,

Trong ngành

Chính sách đẩy mạnh triển khai trồng rừng gỗ lớn, rừng đa dụng, ứng dụng KHCN trong lâm nghiệp

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức họp về “Cơ chế chính sách đẩy mạnh triển khai trồng rằng gỗ lớn, rừng đa dụng, ứng dụng KHCN trong lâm nghiệp”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng hiện nay của Việt Nam là 14,74 triệu ha, trong đó rừng trồng chiếm 4,57 triệu ha (31%), rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha (69%). Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỷ lệ che phủ rừng chiếm từ 42-43%, giá trị sản xuất tăng từ 5 - 5,5%, mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD, năm 2030 đạt 23-25 tỷ USD.

Hiện nay, có hơn 6.000 doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, các doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung tại Đông Nam Bộ tại 3 Thành phố là Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Trước đây, nguyên liệu sản xuất Việt Nam phải nhập hoàn toàn từ các nước, nhưng đến nay số liệu nhập khẩu đã dần giảm, Việt Nam đã dần tự chủ động được nguồn nguyên liệu. Đây được coi là một thành công trong việc cải thiện giống, đặc biệt là các giống keo, bạch đàn, cao su, các loại thân gỗ đem lại giá trị xuất khẩu cao.

Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam là dăm gỗ và viên nén. Đây là 2 mặt hàng có con số tăng trưởng rất lớn, cần chú trọng để tìm hiểu và phát triển hơn nữa sang các thị trường tiềm năng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại cuộc họp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, rừng không chỉ đem lại giá trị về kinh tế mà rừng còn đem lại giá trị về xã hội, đặc biệt đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho người dân sinh sống tại khu vực có rừng, thông qua đó để tổ chức lại cộng đồng. Chúng ta phải nhìn nhận và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng vì đó là tài sản lớn của đất nước, giá trị tài nguyên rừng là bao la, là nguồn thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…Tiềm năng từ rừng là rất lớn, do vậy chúng ta phải bảo vệ và định hướng phát triển nguồn tài nguyên rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Cần tạo ra công ăn việc làm cho người lao động ở vùng núi, vùng có tài nguyên rừng thay vì sử dụng nguồn an sinh xã hội cho người dân, tạo ra công việc để giá trị an sinh không bị lợi dụng và bị trông chờ. Vùng núi tây bắc là khu vực dồi dào về tài nguyên rừng gỗ lớn. Nếu như chúng ta hướng dẫn chính người dân sinh sống nơi đây làm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để phát triển trồng rừng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng thì sẽ tạo ra sức sống lành mạnh cho người dân, và tạo ra sức sống cho cả xã hội".

Ông Lê Quốc Thanh – giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Tại cuộc họp, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho biết: Trong những năm vừa qua, TTKNQG đã có nhiều chương trình, dự án kết hợp với Tổng cục Lâm nghiệp về các giải pháp chuyển giao các tiến bộ khoa học của ngành. Trong đó có 2 vấn đề chính là triển khai trồng rừng gỗ lớn thì hầu hết các địa phương sản xuất rừng gỗ lớn hoặc trồng rừng đều có mô hình khuyến nông, trồng cây dược liệu dưới tán rừng cũng là một trong những mô hình mà TTKNQG thực hiện rất nhiều tại các địa phương. Trên góc độ phát triển của ngành nông nghiệp dư địa phát triển cây dược liệu của ngành nông nghiệp còn rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển một cách đột phá, chúng ta cần áp dụng được các mô hình khoa học kỹ thuật thay vì hàng năm chỉ phát triển mỗi mô hình trồng keo, bạch đàn...Cần phải tích hợp được các loại cây trồng hoặc chăn nuôi thay vì trồng một loại cây mà không thể kết hợp được trồng hoặc chăn nuôi cùng một lúc với loại cây đó.

Ông Nguyễn Hữu Thiện - Cục trưởng cục Kiểm lâm

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, các cơ chế chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp trồng rừng gỗ lớn, tích hợp các giá trị của rừng là rất cần thiết. Cho đến nay, có một số các cơ chế chính sách từ những năm trước chưa được tháo gỡ mặc dù đã nhiều lần được họp bàn và tìm phương hướng. Đây chính là điểm còn ách tắc cần phải nhanh chóng tháo gỡ để ngành thuận lợi hơn và phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần thắt chặt liên kết các đơn vị trong ngành để công việc và thủ tục thông suốt hơn. Việc quy hoạch là vô cùng cần thiết, quy hoạch vùng, quy hoạch nguồn nguyên liệu, quy hoạch đúng đối tượng để tạo ra sự liên kết với nhau.

Đại diện Cục Kiểm lâm ông Nguyễn Hữu Thiện - Cục trưởng cho biết; Hiện nay chúng ta có gần 7 triệu ha là rừng nhà nước. Số người làm trong ngành lực lượng kiểm lâm chuyên trách hiện nay là 12 nghìn người trong đó có 10 nghìn người là lực lượng chuyên trách của nhà nước, bên cạnh đó cũng có khoảng 11 nghìn người là lực lượng kiểm lâm tự phát. Do vậy về lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Công tác bảo vệ rừng rất phức tạm nhất là ở vùng biên giới, vùng rừng phòng hộ quốc gia, thực tế đã có rất nhiều những vụ việc chống đối gây hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi đề nghị các cấp ban, ngành có những chính sách hợp lý, động viên tích cực đến các cán bộ, người lao động làm công tác ở những vùng rừng trọng điểm, để chúng tôi cống hiến và bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.  

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Chúng ta hãy lấy người dân bảo vệ rừng là trung tâm của vùng trồng rừng. Chính người dân ở vùng miền đó họ sẽ là những người có cảm xúc, có tâm hồn tình yêu với rừng. Hãy đặt niềm tin vào bà con sinh sống nơi đây để họ thấy được giá trị và trách nhiệm của chính bản thân của họ với rừng với vùng đất họ đã sinh ra và gắn bó. Chúng ta ở cấp quản lý có trách nhiệm phổ biến, đạo tạo và chuyển giao công nghệ các giống cây trồng đem lại lợi ích người dân và cho xã hội, đưa giá trị xuất khẩu của ngành gỗ hàng năm tăng trưởng tốt hơn.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục