,

Trong ngành

Bài 5: "Phủ" tri thức khoa học trên những cánh đồng nông nghiệp

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được coi là “xương sống” và đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống nói chung và trong nông nghiệp nói riêng; giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Trước bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chịu những thách thức lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thời tiết cực đoan, việc rà soát các bài toán tổng thể của ngành nông nghiệp và đầu tư vào KH&CN một cách bài bản là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Là một trong bốn Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Bộ KH&CN đã kết hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các biện pháp về khoa học, công nghệ, về đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là công nghệ cao, làm thế nào để có ứng dụng, đạt hiệu quả cao nhất cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng 

Cho đến thời điểm này rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia các chương trình này, ứng dụng nhiều công nghệ cao trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp, ví dụ như: Tập đoàn Lộc Trời sản xuất gạo, Tập đoàn TH true Milk sản xuất sữa, DABACO về chăn nuôi, Nafoot trồng, chế biến trái cây…

Ngoài ra, hiện nay có khoảng 290 doanh nghiệp công nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao. Khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 70% đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Đó là những thành tựu của công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp. 

“Một con số rất phấn khởi, đó là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, so với giá trị năm 2000 là 41,25 tỷ USD. Đây là thành tựu chung của ngành nông nghiệp và đất nước chúng ta. Theo tôi có một phần đóng góp của khoa học công nghệ, của công nghệ cao vào thành tích này”, Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho hay, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực,… tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn. 

Bên cạnh đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro, như bảo hiểm nông nghiệp, Quỹ đầu tư bảo hiểm công nghệ cao...

Bởi vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, giải pháp sắp tới là hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khắc phục những khó khăn, hạn chế đã nêu trên. “Đề nghị các địa phương có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có trách nhiệm trong việc đảm bảo cho các khu này phát triển một cách đúng mục tiêu, đúng định hướng”, Bộ trưởng cho hay.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành KH&CN cũng nêu rõ cần triển khai đồng bộ tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về khoa học, công nghệ. Bộ KH&CN sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia cho lĩnh vực này, trong đó có một chương trình rất phù hợp, đó là chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình phát triển công nghệ cao.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để chuẩn bị triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Chính phủ giao và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, đó là sửa nghị định về khu công nghệ cao. 

“Khu nông nghiệp công nghệ cao chưa ở trong nghị định này. Lần này nghị định sửa đổi thì khu công nghệ cao bao gồm cả các khu công nghệ cao hiện nay và kể cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có những chính sách, cơ chế rất đặc thù cho lĩnh vực này. Chúng tôi đã trình Chính phủ để xem xét quyết định ban hành nghị định này trong thời gian tới. Và nghị định cũng đã được sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ. Hi vọng nghị định khi ra đời sẽ đi vào cuộc sống một cách hiệu lực, hiệu quả góp phần vào phát triển các khu công nghệ cao và trong đó có các khu nông nghiệp công nghệ cao”, Bộ trưởng nêu rõ.

Viện, trường là lõi của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, con đường ngắn nhất và nhanh nhất để nông dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời với khoa học công nghệ là thông qua viện, trường, chuyển giao tới mô hình khuyến nông, rồi đến người dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lõi của khu nông nghiệp công nghệ cao phải từ các viện, trường, bên cạnh đó là các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả nghiên cứu của các viện, trường để nhân ra và chuyển giao.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Phạm Thắng

Vậy con đường nào để đưa nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay với đặc thù là manh mún và nhỏ lẻ? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng đề xuất, phải chia ra nhiều cấp độ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng kích hoạt thị trường, sau khi kết quả nghiên cứu khả thi thì đưa vào đời sống. "Chúng tôi mong muốn làm ở cấp độ vừa phải, phù hợp với nguồn lực của đất nước. Chúng ta đang trong quá trình mày mò con đường đi. Chúng ta nên có cấp độ nghiên cứu từ trung ương, nghiên cứu tới địa phương đến cộng đồng, kéo dài chuỗi nghiên cứu. Kết hợp với nghiên cứu các đơn vị sự nghiệp công lập với các doanh nghiệp, như thế sức mạnh mới tăng thêm và doanh nghiệp sẵn sàng thương mại hóa tất cả sản phẩm nghiên cứu và đưa đến với người nông dân. Vai trò Nhà nước là người kết nối", Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có nhiều hướng đi tiếp cận nền nông nghiệp giá trị. "Chúng ta cũng thống nhất là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, công nghệ góp phần rất lớn, bên cạnh đó có nghiên cứu của nông dân – những "nhà khoa học chân đất", kết hợp với nghiên cứu viện, trường sẽ giải được bài toán “phủ tri thức, phủ khoa học công nghệ trên những cánh đồng, trên những bờ ao của bà con nông dân”.

Cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, công nghệ để có nền nông nghiệp phát triển bền vững. 

 

Để tháo “điểm nghẽn” về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng, cần phải học hỏi kinh nghiệm từ thực tế các nước trên thế giới.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

 
 Ông lấy ví dụ, tại Israel, Chính phủ đầu tư xây dựng, thành lập các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tư vấn kỹ thuật nông nghiệp.

Đồng thời, tại đây Chính phủ, các ngân hàng luôn sẵn sàng đầu tư vào những ý tưởng và dự án nông nghiệp mới. Các nhà “phát minh mới chớm nở” tại địa phương đều nhận được sự hỗ trợ (tư liệu sản xuất, nguồn lực tài chính) và tư vấn từ các chuyên gia khởi nghiệp, chính phủ. Ngoài ra, họ thường tổ chức các triển lãm công nghệ nông nghiệp tại thành phố Tel Aviv, Israel. Đây là một sự kiện hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp, nơi trình diễn, xúc tiến kết nối các công nghệ nông nghiệp mới nhất của Israel và thế giới.

Từ kinh nghiệm trên, ông Nghiệm cho rằng, để phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Việt Nam cần tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích như: Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; Cần có chính sách tài chính, tín dụng ưu đãi linh hoạt…Đồng thời, phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp và tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ nông nghiệp với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp và tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ nông nghiệp với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế. 

Đặc biệt, phải phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp, hình thành sàn giao dịch công nghệ ngành nông nghiệp. Xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đối với các viện nghiên cứu, trường Đại học, ông Nghiệm đề xuất cần tăng cường hợp tác tiếp nhận đặt hàng nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao, công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.Hình thành các bộ phận chuyên trách để đẩy mạnh thương mại hóa, chuyển giao các kết  quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hoàn thiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp.

Cuối cùng, đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, ông Nghiệm cho rằng, cần phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ như: công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản xuất, quy mô hàng hoá. Đẩy mạnh hợp tác với các nhà khoa học, các chuyên gia để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao trình độ, năng lực để nhanh chóng tiếp nhận, vận hành các công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Có như vậy, mới thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam “cất cánh” vươn xa./.

Nguồn: dangcongsan.vn/

Tin cùng chuyên mục