,

Thời sự

Chị Triệu Thị Mầu - Gương sáng phụ nữ làm kinh tế giỏi

Trong những năm qua, phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu ở huyện Yên Sơn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Một trong số đó là chị Triệu Thị Mầu, sinh năm 1978, dân tộc Dao, thôn Khuân Quại, xã Kim Quan phát triển kinh kế gia đình bằng mô hình kinh tế tổng hợp (chăn nuôi bò, lợn, trồng rừng và nấu rượu …).

Gặp chúng tôi chị tâm sự, những năm trước đây, gia đình chị chỉ trồng 2 vụ lúa, chăn nuôi gà, lợn và trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả không cao, chỉ đủ phục vụ trong gia đình.  Không cam chịu đói nghèo, năm 2015 nhận thấy nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo lấy thịt ở huyện Yên Sơn ngày càng có giá trị kinh tế cao, chị đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng, mua 4 con bò giống lai Sind tại trại giống Ba Vì (Hà Nội) về nuôi.

Chị Mầu chăm sóc đàn bò của gia đình.

Do ban đầu chưa có kinh nghiệm nuôi bò, nên khi bò sinh con bị mắc bệnh chết. Sau đó chị đã tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi bò lai Sind, chị tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình phát triển kinh tế do khuyến nông tổ chức.Từ khi có kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò sinh sản tăng dần từng năm, đồng thời chị tiếp tục đầu tư chuồng trại với diện tích trên 150 m2 để phục vụ chăn nuôi bò một cách quy mô, khoa học. Nước thải, phân bò được thu gom, xử lý trong ngày, nên môi trường luôn luôn được sạch sẽ.

Hiện nay, gia đình chị có 10 con bò cái sinh sản, bình quân mỗi năm gia đình chị xuất bán 5 con bò thịt với giá từ 20 - 25 triệu đồng/con. Chị Mầu cho biết, muốn chăn nuôi bò có hiệu quả thì phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, thực hiện tiêm phòng cho bò đúng, đủ theo khuyến cáo và luôn giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng về mùa hè, giữ ấm về mùa đông.

Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh và giàu dinh dưỡng cho đàn bò, chị Mầu trồng 1 ha cỏ Voi, cỏ VA06 và tích luỹ rơm sau mỗi vụ thu hoạch, đồng thời mỗi ngày chị nấu 100 lít rượu cung cấp ra thị trường, lấy bã chăn nuôi lợn, bò. Rượu của chị nấu nổi tiếng là thơm ngon vì khi nấu xong chị không bán ngay mà để rượu vào hầm chứa rượu qua 3 tháng mới đem ra bán.

Ngoài chăn nuôi bò chị còn chăn nuôi lợn, trồng rừng, hiện nay trong chuồng nhà chị đang có 2 lợn nái, 25 lợn thịt với trọng lượng trung bình 70kg/con và xung quanh nhà chị có 6 ha rừng trồng keo, mỡ. Bên cạnh đó, chị còn đầu tư máy xay xát phục vụ gia đình và bà con trong thôn. Nhờ cần cù chịu khó, từ chăn nuôi bò, nuôi lợn, trồng rừng, nấu rượu trừ chi phí mỗi năm gia đình chị Mầu thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Với quyết tâm vượt khó, dám nghĩ dám làm, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và với những đóng góp tích cực, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, nhiều năm liền gia đình chị Mầu đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Bản thân chị hàng năm đều được lựa chọn là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Đánh giá về mô hình này, Ông Dương Đức Tuyên, Phó chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, chị Mầu là tấm gương tiêu biểu, không những năng động làm giàu mà còn tích cực tham gia các hoạt động phòng trào của thôn, xã, như hỗ trợ giống cho hộ nghèo, tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi bò, lợn, trồng rừng và nấu rượu của gia đình chị Mầu thực sự là hướng đi hiệu quả cho nhiều nông dân trên địa bàn đến học tập và làm theo./.

Nguyễn Thu Trang - Trung tâm Khuyến nông

Tin cùng chuyên mục