,

Thương hiệu nông sản

Long nhãn Vinh Quang

TQĐT - Hiện nay, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, các xã, thị trấn đã lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, trong đó xã Vinh Quang phát triển sản phẩm long nhãn, tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Xưởng sơ chế long nhãn tại gia đình ông Phạm Văn Chính, thôn Tiên Quang 1,
 xã Vinh Quang (Chiêm Hóa).

Là hộ có quy mô lò sấy long nhãn lớn nhất xã, ông Phạm Văn Chính, thôn Tiên Quang 2, xã Vinh Quang xuất bán 6 tấn sản phẩm/năm. Ông Chính cho biết, nghề làm long nhãn trên địa bàn xã có khoảng 20 năm nay, nhưng 3 năm trở lại đây phát triển mạnh hơn. Mỗi lò sấy trung bình một vụ cho hơn một tấn long nhãn khô, thu được khoảng 50 triệu đồng. Gia đình ông năm nay thu khoảng 200 triệu đồng từ làm long nhãn.

Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, xã Vinh Quang đã lựa chọn sản phẩm long nhãn trở thành sản phẩm đặc trưng của xã. Hàng năm, đến trung tuần tháng 6 đến hết tháng 7 âm lịch, bà con nông dân bước vào vụ làm long nhãn. Toàn xã Vinh Quang hiện có gần 140 ha nhãn, với hơn 82 hộ dân làm long nhãn, tập trung chủ yếu ở các thôn Tiên Hóa 1, Tiên Hóa 2, Liên Nghĩa, Phong Quang, Tiên Quang 1, Tiên Quang 2... Vào mỗi vụ làm long nhãn, mỗi hộ gia đình thu hút khoảng 15 - 20 lao động thời vụ, với mức thu nhập đạt khoảng 200.000 đến 300.000 đồng/người/ngày. 

Đồng chí Vi Văn An, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, ở Vinh Quang, toàn bộ sản phẩm long nhãn sau khi chế biến xong đều được thu mua tận nhà. Nhiều năm qua, làm long nhãn đã trở thành một nghề thủ công truyền thống và tạo nguồn thu nhập khá cho người nông dân. Sản phẩm long nhãn Vinh Quang được khách hàng chọn mua làm quà cho người thân; ăn long nhãn sẽ mang lại giấc ngủ ngon, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ điều trị loạn nhịp tim…   

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục