong cả nước.

Tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đi sâu phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng lĩnh vực. Các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Hiện toàn tỉnh có 7.412 ha cam, trong đó 687 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 30 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ; 8.331 ha chè, trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững là 729 ha; tiêu chuẩn VietGAP 93 ha và tiêu chuẩn hữu cơ 24 ha, 4.565 ha lạc, 5.190 ha bưởi, 140.000 ha rừng sản xuất...

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang sản xuất gỗ thanh từ gỗ rừng trồng.

Sản lượng nông sản lớn đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Từ năm 2018 đến nay, chỉ tính riêng ngành gỗ, tỉnh đã thu hút 14 công ty đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho khoảng 9.000 lao động.

Sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tổng hợp của Sở Công thương, năm 2022 vừa qua đạt 17.670 tỷ đồng, tăng 16,6% so với thực hiện năm 2021; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 160 triệu USD, tăng 6,6% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 9.740 tỷ đồng, bằng 47,7% kế hoạch năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Trong đó, tập trung phát triển liên kết vùng, hình thành các khu lâm nghiệp công nghệ cao cung cấp nguyên liệu cho các dự án công nghiệp chế biến, đặc biệt là các dự án chế biến lâm sản quy mô lớn, có sự liên kết giá trị với các thị trường của khu vực và thế giới. Ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả.

Trồng rừng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến

Tỉnh Tuyên Quang đã sớm triển khai quy hoạch phân 3 loại rừng, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp để mở rộng diện tích rừng trồng, thực hiện, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Trung bình mỗi năm tỉnh trồng mới trên 11.000 ha rừng, trong đó có khoảng 2.000 ha rừng trồng bằng giống chất lượng cao như keo hạt ngoại, keo lai mô. Đến hết năm 2022, tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 2 triệu m3/năm; sản lượng khai thác hằng năm gần 1 triệu m3/năm, đứng tốp đầu trong cả nước về sản lượng khai thác.

Đồng chí Lý Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1”, tỉnh đã đảm bảo bền vững 2 mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng ở mức trên 65% và đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản đang phát triển rất mạnh hiện nay.

Sản xuất giấy photo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Giấy An Hòa.

Công ty cổ phần Giấy An Hòa, một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng giám đốc Công ty khẳng định, 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã khẳng định được thương hiệu mạnh, uy tín hàng đầu trên thương trường về sản phẩm bột giấy, giấy. Hiện An Hòa là nhà máy duy nhất tại Việt Nam có sản phẩm bột giấy ngắn tẩy trắng thương phẩm. Sản phẩm bột giấy An Hòa hiện cũng là sản phẩm duy nhất của Việt Nam có mặt trên thị trường quốc tế. Để có được kết quả đó, có sự ủng hộ rất lớn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang trong việc tạo điều kiện về mọi mặt để An Hòa đầu tư xây dựng nhà máy và tham gia vào phát triển vùng nguyên liệu. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Anh, hiện tại công ty đã phát triển được vùng nguyên liệu lên trên 10.000 ha gỗ keo, bạch đàn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận. Cũng chính từ nguồn nguyên liệu chất lượng cao, kết hợp với công nghệ hiện đại, sản phẩm bột giấy - giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa được công nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022. Sản xuất nông nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến của công ty đang tạo việc làm cho khoảng 900 lao động địa phương, mức lương ổn định từ 10 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Cũng như Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cũng đặt trụ sở, xây dựng hệ thống các nhà máy chế biến gỗ ngay tại lõi vùng nguyên liệu là huyện Yên Sơn. Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng giám đốc Công ty cho rằng, với vùng nguyên liệu lớn, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm ổn định ở mức 1 triệu m3 chính là lực hút để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư mà không phải lo lắng về nguồn nguyên liệu.

Đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, với sản lượng khai thác rừng đứng trong TOP đầu cả nước, với bước đi khoa học, hiệu quả, gỗ rừng trồng của tỉnh khai thác đến đâu, được đưa vào chế biến đến đó, tạo ra rất nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tháng 3, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng làm việc với tỉnh. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn công tác khẳng định, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, trên 448.000 ha, chiếm 76% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 426.000 ha. Khai thác tiềm năng, lợi thế Tuyên Quang đã có những bước đi mạnh mẽ, đáp ứng được đúng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đảng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt trên 1.750 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm; đã có 43.600 ha rừng trồng được cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC). Công nghiệp chế biến lâm sản được duy trì, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương; giá trị chế biến gỗ chiếm 14% giá trị công nghiệp của tỉnh.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục