,

Trồng trọt-BVTV

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết sản xuất

Những năm qua, việc chuyển đổi cây trồng được ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai tích cực. Một số địa phương đã linh hoạt lựa chọn và chuyển đổi sang các cây trồng mới sử dụng ít nước tưới, phù hợp với từng vùng sinh thái, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân

Chuyển đổi phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế

Năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi 121,3 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác, trong đó, ruộng 2 vụ 62,6 ha, ruộng 1 vụ 58,7 ha. Đây chủ yếu là diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, gặp khó khăn về nguồn nước tưới tiêu, diện tích này đa phần chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho năng suất cao như: Cây lạc, ngô sinh khối, cây gai xanh, cây rau, dưa các loại... Các cây trồng chuyển đổi đã giúp người dân giảm được chí phí sản xuất từ 10-20 %, lợi nhuận tăng 2-3 lần so với trồng lúa trước đây. Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như vùng trồng lạc tại các xã Minh Quang, Phúc Sơn, Thổ Bình, Thượng Lâm (Lâm Bình), vùng trồng ngô thức ăn gia súc như Yên Nguyên, Hòa Phú, Tân Thịnh (Chiêm Hóa), vùng trồng dưa chuột tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn; vùng trồng cây ăn quả tại các xã :Minh Khương, Minh Dân, Phù Lưu, Tân Thành, Yên Lâm, Thái Sơn… huyện Hàm Yên.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông kiểm tra cây dưa chuột tại xã Hòa An (Chiêm Hóa)

Ông Lý Đình Hiếu, thôn Lăng Hối, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cho biết, vụ xuân năm 2022 gia đình ông chuyển 1.000 m2 ruộng 2 vụ lúa sang trồng dưa chuột. Gia đình được bên đơn vị thu mua cung ứng từ giống, phân bón theo hình thức trả bằng sản phẩm. Vụ dưa đầu tiên trong 70 ngày gia đình ông thu được hơn 8 tấn quả, bán với giá bình quân 5.000 đồng/kg, thu nhập hơn 40 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, vụ mùa gia đình ông tiếp tục trồng dưa trên diện tích 800 m2, hiện diện tích dưa của gia đình đã thu hoạch xong, sau khi trừ chi phí cũng lãi gần 15 triệu đồng. Đầu tháng 9, gia đình ông tiếp tục xuống giống trồng 3.000 m2 cây dưa chuột. Theo ông Hiếu, trồng dưa chuột đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa.

Không chỉ gia đình ông Hiếu, vụ mùa này toàn xã có trên 02 ha đất ruộng đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Chị Quan Thị Hằng, cán bộ khuyến nông cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay người dân tại một số thôn trên địa bàn xã liên kết với một số hợp tác xã, công ty trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm dưa chuột, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích. Thay vì trồng 2 vụ lúa 1 vụ màu như trước, nay người dân đã chuyển đổi trồng 2 vụ màu 1 vụ lúa hoặc 3 vụ màu. Thời gian tới, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các doanh nghiệp mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn lựa chọn các giống cây trồng phù hợp nhằm tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích; đồng thời ký kết hợp đồng cung ứng giống, vật tư phân bón và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Với vị trí địa lý thuận lợi giáp ranh các tỉnh có nền nông nghiệp phát triển như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, huyện Sơn Dương là một trong những huyện tích cực chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng các cây khác. Năm 2021, huyện chuyển đổi gần 20 ha đất ruộng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột, cà chua, dưa lê, dưa bở, ớt, ngô sinh khối, măng tây, gai xanh…, giá trị thu nhập của các vùng chuyển đổi đều đạt trung bình từ 300 - 500 triệu đồng/ha, gấp 5 - 6  lần cấy lúa, từ đó hình thành các vùng trồng rau màu như xã Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế, Tân Trào, Minh Thanh; vùng trồng cây gai xanh như Tân Thanh, Trung Yên…  

Tháng 7/2021, gia đình ông Đặng Văn Tài, thôn Vĩnh Tiến, xã Tân Thanh (Sơn Dương) chuyển 5 sào đất soi bãi trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Sau 3 tháng trồng, ông thu lứa đầu tiên và đến nay đã thu được 4 lứa, mỗi lứa đạt hơn 30 - 40 kg vỏ khô/sào. Với giá thu mua theo hợp đồng liên kết là 40.000 đồng/kg, ông Tài thu về hơn 6 triệu đồng/lứa/5 sào. Trước đây, nếu trồng ngô, trừ hết chi phí sản xuất thì mỗi năm ông chỉ bỏ ra được 7- 10 triệu đồng. Hiện tại, khi chuyển sang trồng cây gai xanh, gia đình ông Tài thu hơn 24 triệu đồng/năm.

Thu hoạch cây gai xanh tại xã Tân Thanh (Sơn Dương)

Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp bền vững. Do vậy, trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành có liên quan, tuyên truyền vận động doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, các địa phương đã và đang hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp đã giúp người dân nâng cao ý thức sản xuất theo nhu cầu thị trường, đồng thời bà con còn được cung cấp thông tin thị trường, cung cấp vốn để phục vụ sản xuất. Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông đã tư vấn, kết nối được 7 doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức thu mua được trên 20.000 tấn sản phẩm nông sản cho các hộ sản xuất, trong đó trên 12.400 tấn dưa chuột; 16 tấn sợi gai xanh, 8.200 tấn ngô sinh khối và trên 45 tấn quả ớt tươi...

Mặc dù mang lại hiệu quả rõ rệt, song hiện nay vấn đề mà hầu hết nông dân băn khoăn là thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, vẫn còn một số người dân thấy lợi trước mắt mà phá vỡ mối liên kết; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, thời gian tới hệ thống khuyến nông sẽ trở thành “cầu nối” để nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau, hình thành những vùng chuyển đổi tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến - tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương để góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang tính bền vững và chất lượng./.

Vũ Ngọc Tuyên - Trung tâm khuyến nông

Tin cùng chuyên mục