,

Lâm nghiệp

Tuyên Quang hoàn thành kế hoạch trồng rừng trước 2 tháng

Theo kế hoạch, đến cuối tháng 9, tỉnh Tuyên Quang mới hoàn thành việc trồng rừng năm 2023, tuy nhiên đến thời điểm này các địa phương đã hoàn thành 100% kế hoạch.

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành 100% kế hoạch trồng rừng, vượt 2 tháng so với kế hoạch. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, đến nay toàn tỉnh đã trồng được 10.510ha/10.100 ha, đạt 104% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng rừng tập trung là hơn 10.000ha; trồng cây phân tán hơn 477ha. Các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa… là những địa phương đã hoàn thành và vượt 100% kế hoạch trồng rừng trong năm.

Gia đình ông Vương Văn Lẹm, người Nùng thôn Nà Vơ, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn có 2ha trồng keo. Khi vườn keo được 5 tuổi, đã có thương lái về trả ông Lẹm 200 triệu đồng nhưng ông không bán. Ông Lẹm cho biết, năm nay khi rừng được 8 năm tuổi ông đã quyết định bán bởi đủ khối lượng và cho gia đình ông thu về khoản tiền kha khá. Thu hoạch rừng xong, gia đình ông Lẹm đã xử lý thực bì, cuốc hố và trồng lại 100% diện tích.

Cũng giống như gia đình ông Lẹm, thôn Nà Vơ, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn có 91 hộ dân, thì có đến 300ha rừng sản xuất. Bình quân mỗi hộ có gần 4 ha. Những năm qua, rừng không chỉ che chở cho người dân khỏi mưa lũ mà còn tạo sinh kế ổn định cho các hộ dân. Bởi vậy, thu hoạch rừng đến đâu, khi thời tiết thuận lợi, độ ẩm cao các hộ dân nhanh chóng trồng lại toàn bộ diện tích, không để đất trống, đồi hoang.

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác trồng rừng ở tỉnh Tuyên Quang năm nay đó là địa phương này triển khai có hiệu quả việc thực hiện trồng rừng chất lượng cao theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ được gần 3,7 triệu cây giống, tương đương diện tích hơn 2.600ha, đạt 100% kế hoạch. Trong số lượng cây được hỗ trợ thì keo lai mô là hơn 2,77 triệu cây/ 2.000ha; keo tai tượng hạt ngoại là 883.00 cây/532ha; dổi ăn hạt là 11.190 cây/22ha. Với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 11,12 tỷ đồng.

Một trong những thuận lợi trong công tác trồng rừng là tỉnh Tuyên Quang chủ động nguồn cây giống chất lượng. Ảnh: Đào Thanh.

Cuối năm 2022, gia đình ông Quan Văn Đại, thôn Nà Giàng, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa thu hơn 2ha keo. Thu hoạch rừng xong gia đình ông Đại chủ động xử lý thực bì và đăng ký cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang.

Ông Đại cho biết, chương trình hỗ trợ cây giống theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang rất thiết thực với người dân. Bởi nó giúp người dân giải quyết được vấn đề cây giống chất lượng, thay vì mua cây giống trôi nổi trên thị trường như trước đây. Cây giống có chất lượng, chắc chắn rừng sẽ sinh khối tốt hơn, như thế hiệu quả kinh tế cũng nâng lên.

Ông Triệu Đăng Khoa, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến tỉnh Tuyên Quang về đích sớm trước 2 tháng so với kế hoạch trồng rừng trong năm là các hộ dân đều ý thức được lợi ích của kinh tế rừng mang lại nên có tính chủ động cao. Cùng với đó việc chủ động được nguồn cung cấp giống có chất lượng cũng là một nguyên nhân. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ cây giống theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh tiếp tục tạo điểm nhấn trong vụ trồng rừng và được người dân đón nhận tích cực.

Song song với công tác trồng rừng, thì việc khai thác gỗ rừng trồng cũng được các địa phương triển khai thực hiện và có hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã khai thác gỗ rừng trồng được 6.395ha/10.000 ha, sản lượng gỗ 667.886m3/1.120.000m3 đạt 59,6% kế hoạch; bằng 110% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh cũng thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững được hơn 48.300ha/71.640ha, đạt 67,4% kế hoạch năm 2023. Tỉnh dự kiến đến ngày 28/8/2023, đánh giá cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS (TCVN) cho diện tích 5.000 ha trên địa bàn 2 xã Yên Lâm và Yên Phú, huyện Hàm Yên.

Địa phương cũng đang triển khai Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”. Đến nay Sở NN-PTNT đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu số 1, đã mở hồ sơ dự thầu và đề nghị nhà thầu làm rõ E_HSDT (hồ sơ dự thầu) gói thầu số 2; lập Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ”.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục