,

Trong ngành

Phát triển kinh tế dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số

Phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

TIỀM NĂNG LỚN...

Hiện nay, nhiều khu vực ở nước ta là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó khoảng 200 loài đã được khai thác thương mại. Nhiều loài có giá trị cao, là dược liệu quý được thế giới công nhận như sâm Ngọc Linh, thông đỏ, hoa hoè, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam…

Với lịch sử lâu đời về sử dụng cây dược liệu trong thực tiễn y tế và sự phát triển của khoa học công nghệ, cây dược liệu ở Việt Nam là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hoá mỹ phẩm…

Theo Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền - Bộ Y tế, hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.

Có thể nói, tiềm năng phát triển ngành dược liệu ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên hầu hết các loài cây dược liệu đều sinh trưởng bên trong rừng phòng hộ, dưới tán rừng - vốn là địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do vậy, phát triển ngành dược liệu sẽ mở ra cơ hội rất lớn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

...NHƯNG CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia độc lập giàu kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng ngành dược liệu của nước ta vẫn đang trong giai đoạn non trẻ và còn nhiều khó khăn.

Thứ nhất là thách thức về vùng trồng, việc trồng dược liệu diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác ở cấp hộ gia đình. Nguồn cung cấp hạt giống cây dược liệu rất hạn chế. Hạt giống hay cây con thường được thương lái mua với giá cao nhưng chất lượng và nguồn gốc không rõ ràng.

Một số cơ sở cung cấp đầu vào có uy tín như Viện Dược liệu Trung ương nhưng số lượng cung cấp ở mức khiêm tốn. Các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật hiếm khi có sẵn và do đó, người trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của chính họ trong việc trồng cây dược liệu.

Đối với dược liệu làm thuốc, vùng trồng dược liệu cần phải có chứng nhận GACP-WHO, chỉ được cấp bởi Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền, thuộc Bộ Y tế. Việc trồng dược liệu thực chất là rủi ro. Dược điển Việt Nam đã quy định hàm lượng hoạt chất cần thiết cho từng cây dược liệu đã biết. Các sản phẩm cây dược liệu sẽ được đo lường theo yêu cầu này trước khi được mua bởi các công ty dược phẩm. Cây dược liệu có thể phát triển tốt nhưng hoạt chất không được đảm bảo.

Thứ hai là thách thức về chế biến, trong phân khúc hiện đại, dược liệu được sử dụng bởi các công ty dược phẩm hoặc các nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc cá nhân khác. Tài sản có giá trị nhất của cây dược liệu là các hoạt chất. Công nghệ là chìa khóa để cô lập và chiết xuất các hoạt chất.

Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ hiện đại còn khá khiêm tốn. Do đó, lượng dược liệu đầu ra dùng để chế biến dược phẩm khá hạn chế. Thay vào đó, phần lớn sản lượng được sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đặc biệt là đồ uống và thực phẩm bổ sung.

Trong phân khúc truyền thống, dược liệu được sử dụng bởi các phòng khám cổ truyền và thầy thuốc dân gian. Chế biến dược liệu qua phân khúc này chủ yếu theo kỹ thuật truyền thống, đôi khi mang tính đặc thù của gia đình. Chất lượng xử lý trong phân khúc này là không rõ ràng.

Thứ ba là thách thức về tiếp thị, thông tin thị trường hiếm khi có sẵn. Chưa có một nghiên cứu thị trường chính thức nào cho cây dược liệu. Một số tên tuổi lớn trong ngành dược phẩm đã dành nhiều năm và hàng triệu USD cho việc nghiên cứu sản phẩm và phát triển thị trường. Các công ty này có một số thống kê về bối cảnh thị trường liên quan đến sản phẩm của họ, nhưng không phải là bức tranh toàn cảnh.

Đối với dược liệu, việc cung cấp cho bệnh viện đòi hỏi quy trình mua sắm phức tạp và phải đạt chứng nhận GACP-WHO. Do đó, chỉ có một số công ty dược phẩm có thể cung cấp qua kênh này. Đối với thực phẩm chức năng, một số công ty lớn cung cấp sản phẩm của họ dưới dạng FMCG trong các chuỗi siêu thị và cửa hàng tạp hóa. Hầu hết các nhà chế biến thực phẩm chức năng đều có quy mô nhỏ và do đó dựa vào các nền tảng kỹ thuật số như là kênh phân phối chính.

VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

Những xu hướng tiêu dùng mới mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy thị trường đầy tiềm năng cho lĩnh vực dược liệu. Sau đại dịch toàn cầu, không có gì đáng ngạc nhiên khi người tiêu dùng ngày càng có ý thức về sức khỏe, càng thúc đẩy xu hướng “Trở về với thiên nhiên”. Những điều này mang lại những cơ hội tuyệt vời cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân làm từ nguyên liệu tự nhiên.

Trong bối cảnh sản xuất trong nước mới đáp ứng được 25% nhu cầu nguyên vật liệu của thị trường, dư địa phát triển ở thị trường nội địa còn rất lớn, chưa kể đến thị trường xuất khẩu. Tiềm năng to lớn cho một danh mục sản phẩm đa dạng là hiện hữu.

Ngoài việc được sử dụng trong sản xuất thuốc, cây dược liệu còn được sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân như thực phẩm chức năng và nước giải khát, chăm sóc răng miệng, chăm sóc da, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể, mỹ phẩm trang điểm cũng như công nghiệp thực phẩm. Các dòng sản phẩm này không bị quản lý chặt chẽ như thuốc, không đòi hỏi hàm lượng hoạt chất cao mà vẫn mang lại lợi ích cho sức khỏe và đáp ứng được xu hướng của người tiêu dùng.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trong Chương trình có Nội dung 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đây là dự án đầu tiên về phát triển dược liệu trong nước được Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm phát triển tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025, sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, các huyện triển khai thực hiện dự án phải có xã đặc biệt khó khăn; Là huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 50% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số; Có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao. Đối với các dự án có đề xuất triển khai trồng, phát triển Sâm Việt Nam cần có độ cao từ 1.000 mét trở lên so với mực nước biển.

Dựa trên các tiêu chí này, những nơi thực hiện dự án liên quan đến phát triển dược liệu gồm:

- Vùng 1- Miền núi phía Bắc có 02 Trung tâm giống (Hà Giang, Yên Bái) và 10 vùng trồng dược liệu quý: Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang;

- Vùng 2 - Miền Trung và Duyên hải Nam Trung Bộ có 01 Trung tâm giống (Quảng Nam) và 04 vùng trồng dược liệu quý: Nghệ An, Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận;

- Vùng 3 - Tây Nguyên có 01 Trung tâm giống (Kon Tum) và 03 vùng trồng dược liệu quý: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

- Vùng 4 - Đông Nam Bộ có 01 vùng trồng dược liệu quý (Trà Vinh).

Các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý sẽ thực hiện theo 2 hình thức gồm: 

- Chuỗi liên kết 4 nhà là: Nhà nông (vùng đồng bào dân tộc thiểu số) - Doanh nghiệp - Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà bank (trong đó doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi liên kết).

- Chuỗi giá trị: Bảo tồn nguồn gen - nhân giống - trồng trọt - chế biến, sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Thông tư quy định mức chi hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý gồm: Chi mua sắm trang thiết bị duy trì hoạt động thường xuyên trong hàng rào dự án. Mức hỗ trợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ: Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/người lao động, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng/người lao động.

Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh: Hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức tối đa 50% tổng kinh phí của hoạt động và không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng: Mức hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ/kết quả nghiên cứu.

Hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm. Mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 126 triệu đồng/ha.

Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ 1 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc, và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm.

Liên quan đến phát triển dược liệu, ngày 01/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Mục tiêu chung của Chương trình là xây dựng và phát triển Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phạm vi thực hiện Chương trình là các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Thủ tướng Chính phủ phân công Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép các nội dung có liên quan tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để thực hiện Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam có hiệu quả.

Hy vọng với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, lĩnh vực dược liệu ở Việt Nam sẽ có cơ hội chuyển từ tư duy trồng dược liệu sang tư duy phát triển kinh tế dược liệu, tập trung chế biến sâu để trở thành một ngành công nghiệp mang lại hiệu quả cao, không chỉ phục vụ cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, đồng thời giúp dược liệu Việt Nam có điều kiện tiến mạnh ra thế giới.

Nguồn: dangcongsan.vn/

Tin cùng chuyên mục