,

Chuyển đổi số

Đòn bẩy kinh tế số

Kinh tế số đã trở thành nhu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. Điều này không chỉ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Doanh nghiệp tiên phong

Nhằm bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thay đổi công nghệ, đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sức cạnh tranh của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Là đơn vị cung cấp hạ tầng số hóa cho doanh nghiệp, Viễn thông Tuyên Quang đã chuẩn bị đầy đủ các phương án hỗ trợ. Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Trưởng đại diện Tập đoàn VNPT, Giám đốc Viễn thông Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã chuẩn bị tốt về hạ tầng số, thực hiện vận hành số và đưa công tác chỉ đạo điều hành lên môi trường số ở tất cả các mặt công tác.

Cùng với đó, đơn vị thực hiện đưa khách hàng lên môi trường số; phối hợp, đồng hành triển khai được rất nhiều các sản phẩm, giải pháp phục vụ cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Đối với các giải pháp phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp có thể kể đến các giải pháp như: hóa đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, phần mềm dịch vụ kê khai và nộp hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử...

Cơ quan hải quan Tuyên Quang thực hiện công việc hoàn toàn trên môi trường số.

Nhà máy sản xuất gạch Tuynel chất lượng cao Viên Châu - Tuyên Quang của Công ty cổ phần Lâm sản & Khoáng sản Tuyên Quang, đã đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ lò vòng với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại. Nhờ đó, chỉ cần 60 - 70 lao động là đã vận hành tốt hoạt động sản xuất 300 nghìn viên gạch/ngày, giảm hơn 10 lần số lượng lao động so với làm thủ công. Nhà máy đã ứng dụng nền tảng công nghệ số vào công tác quản lý, điều hành giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, nguồn nhân lực, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang có 904 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 2.456 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành. Có 128 sản phẩm của 124 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được giới thiệu trên Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Mô hình chợ 4.0 đã được triển khai tại các chợ An Phú, Tam Cờ, Phan Thiết của thành phố Tuyên Quang; chợ Km 39, chợ xã Thái Hòa, chợ xã Đức Ninh, chợ xã Bình Xa của huyện Hàm Yên...

Tạo nền tảng

Quyết định 505/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 22-4-2022 lấy ngày 10-10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Lấy việc chuyển đổi số ở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nông dân là một cuộc thay đổi có tính cách mạng để thực hiện kinh tế số.  

Đáp ứng nhu cầu bức thiết về chuyển đổi số, tỉnh phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số từ năm 2022 để chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện về phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Theo đó, tỉnh thành lập 1.871 tổ Công nghệ số cộng đồng (cấp xã: 138, cấp thôn: 1.733) với 10.257 thành viên.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện nhận hồ sơ trực tuyến thông qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp bộ; 100% thủ tục về đăng ký doanh nghiệp được nộp qua mạng điện tử. Triển khai thực hiện niêm yết, công khai danh mục TTHC bằng hình thức mã QR Code của 17/20 cơ quan, đơn vị; triển khai thu phí, lệ phí tập trung bằng các hình thức thanh toán trực tiếp, trực tuyến, thanh toán bằng mã QR Pay miễn phí dịch vụ cho tổ chức, công dân có nhu cầu; tuyên truyền, giới thiệu người dân, doanh nghiệp tương tác trên ứng dụng Zalo OA chính quyền số tỉnh Tuyên Quang.

Cán bộ văn phòng Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng sử dụng các phần mềm chuyên dụng xử lý công việc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2021 - 2025”; duy trì Trang thông tin điện tử giới thiệu 128 sản phẩm của 124 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn gồm: 111 sản phẩm về thực phẩm, 6 sản phẩm thảo dược, 7 sản phẩm về đồ uống,  4 sản phẩm về du lịch, bán hàng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Dự án xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh...

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định tại Hội nghị chuyển đổi số: “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải là sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân...”.

Với sự chủ động của tỉnh, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và Nhân dân, việc chuyển đổi số và ứng dụng kinh tế số của tỉnh sẽ sớm đạt được như kỳ vọng, góp phần đưa Tuyên Quang phát triển.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục