,

Trong ngành

Thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Xác định rõ việc phát triển công nghiệp nông thôn cũng chính là góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ vốn để người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Lãnh đạo Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 kiểm tra đề án từ nguồn hỗ trợ Chương trình Khuyến công quốc gia.

Với hơn 300 triệu đồng từ Chương trình hỗ trợ Khuyến công quốc gia, anh Lương Văn Lạc, thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã mở rộng quy mô nhà xưởng, phát triển sản xuất. Anh Lạc chia sẻ, cơ sở của anh chuyên chế tác đồ gỗ mỹ nghệ. Năm 2022, với sự hỗ trợ của Chương trình Khuyến công quốc gia, anh đầu tư máy tiện cơ khí điều khiển bằng máy tính (gọi tắt là CNC). Sử dụng máy CNC ở tất cả các công đoạn nặng nhọc như, cưa, đục đều do máy đảm nhận, vừa nhanh, độ chính xác cũng rất cao, tiết kiệm được nguyên liệu, thời gian nên giá thành sản phẩm hạ đi rất nhiều. Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ làm máy sắc nét, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Anh Lạc khoe, đưa máy móc vào sản xuất cơ sở được lòng khách hàng hơn bởi trả hàng đúng hẹn, đẹp, đặc biệt là giá cạnh tranh.

Cũng từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công quốc gia, Công ty TNHH Tân Phát, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) đã khởi nghiệp thành công. Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc công ty chia sẻ, trước chưa đầu tư máy, công ty chỉ thu mua, bán gỗ cây cho các đầu mối nên lợi nhuận thấp. Nhờ nguồn hỗ trợ của Chương trình Khuyến công quốc gia, công ty đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hoàn thiện dây chuyền băm dăm gỗ. Hiện nay, gỗ nguyên liệu thu mua về sẽ chế biến dăm gỗ, trung bình mỗi tháng công ty sản xuất từ 60-100 tấn dăm, cung ứng nguyên liệu cho 2 công ty lớn gồm Giấy An Hòa và Giấy Bãi Bằng. Theo bà Hồng, đầu tư được máy móc công ty đã tận dụng tối đa được cành, ngọn, công suất chế biến tăng, lợi nhuận cũng cao hơn. Hiện công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng tùy vào vị trí công việc.

Công ty TNHH Tân Phát, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) đưa máy móc vào sản xuất gỗ dăm.

Theo tổng hợp của Trung tâm Khuyến công tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ 10 đề án cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Chương trình Khuyến công không chỉ hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, còn giúp chuyển giao khoa học kỹ thuật làm chủ máy móc, công nghệ, đào tạo tay nghề cho lao động. Đây thực sự là nguồn tiếp sức quan trọng giúp các cơ sở, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tự tin đổi mới, phát triển.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả Chương trình Khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ ngành nghề, sản phẩm có khả năng, triển vọng phát triển. Ông Nguyễn Thế Lanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong việc hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, áp dụng sản xuất sạch hơn và ứng dụng máy móc thiết bị, cụm thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mục tiêu sẽ ưu tiên các cơ sở sản xuất sản phẩm mới mà địa phương có lợi thế. Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, phát triển đời sống văn hóa, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển và gia tăng giá trị sản xuất.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục