,

Trong ngành

Những đỉnh cao không mong muốn

Nền nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên những đỉnh cao, trong đó có những đỉnh cao mà chúng ta không mong muốn và nhận ra sự nguy hiểm của nó...

Việt Nam đã từng là nền nông nghiệp sinh thái

Nông nghiệp Việt Nam được hình thành và phát triển nhiều thế kỉ nay dựa trên hệ thống sinh thái đa dạng với 8 vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng. Bản thân từng vùng cũng là những hệ sinh thái cực kì đa dạng, đã từng là những vùng quê trù phú, có tính đa dạng sinh học cao, môi trường trong sạch với thiên nhiên hài hoà và người dân có cuộc sống yên bình.

Năng suất một số cây trồng chính giai đoạn 1995 - 2021. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tuy vậy, nền nông nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỉ phát triển không ngừng, từ rất truyền thống với năng suất thấp đến thâm canh năng suất cao với sự bùng nổ của nhiều tiến bộ kĩ thật như giống mới năng suất cao, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất diệt cỏ, chất điều hoà sinh trưởng… Những tiến độ đó đã và đang đưa nền nông nghiệp của chúng ta lên những đỉnh cao, trong đó có những đỉnh cao mà chúng ta không mong muốn và nhận ra sự nguy hiểm của nó.

Số liệu thống kê cho thấy các loại cây trồng chính của Việt nam đều đã đạt được những thành tích rất lớn và đi rất xa trên con đường nâng cao năng suất và hầu như đều đạt ngưỡng trần của năng suất mà việc cải thiện để nâng cao thêm nữa sẽ rất khó.

Nghiên cứu tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam của Worl Bank (Emilie Cassou  và cs, 2017) cho thấy vấn đề sử dụng quá mức phân bón, đặc biệt là ở ĐBSCL và Tây Nguyên với đa số nông dân trồng lúa và cà phê đều sử dụng phân bón theo tỷ lệ phần lớn vượt quá mức đề nghị để tối đa hóa năng suất hoặc lợi nhuận. Ví dụ trong canh tác lúa, hầu hết nông dân đều sử dụng phân bón cao hơn khoảng 20 - 30% so với mức đề khuyến cáo.

Hệ sinh thái nông nghiệp đối mặt nguy cơ mất khả năng tự vệ

Báo cáo của Lê Thanh Phong và Trần Anh Thông (2020) chỉ rõ việc sử dụng thuốc BVTV của ngành nông nghiệp tăng liên tục và hầu như bão hoà vào mấy năm gần đây (Hình 2). Cùng với đó là một lượng lớn thuốc BVTV được đưa vào sử dụng trên đồng ruộng.

Hình: Năng suất một số cây trồng chính giai đoạn 1995 - 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê). Hình 2: Các hoạt chất BVTV và tên thương mại trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam giai đoạn 1991 - 2019 (Nguồn: Lê Thanh Phong và Trần Anh Thông, 2020).

Việc bón nhiều quá phân bón hoá học trước hết gây lãng phí và giảm hiệu quả kinh tế của sản xuất, vừa thừa dinh dưỡng, gây dư lượng cao N3O trong nông sản và làm tăng nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng. Lượng phân bón dư thừa bị xói mòn, rửa trôi gây phú dưỡng đất và nguồn nước trong môi trường.

Lượng phát thải khí N2O vào khí quyển cũng tăng và làm nhanh quá trình nóng lên toàn cầu, gia tăng biến đổi khí hậu. Việc sử dụng quá liều thuốc BVTV cũng tương tự, vừa lãng phí, giảm hiệu quả kinh tế, vừa để lại dư lượng thuốc trên đất và nông sản và hậu quả bất lợi cho hệ sinh thái là chúng tiêu diệt tất cả các loài thiên địch, làm cho hệ sinh thái không còn khả năng tự điều tiết và bảo vệ.

Việc áp dụng các vùng và quy trình sản xuất chuyên canh dẫn tới làm giảm tỷ lệ các loại cây trồng phụ và làm giảm số loài trong hệ sinh thái. Sản xuất tập trung quy mô lớn với chỉ một số cây trồng chính, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay giúp tối đa hóa năng suất và lợi nhuận, song cũng làm giảm mức độ đa dạng sinh học.

Sản xuất chuyên canh kéo dài, cùng với việc áp dụng cơ giới hóa vào các khâu làm đất và các quy trình thâm canh khác giúp tối đa hóa năng suất và lợi nhuận, song đã làm suy giảm đa dạng sinh học trong nông nghiệp. Ảnh: TL.

Áp dụng các quy trình canh tác như làm đất sâu, diệt cỏ, đốt nương làm rẫy, đốt phụ phẩm nống nghiệp… đã tiêu diệt tất cả các loại sinh vật trên mặt đất, hay sử dụng màng nhựa phủ đất… cũng đều làm suy giảm mức độ đa dạng sinh học của hệ sinh thái.

Sản xuất nông nghiệp kết hợp với gìn giữ và phục hồi hệ sinh thái vì vậy đang là hành động hết sức cấp thiết hiện nay.

Hệ sinh thái có chức năng điều tiết bằng cách duy trì sự cân bằng và tương tác giữa các thành phần của môi trường sống. Các chu trình trao đổi vật chất và quá trình sinh tồn của các loài sinh vật đóng vai trò cần thiết cho cơ sở phát triển chung.

Chức năng điều tiết này là quá trình tất yếu trong hệ sinh thái. Khi sự cố xảy ra, sẽ gây gián đoạn và ảnh hưởng đến quy luật tuần hoàn tự nhiên, trạng thái ổn định của hệ sinh thái mất cân bằng nghiêm trọng. Nguy cơ tuyệt chủng một số loài sinh vật là điều khó tránh khỏi.

 

Nuôi dưỡng hệ sinh thái cho mai sau

- Mối quan hệ sản xuất giữa các thành phần sinh học và các chu trình chuyển hoá là nền móng cho vai trò gia tăng sinh khối trong hệ sinh thái. Có hai thành phần năng suất cơ bản là năng suất sơ cấp do nhóm tự dưỡng sản xuất và năng suất thứ cấp do nhóm dị dưỡng đảm nhận.

Hệ sinh thái là ngôi nhà chung của sinh vật, song sự can thiệp thô bạo của con người trong sản xuất nông nghiệp đã làm mất đi môi trường sống của nhiều sinh vật. Ảnh: LHV.

Việc sản xuất nguyên liệu cho quá trình tồn tại và phát triển trong hệ sinh thái phụ thuộc vào hai thành phần năng suất trên. Chúng giúp gia tăng mật độ sinh vật và đa dạng sinh học của hệ sinh thái. Nhờ đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên qua quá trình sản xuất trở nên dồi dào và có giá trị.

Hệ sinh thái là ngôi nhà chung của tất cả loài sinh vật, có vai trò cung cấp nguồn thức ăn, nước uống, các điều kiện sống và không gian phát triển đặc trưng cho mỗi loài. Việc bảo vệ và duy trì hệ sinh thái là rất quan trọng để đảm bảo sự sống của các loài động, thực vật, nhất là việc giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của con người lên môi trường sống.

- Hệ sinh thái có vai trò quan trọng không chỉ đối với giới sinh vật mà còn liên quan trực tiếp đến cuộc sống con người.

Câu “Rừng vàng biển bạc” thể hiện rõ nét cho sự trù phú nguồn tài nguyên thiên nhiên. Con người sử dụng đất đai có sẵn từ hệ sinh thái cũng như nguồn thức ăn, nước uống để sinh sống.

Khi xã hội loài người tiến bộ, nền kinh tế cũng nhờ vào việc khai thác nguyên liệu tài nguyên từ các hệ sinh thái khác nhau để thúc đẩy tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, do ồ ạt khai thác và sử dụng không hiệu quả, đã dẫn đến việc cạn kiệt tài nguyên. Các loài sinh vật cũng dần mất đi sự đa dạng sinh học vì tác động của con người. Do vậy, các chính sách bảo vệ tài nguyên và bảo vệ sinh vật cần được thực thi và tuyên truyền mạnh mẽ.

Mô hình ruộng lúa bờ hoa đang rất được nông dân ở ĐBSCL đón nhận nhân rộng, bởi cách làm này mô phỏng sự đa dạng vốn có của tự nhiên, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp cũng như có nhiều ý nghĩa về môi trường. Ảnh: LHV.

- Chức năng thông tin là vai trò khá đặc biệt của hệ sinh thái diễn ra dựa trên các phản ứng trạng thái của các nhóm sinh vật và các thành phần phi sinh học khác. Một số loài có thể dựa vào những thông tin nguy hiểm từ ngoại cảnh để hình thành những cơ chế tự bảo vệ. Các loài động vật thông qua các tín hiệu như mùi hương, âm thanh và tín hiệu hình ảnh trong môi trường để sinh tồn…

- Chức năng quan trọng nhất của hệ sinh thái là điều tiết tự nhiên, đảm bảo mặt ổn định đối với môi trường sống. Khí hậu được điều hoà, giảm thiểu được những vấn đề về hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ được kiểm soát tối đa. Nguy cơ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến môi trường chung của toàn cầu được giảm thiểu.

Đơn cử, nguồn nước sạch cung cấp cho mọi hoạt động sống của con người và sinh vật đều xuất phát từ các khu rừng sinh thái. Nơi đây trở thành cỗ máy lọc tự nhiên đảm bảo cho chất lượng nguồn nước luôn tinh khiết. Việc bảo vệ và duy trì “sức khỏe” của hệ sinh thái là rất quan trọng, đảm bảo các chức năng tự nhiên được diễn ra cân bằng.

- Bên cạnh những lợi ích về mặt tài nguyên và môi trường, hệ sinh thái đem đến những giá trị tinh thần quan trọng trong cuộc sống con người. Các khu du lịch sinh thái thu hút du khách tham quan. Các quốc gia có những vẻ đẹp đặc trưng nhờ vào hệ sinh thái riêng biệt.

Gìn giữ hệ sinh thái trong hoạt động sản xuất nông nghiệp còn góp phần vào khai thác hoạt động du lịch, tạo nên giá trị riêng biệt là mỗi vùng, mỗi quốc gia. Ảnh: LHV.

Văn hoá kết hợp với hệ sinh thái trở thành một phương pháp mang tính toàn diện, bao gồm các yếu tố văn hóa, xã hội và kinh tế. Nó đề cao tính kết hợp giữa con người và môi trường sống, nơi mà con người không chỉ là một phần của hệ sinh thái mà còn là một phần của văn hóa và xã hội địa phương.

Những thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn và bảo vệ, nuôi dưỡng hệ sinh thái chính là biện pháp duy nhất ngăn chặn điều này. Các hệ sinh thái tự nhiên có khả năng giữ đất, chống xói mòn, hấp thụ nước, giảm thiểu tác động của lũ lụt, chống xâm nhập mặn và bảo vệ bờ biển. Ngoài ra, hệ sinh thái giúp điều hoà khí hậu ngăn chặn hạn hán và cháy rừng.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục