,

Nông nghiệp tốt

Sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp vượt qua đại dịch

Tuyên Quang có tổng diện tích chè gần 8.500 ha; cây chè được trồng tập trung tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên; vùng chè Shan tuyết tại huyện Na Hang, Lâm Bình với diện tích chè Shan tuyết hiện có trên 1.300 ha.

Hiện nay, toàn tỉnh có 846 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn trong đó: 93 ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 24 ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, 729 ha chè của Công ty CP chè Mỹ Lâm và Công ty CP chè Tân Trào được tổ chức Rainforest cấp chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững. Hàng năm, cây chè mang lại giá trị cho địa phương từ 700 - 720 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trên địa bàn tỉnh.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 sức tiêu thụ của thị trường chậm, vận chuyển khó khăn, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường hầu như bị đình trệ dẫn đến hàng hoá bị tồn đọng, đặc biệt là mặt hàng chè phục vụ xuất khẩu tại 03 Công ty cổ phần chè: Sông Lô, Tân Trào, Mỹ Lâm hiện nay vẫn đang còn tồn hàng, sức tiêu thụ chậm. Để tìm hiểu về tình hình sản xuất chè trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đến thăm Công ty CP chè Mỹ Lâm, hiện nay Công ty có 07 tổ sản xuất chè an toàn, với 700 hộ nhận khoán đất trồng chè.

Công ty đang quản lý 430 ha đất trồng chè, năng suất bình quân 20 tấn chè búp tươi/ha. Công ty hiện có nhà máy chế biến với công suất 72 tấn chè búp tươi/ngày, trong đó có 1 xưởng sản xuất chè đen với 5 dây chuyền công suất 60 tấn chè búp tươi/ngày và 1 xưởng sản xuất chè xanh với công suất 12 tấn búp tươi/ngày. Công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn chè lớn trên thế giới. Sản lượng sản xuất của Công ty hàng năm đạt 2.050 đến 2.300 tấn/năm. Các sản phẩm được bán ra thị trường các nước Anh, Nga, Ba Lan, Ai Cập, UAE, Pakistan, Indonesia, Nhật Bản. 

Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cho biết: Phát triển chuỗi giá trị chè an toàn, bền vững, chất lượng trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm triển khai thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu là đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Trước đây, Công ty cũng đã thực hiện liên kết với người nông dân theo hình thức ký hợp đồng với từng hộ nhưng cách làm này không hiệu quả vì quản lý khó do các hộ có diện tích ít, manh mún. Công ty thành lập Tổ sản xuất chè an toàn theo từng nhóm hộ có diện tích chè gần nhau.  Các hộ tự nguyện tham gia liên kết là thành viên của Tổ sản xuất chè an toàn, có điều lệ hoạt động được người dân tham gia cùng xây dựng. Các tổ bầu ra Ban đại diện: Gồm 01 Trưởng ban, và 02 Phó ban. Trưởng ban đại diện là người thay mặt các thành viên trong tổ ký hợp đồng với Công ty. Các thành viên Tổ sản xuất chè an toàn phải thực hiện đúng quy trình kỳ thuật do Công ty đề ra, được cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hoàn trả tiền vật tư nông nghiệp thông qua sản phẩm chè búp tươi bán cho Công ty.

Công ty ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của các Tổ sản xuất chè an toàn, hướng dẫn cho người nông dân quy trình chăm sóc, thu hái, bố trí cán bộ làm công tác khuyến nông tại cácTổ sản xuất chè an toàn... Công ty cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng riêng cho chè theo tiêu chuẩn EU. Mô hình tổ sản xuất chè an toàn đã đem lại lợi ích cho cả người nông dân và doanh nghiệp. Sản phẩm chè đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, làm tăng giá bán chè thành phẩm, giảm giá thành sản xuất, thị trường mở rộng và ổn định.

Chị Đỗ Thị Minh Thu đang kiểm tra đồi chè của gia đình

Ông Lê Quang Chuyền cho biết thêm: Để đứng vững trên thị trường trong giai đoạn tới, vượt qua đại dịch các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè nói chung và Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm nói riêng cần phải đổi mới công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm thì mới duy trì và đứng vững trong nền kinh tế thị trường đồng thời giải quyết được việc làm cho công nhân, mặt khác phát huy thế mạnh của tỉnh về tài nguyên chè, tăng thu nhập cho người lao động và nguồn thu cho Tỉnh. Công ty đang tiếp tục đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến chè xanh phục vụ nội tiêu và hướng đến các thị trường xuất khẩu như: Châu Âu, Trung Quốc....Đến thăm đội 14-20, chị Đỗ Thị Minh Thu thành viên tổ sản xuất chè an toàn cho biết gia đình có 4000 m2 chè, khi tham gia mô hình sản xuất chè an toàn thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hái chè, mặc dù do đại dịch Covid 19 giá chè búp tươi ngoài thị trường giảm nhưng công ty vẫn thu mua ổn định cho bà con cao hơn giá thị trường từ 700-1.000 đồng/kg chè búp tươi. Trong năm 2021, trừ chi phí vật tư phân bón thu nhập của gia đình khoảng đạt khoảng 30 triệu đồng/6 lứa hái.

Có thể thấy, để vượt qua đại dịch sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn là hướng đi đúng đắn để tiêu thụ sản phẩm, thực sự giúp người dân thay đổi hình thức canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, là cơ hội để người dân phát triển kinh tế bền vững./.

Bài, ảnh: Hà Thu - Chi cục TT&BVTV

Tin cùng chuyên mục