,

Trong ngành

'Hạnh phúc mới là đích đến cuối cùng của chúng ta'

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: 'Bây giờ, người ta đang xây dựng ngôi làng hạnh phúc rồi chứ không phải là cái làng nông thôn mới kiểu mẫu nữa'.

Bộ trưởng Lê  Minh Hoan chia sẻ những trăn trở về kiến tạo không gian văn hoá cộng đồng cho khu vực nông thôn tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Minh Phúc.

Dù đã viết 2 bài báo với tựa đề "Cảm xúc vùng cao" và "Câu chuyện Tuyên Quang" kể về vùng đất, con người xứ Tuyên, nhưng lần thứ 3 trở về với “Thủ đô kháng chiến chống Pháp”- nơi có Di tích Quốc gia Bộ Canh nông trong dịp cuối tuần vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn đầy ắp xúc cảm về “vùng đất hội tụ đa sắc màu văn hoá” này.

Ông chia sẻ: “Nhìn ở góc độ nào đó, văn hóa chính là nông nghiệp. Văn hóa chính là nông thôn. Văn hóa chính là giá trị đa sắc màu, đa giá trị”.

Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta làm mai một dần những nét văn hóa. Những ngôi nhà của bà con dân tộc mất dần, thay vào đó là những ngôi nhà mái bằng, ngôi nhà hình ống như đô thị.

Nhưng, nói về nông thôn, người ta thường liên tưởng đến cây đa, bến nước, sân đình… gắn với không gian cộng đồng. Nông thôn là không gian giao lưu của những con người trong ngôi làng, những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Đó là không gian hợp tác, không gian của sự sẻ chia. Bởi vậy, bằng mọi cách chúng ta phải giữ được “hồn cốt” đó của nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, nông thôn không chỉ là câu chuyện về sản xuất nông nghiệp. Bản thân hình ảnh nông thôn là tài nguyên để làm du lịch. Du khách muốn đến để trải nghiệm cuộc sống của nông dân. Đó là một miền di sản lưu lại ký ức của quá khứ để chúng ta tìm về, để chúng ta tự hào.

Bởi vậy, “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn tỉnh Tuyên Quang đưa tất cả sản phẩm OCOP quyện chặt với các điểm du lịch nông thôn. Ví dụ, bà con dân tộc Cao Lan chỉ cần khôi phục những điệu múa bắt mắt, những lễ hội bắt cá, trò chơi dân gian là có thể tạo ra cảm xúc mãnh liệt cho du khách.

Nhiều khi chúng ta quá gần gũi, quá quen thuộc với bản sắc văn hóa cộng đồng, nên không thấy hết được giá trị của tài nguyên du lịch vô giá đó. Chúng ta cần bình tâm, bình tĩnh lại, cùng khám phá những giá trị nội tại, tài nguyên bản địa và khơi dậy năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người thì mới phát huy được nguồn lực của cộng đồng.

“Nhiều khi chúng ta không hiểu được cảm xúc của cộng đồng, không hiểu được năng lực cộng đồng, không hiểu được văn hóa cộng đồng, không hiểu được nhu cầu cũng như khó khăn, thách thức trong suy nghĩ của người dân. Chúng ta đưa ra những mục tiêu rất tốt đẹp và muốn có sự giúp đỡ của bà con, nhưng cuối cùng lại không thành công. Bởi, chúng ta không đi từ cảm xúc, nội lực của người dân. Bao giờ chúng ta kích hoạt được những điều đó thì mới đúng với tinh thần xây dựng nông thôn mới, đó là xây dựng tinh thần tự lực của cộng đồng dân cư để người dân tự thay đổi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Ảnh: Minh Phúc.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng cho rằng, chúng ta cần đào sâu suy nghĩ xem làm thế nào để làng quê sinh động hơn. Xưa nay, làng quê bao giờ cũng buồn về ban đêm. Buồn lắm. Phải làm sao để mỗi miền quê đều giống như Lâm Bình (huyện Na Hang, Tuyên Quang), mỗi tối đều có không gian để du khách cùng bà con múa hát. Khi ánh sáng chiếu rọi vào đâu thì màn đêm giảm dần tới đó, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Không gian ấy sẽ đưa sự năng động, hiện đại của người đô thị, người làm công nghiệp về cho nông thôn. Bởi vốn dĩ, người đô thị thường năng động hơn người nông thôn. Chúng ta sẽ chuyển hóa người dân nông thôn nâng dần tính năng động thông qua sự giao thoa, gặp gỡ. Ngược lại, người đô thị cũng được đánh thức những xúc cảm khi hòa mình vào không gian nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Bây giờ, người ta đang làm những ngôi làng hạnh phúc rồi chứ không phải là cái làng nông thôn mới kiểu mẫu hay làng nông thôn mới nâng cao. Bởi vì hạnh phúc mới là đích đến cuối cùng của chúng ta, chứ không phải là cái thu nhập”.

Bởi vậy, chúng ta cần suy nghĩ tiếp, rốt cuộc chúng ta làm nông thôn mới để làm cái gì? Rốt cuộc chúng ta làm sản phẩm OCOP để làm cái gì? Rốt cuộc chúng ta làm du lịch nông thôn để làm cái gì?

Mỗi chúng ta càng trả lời vào chiều sâu những câu hỏi ấy thì càng mở ra những từ khóa để có thể thay đổi hoặc làm tốt hơn cái chúng ta đang làm tốt. Chúng ta làm đúng cái sai hoặc là chúng ta làm cái chưa có. “Chúng ta hãy thay đổi những điều nhỏ nhất rồi sẽ sẽ tạo ra sự lan tỏa rất lớn. Và một sự thay đổi nhỏ sẽ mang lại kết quả lớn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục