,

Thương hiệu nông sản

Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm 60 năm - một chặng đường

TQĐT - Ngày 25-10-1958, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (trước đây là Nông trường chè Tháng 10) được thành lập. Nơi đây, theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn 242 đã làm lễ hạ sao chuyển đổi đơn vị từ quân đội sang đơn vị sản xuất thuộc khối dân sự (Nông trường quốc doanh Tháng 10 thuộc Bộ Nông trường quản lý).

Vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm.

Ngày ấy, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng nhưng với những chiến sỹ thuộc Trung đoàn 242, Sư đoàn 332 thuộc Quân khu Đông Bắc họ vẫn chắc tay súng tiếp tục cuộc chiến tiễu phỉ để giữ yên bản làng cho đồng bào ở vùng đông Bắc Tổ quốc. Để bảo toàn lực lượng, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, các chiến sỹ Trung đoàn 242 ngày ấy đã lấy nhân dân làm chỗ dựa, tuyên truyền giác ngộ và tạo sự đồng thuận trong dân để diệt trừ thổ phỉ. Chỉ sau 2 năm, Trung đoàn 242 đã tiêu diệt và bắt sống trên 5.000 thổ phỉ, mang lại sự bình yên cho nhân dân ở miền Đông Bắc Tổ quốc. 

Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, Trung đoàn 242 đóng quân tại Lạng Sơn được nhận nhiệm vụ đi xây dựng kinh tế. Đứng dưới quân kỳ, các chiến sỹ của Trung đoàn 242 đã hô vang khẩu hiệu: Đoàn quân sản xuất anh dũng tiến lên. Ngay tối hôm đó, từ ga Kỳ Lừa tỉnh Lạng Sơn đoàn quân lên tàu hỏa về Yên Bái, rồi hành quân về đất Tuyên Quang. Ở địa điểm mới, các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 242 đã nhanh chóng chuyển tay súng sang tay dao, tay búa hòa mình cuộc sống vùng sơn cước. Trung đoàn đã phát động chiến dịch “Ngày không giờ, tuần không thứ”, chỉ 17 ngày sau đó cả trung đoàn đã có nơi ăn, chốn ở, đó là điều kiện quan trọng để “an cư lạc nghiệp”. Trong sản xuất, Trung đoàn đã nêu cao phong trào “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật”. Những giọt mồ hôi của người lính vùng Đông Bắc năm nào đã xuống đất hoang để gắn quyện tình người với đất làm nên những chiến tích mới.


 Công nhân Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm thu hái chè.

Ghi lại mốc son của Trung đoàn 242, Đảng ủy nông trường đã vận động những người lính năm xưa đưa vợ con từ miền xuôi lên miền ngược xây dựng quê mới. Nhờ có động lực từ ổn định gia đình hướng tới tương lai, giai đoạn 1960 - 1964, Nông trường chè Tháng 10 đã trồng được 640 ha chè, 80 ha cà phê và xây dựng một xưởng chế biến chè xanh có công suất 13 tấn/ngày. Đáp ứng nhu cầu trồng trọt, nông trường đã phát triển 200 ha đồng cỏ, chăn nuôi 1.000 con bò và 559 con trâu, phục vụ cho công tác cày kéo và cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng. 

Giai đoạn 1964 đến 1970 là thời kỳ phát triển rực rỡ của Nông trường quốc doanh Tháng 10. Những mô hình, những cánh đồng chè đua nhau phát triển, trong đó có hàng trăm ha chè có năng suất đạt trên 10 tấn búp/ha. Phong trào thi đua luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong thu hái chè búp tươi với phương châm “Ngày trăm cân, tháng nghìn cân và năm vạn cân”. Trong số đó chị Phạm Thị Bé, đội 11, thu hái 1 ngày đạt 437 kg búp tươi. Nhiều năm Nông trường chè Tháng 10 được Liên đoàn Lao động tỉnh công nhận đơn vị thi đua khá; Đoàn thanh niên là một trong ba lá cờ đầu của tỉnh và là tổ chức đoàn khá nhất trong khối thanh niên công nhân. Đi đôi với nhiệm vụ sản xuất, nông trường còn thực hiện nghĩa vụ cao cả với Tổ quốc trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ với 720 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 57 chiến sỹ của Trung đoàn 242 là bộ đội tái ngũ vào chiến trường miền Nam. Nhằm cổ vũ động viên nơi tiền tuyến, với miền Nam có chiến sỹ diệt Mỹ thì Nông trường chè Tháng 10 có dũng sỹ hái chè. Khẩu hiệu ấy đi suốt chiều dài năm tháng của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.


 Dây chuyền chế biến chè đen theo công nghệ tiên tiến (CTC) của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. 

Trên quê mới, điều đáng lưu tâm của đội ngũ cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 242 đều có chung một tâm nguyện là tất cả cho tương lai. Cũng vì thế, mà thế hệ thứ 2 của Trung đoàn 242 đã hy sinh lợi ích bản thân, huy động mọi nguồn lực để dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo bằng tường xây mái ngói cho con em mình. Dẫu gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ công nhân viên nông trường luôn tâm niệm, dẫu có hụt kế hoạch sản xuất quyết không để cháu nào bị đói và không để cháu nào bị chết vì bom, đạn của Mỹ.

60 năm một chặng đường, nơi tụ hội trên 900 cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 242 về đây xây dựng vùng chè tập trung, vùng sản xuất hàng hóa đầu tiên trên đất Tuyên Quang. Mô hình liên kết (công-nông) vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ đời sống dân sinh. Đồng thời, chú trọng tạo lập vùng nguyên liệu, đầu tư thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ nông nghiệp đến công nghiệp, tổ chức lại quan hệ sản xuất Công ty chè Mỹ Lâm đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Ở thời kỳ bao cấp, sản xuất chế biến chè của công ty đạt từ 700 đến 800 tấn sản phẩm chè đen/năm, doanh thu đạt từ 15 đến 20 tỷ đồng. Hiện nay, nhờ đổi mới công nghệ chế biến, mỗi năm làm ra từ 2.000 đến 2.200 tấn chè thành phẩm xuất khẩu thu về từ 80 đến 85 tỷ đồng/năm. 

Kế tục sự nghiệp của người lính Trung đoàn 242 năm xưa, những thế hệ đi sau nguyện giữ vững màu xanh cây chè, nâng cao đời sống người làm chè ở nơi giáp ranh 3 tỉnh của vùng Tây Bắc Tổ quốc.      

Nguồn: Báo Tuyên Quang
Bài, ảnh: Duy Hùng

Tin cùng chuyên mục