,

Thương hiệu nông sản

Làng nghề chè Vĩnh Tân

TQĐT - Năm 2014, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) là thôn đầu tiên của tỉnh được công nhận làng nghề chè. Từ đó đến nay, chè Vĩnh Tân không những tìm được chỗ đứng trên thị trường mà còn trở thành một trong những sản phẩm chè có tiếng, được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
TQĐT - Năm 2014, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) là thôn đầu tiên của tỉnh được công nhận làng nghề chè. Từ đó đến nay, chè Vĩnh Tân không những tìm được chỗ đứng trên thị trường mà còn trở thành một trong những sản phẩm chè có tiếng, được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Người dân làng nghề chè Vĩnh Tân thu hái chè.

Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, cây chè đã có hơn 40 năm hình thành và phát triển trên đất Vĩnh Tân, từ một vài hộ trồng, đến nay có 100/108 hộ trong thôn sản xuất chè, thôn đã hình thành vùng sản xuất chè theo hướng hàng hóa tập trung với tổng diện tích 180,2 ha chè. Với phương thức sản xuất theo quy trình sạch, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, năm 2014, Làng nghề chè Vĩnh Tân được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa, nhờ đó sản phẩm chè đã có giá trị gấp ba lần so với trước đây. Với giá bán trung bình 250.000 - 300.000 đồng/kg chè ở thời điểm này, đã cao gấp 3 lần so với năm 2013, và có giá trị cao gấp đôi so với sản phẩm chè cùng loại không có thương hiệu hiện đang bán ngoài thị trường. Thu nhập bình quân của thôn đạt trên 45 triệu đồng/người/năm. Hiện thôn chỉ còn 2 hộ nghèo. 

Chè Vĩnh Tân đã có sản phẩm tham gia Liên hoan Festival Chè Thái Nguyên và đoạt Cúp “Búp chè vàng”. Nhằm phát huy hơn nữa giá trị sản phẩm chè Vĩnh Tân, từ các nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án thôn được đầu tư cải tạo hơn 40 ha giống chè già cỗi sang các giống chè đặc sản có năng suất cao như giống chè 025, Ngọc Thúy, Bát Tiên…

Hộ ông Phạm Văn Đáng làm giàu từ cây chè với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Ông Đáng cho biết, với 1 ha chè của gia đình, vào thời điểm chè rộ mỗi tháng có thể sản xuất được 400 kg chè khô, sau khi xuất bán trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Từ đó ông có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học, mua đất đai tích lũy. Ngoài hộ ông Đáng còn rất nhiều hộ trong thôn có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ sản xuất chè như hộ ông Phạm Văn Rẫn, Phạm Văn Ngãi, Phạm Văn Thách…

Thời gian tới, để sản phẩm chè Vĩnh Tân tiếp tục vươn xa, được nhiều khách hàng biết đến, Ban Quản lý làng nghề chè Vĩnh Tân đang tích cực đưa sản phẩm của làng nghề tham gia các hội chợ thương mại quảng bá sản phẩm, cùng với đó kết hợp với Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào mở các tua, tuyến du lịch sinh thái tại làng nghề.

Bài, ảnh: Lại Cao Huy

Tin cùng chuyên mục