,

Lâm nghiệp

Phòng cháy, chữa cháy rừng: Những bài học kinh nghiệm

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và mỗi người dân. Nhất là trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt kéo dài, làm cho nguy cơ cháy rừng tăng cao. Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều vụ cháy rừng xảy ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bởi vậy cần phải đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu để làm tốt hơn nữa công tác PCCCR, nhất là khi mùa khô hanh đang đến gần.

Nhiều khó khăn trong PCCCR

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 36,47 ha rừng, trong đó có 35,97 ha rừng tự nhiên và 0,5 ha rừng trồng tại địa bàn các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương. Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân đã kịp thời tiếp cận và khống chế ngọn lửa, giảm thiểu tối đa lâm sản bị thiệt hại.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân xảy ra cháy gồm cả khách quan và chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, hanh khô, làm cho mùa hè khắc nghiệt hơn; hệ thống cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm điểm nghi cháy rừng chưa hoàn thiện nâng cấp, xây dựng nên đã ảnh hưởng đến việc phát hiện và cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng.

Toàn tỉnh hiện có trên 448 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng đặc dụng gần 47 nghìn ha, đất rừng phòng hộ trên 121 nghìn ha, đất rừng sản xuất trên 279 nghìn ha. Diện tích rừng tre, nứa khá lớn với trên 13 nghìn ha cũng là nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. Diện tích rừng lớn trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng, thiết bị phương tiện chữa cháy thiếu thốn khiến việc kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguy cơ cháy rừng gặp nhiều khó khăn.

Biển báo nghiêm cấm các hành vi gây cháy rừng được đặt tại cửa rừng để tuyên truyền đến người dân ý thức PCCCR.

Thực tế các vụ cháy rừng cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng vẫn là do ý thức chủ quan, sự bất cẩn của người dân trong việc sử dụng lửa gần rừng, ven rừng, trong rừng, đốt thực bì chưa đúng quy định và hướng dẫn. Không ít người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức hết tác hại và hậu quả của việc sử dụng lửa gần rừng, trong rừng, ven rừng và chưa chấp hành nghiêm các quy định về đốt thực bì.

Tại khoản 3, điều 47, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đã quy định cụ thể trường hợp khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều; trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa. Thế nhưng nhiều vụ cháy rừng thời gian qua, người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định này. Điển hình như vụ cháy rừng phòng hộ tại thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi dịp đầu năm nay, bà T.T.T. mặc dù trước đó đã ký cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR với cán bộ Kiểm lâm, tuy nhiên, bà T. vẫn đốt thực bì sau khai thác rừng vào ngày có nguy cơ cháy rừng cao, khi gặp gió mạnh, lửa cháy lan sang rừng phòng hộ.

Vụ cháy rừng gây thiệt hại trên 5 ha rừng phòng hộ do Hạt Kiểm lâm huyện Yên Sơn quản lý. Không chỉ có vụ việc này, nhiều vụ cháy rừng khác, trước khi đốt thực bì không thông báo với chính quyền địa phương, không bố trí người canh gác cũng như không chuẩn bị đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng.

Từ nguyên nhân này đặt ra yêu cầu cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCCCR theo quy định của pháp luật.

Những bài học kinh nghiệm 

Hàng năm, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR giữa các hộ gia đình và trưởng thôn, giữa học sinh với nhà trường, giữa trưởng thôn với chủ tịch xã và giữa chủ tịch xã với chủ tịch huyện, đồng thời xây dựng các biển báo cảnh báo; kiện toàn các Ban Chỉ đạo mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, cấp xã; các tổ bảo vệ và PCCCR ở các thôn. Đồng thời thực hiện các cuộc diễn tập PCCCR cấp huyện, cấp xã tại các xã trọng điểm về PCCR nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

Nhiều năm qua, Hàm Yên là địa bàn không có các vụ cháy rừng xảy ra. Theo đồng chí Vương Văn Ninh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Yên, kinh nghiệm để làm tốt công tác PCCCR đó là tuyên truyền, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, từng người dân về các biện pháp PCCCR. Ở nhiều xã, thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, cán bộ Kiểm lâm trực tiếp đến từng hộ hướng dẫn, tuyên truyền theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Lực lượng Kiểm lâm của huyện tham mưu thực hiện tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng với diện tích giao khoán trên 6 nghìn ha cho 88 hộ gia đình, cá nhân và 30 cộng đồng dân cư trên địa bàn 9 xã trọng điểm về rừng để bảo vệ.

Đồng chí Trần Văn Xuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu cho biết, Hạt hiện quản lý trên 30 nghìn ha rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất trên địa bàn 5 xã. Với diện tích rừng lớn như vậy nên, hàng năm Hạt đều ưu tiên kinh phí được cấp để giao khoán bảo vệ rừng và PCCCR cho các hộ dân sống gần rừng, có vườn đồi liền kề với rừng. Hiện Hạt đã giao khoán gần 3 nghìn ha rừng cho 4 tổ bảo vệ và PCCCR ở các thôn quản lý.

 Các lực lượng phối hợp với người dân tham gia dập lửa tại buổi diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tại xã Lương Thiện (Sơn Dương). Ảnh: Lý Thu  

Do lực lượng Kiểm lâm mỏng, diện tích rừng lớn nên bài học kinh nghiệm nhiều năm qua của Hạt là dựa vào nhân dân để làm tốt công tác PCCCR. Những hộ được giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng làm các lán tạm trên rừng, bố trí người canh gác cửa rừng. Bất kể ai ra vào rừng, nhân dân đều có tai mắt và nắm bắt được, đồng thời chính nhân dân tự nhắc nhở nhau không mang lửa vào rừng.

Tại xã Hùng Lợi (Yên Sơn), ngay sau khi có vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra, Đảng ủy, UBND xã Hùng Lợi đã kiện toàn lại toàn bộ Ban Chỉ đạo mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng của xã và các tổ bảo vệ, PCCCR tại 16 thôn. Đồng thời yêu cầu 2 tổ tuần tra bảo vệ và PCCCR của xã thường xuyên tuần tra, kiểm soát và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm quy định về đốt thực bì sau khai thác rừng.

Đồng chí Ma Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Lợi cho biết, để xảy ra vụ cháy rừng ngoài nguyên nhân do người dân chủ quan, chưa chấp hành tốt quy định về PCCCR còn do các tổ tuần tra của xã chưa thường xuyên nắm bắt kịp thời các địa điểm, vị trí người dân xử lý thực bì để hướng dẫn, nhắc nhở. Bài học kinh nghiệm được rút ra là không được chủ quan, lơ là và luôn sẵn sàng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCCCR.

Theo đồng chí Dương Văn Xy, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ thực tiễn công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ngành Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCCR; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân các quy định về PCCCR; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành và lực lượng quần chúng ở cơ sở.

Ngành Kiểm lâm tỉnh luôn xác định bài học kinh nghiệm trong PCCCR đó là dựa vào nhân dân, dựa vào quần chúng là yếu tố quan trọng nhất để làm tốt công tác PCCCR. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh chú trọng trang bị đầu tư các thiết bị chuyên dụng để phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng và trong công tác chữa cháy rừng.

                                                                                                                                                       Bài, ảnh: Thủy Châu

Đồng chí Vi Văn Chính
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Na Hang

Lắp đặt biển báo phòng, chống cháy rừng

Huyện Na Hang có trên 67.700 ha rừng, trong đó trên 59.500 ha rừng tự nhiên. Đặc điểm rừng tự nhiên có rất nhiều tre, nứa và thảm thực vật dày, trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Phòng, chống cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã lắp đặt biển cảnh báo cháy rừng tự động ở nhiều khu vực rừng, có nguy cơ cháy cao. Các biển cảnh báo sẽ tự cảm biến thời tiết theo thời gian thực để tính cấp dự báo cháy rừng. Ngoài ra, Hạt cũng yêu cầu các trạm tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiêm cấm các chủ rừng, người dân tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng... Đồng thời chủ động các biện pháp, diện tích rừng của huyện được bảo vệ an toàn, không có thiệt hại do cháy.

­Đồng chí Ma Công Khâm
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình)

Đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân

Để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, UBND xã Thượng Lâm chú trọng kiện toàn Ban Chỉ đạo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng cấp xã cùng với 13 tổ phòng cháy, chữa cháy rừng của các thôn với tổng hơn 130 thành viên. Các tổ thường xuyên phối hợp cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra rừng, nắm bắt tình hình để kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Cùng với đó, UBND xã chủ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân không được sử dụng lửa trong rừng những ngày trời nắng nóng, xử lý thực bì đúng cách; lồng ghép vào các cuộc họp thôn để tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, nhờ đó vài năm trở lại đây trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng.

Đồng chí La Văn Hạnh
Chủ tịch UBND xã Bạch Xa (Hàm Yên)

Nâng cao trách nhiệm cộng đồng 

Xã Bạch Xa hiện có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên 1.230 ha. Để thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) xã đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và đội xung kích, đội phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với hơn 100 người tham gia. Đồng thời, xã phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm và các cơ quan chức năng của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR; tăng cường tuần tra, kiểm tra, dự báo cháy rừng, xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng và PCCCR; kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm PCCCR của chủ rừng hộ gia đình và các tổ chức trên địa bàn; thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, quân sự, công an và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trong đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và PCCCR trên địa bàn.


Ông Trần Văn Hai
Tổ trưởng Tổ phòng cháy, chữa cháy rừng thôn Văn Sòng, xã Thiện Kế (Sơn Dương)

Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng

Quản lý rừng, chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) dựa vào cộng đồng là phương thức sẻ chia lợi ích từ rừng, đưa giá trị thực tiễn của rừng vào cuộc sống của mỗi người dân, mỗi gia đình để họ thấy rõ giá trị của rừng, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của người dân trong công tác PCCCR. Một yếu tố quan trọng trong công tác PCCCR tại thôn là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCCCR. Thông qua các buổi họp thôn, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền đến nhân dân thông tin về tình hình thời tiết, những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng; trách nhiệm người dân trong công tác bảo vệ rừng và một số hành vi nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo vệ rừng. Người dân cũng được trang bị kỹ năng xử lý khi phát hiện đám cháy và thực hiện ký cam kết trong công tác PCCCR. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ và phòng chống cháy rừng, phát hiện các hành vi có nguy cơ gây cháy rừng.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục