,

Chuyển đổi số

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch số: 154/KH-UBND ngày 12/8/2022 về phát động Phong trào thi đua “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” như sau:

Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả nhằm phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mà Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 12/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra. Qua đó góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của nhân dân.

(Ảnh minh họa)

Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong Phong trào chuyển đổi số nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng, huy động được cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, nhân dân tham gia một cách chủ động, tích cực vào chuyển đổi số.

Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh; nội dung thi đua cụ thể, phù hợp, hình thức thi đua phải phong phú, thiết thực và đạt hiệu quả. Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị) coi việc thực hiện phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, phải được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, không tách rời với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Việc biểu dương, khen thưởng bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng; thành tích khen thưởng phải thực sự xuất sắc, tiêu biểu; tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục khen thưởng phải đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Các tiêu chí và chỉ tiêu thi đua đến năm 2025

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp, sử dụng trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung và 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh, thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). 100% các hệ thống dùng chung và chuyên ngành đều được xác thực tập trung (SSO). 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định); 100% chế độ báo cáo được tạo lập, cập nhật, lưu trữ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung theo quy định. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

Đối với cấp huyện: 100% huyện, thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 80% hồ sơ công việc cấp huyện được xử lý và ứng dụng chữ ký số trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). 100% cơ sở dữ liệu dùng chung và 80% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ trên toàn huyện, thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). 100% các hệ thống dùng chung và chuyên ngành đều được xác thực tập trung (SSO). 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định); 100% chế độ báo cáo được tạo lập, cập nhật, lưu trữ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung theo quy định; tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 100% người dân có danh tính số kèm theo mã QR code, có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; 100% học sinh có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 100% tuyến đường chính tại trung tâm các huyện, thành phố được lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh; 100% hộ gia đình có địa chỉ số và có ít nhất 01 điện thoại thông minh; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số. Đối với cấp xã: 100% công chức cấp xã được gắn định danh số trong xử lý công việc; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 100% người dân có danh tính số kèm theo mã QR code, có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; 100% hộ gia đình có địa chỉ số và có ít nhất 01 điện thoại thông minh. - 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 100% cán bộ, công chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã: Thực hiện ứng dụng công nghệ số để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, ứng dụng thiết bị công nghệ số phục vụ nhu cầu của xã hội, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng.  

Đối với cá nhân: Cán bộ, công chức, viên chức có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc trong phát động, chỉ đạo triển khai chuyển đổi số của ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình (cơ quan, tổ chức, đơn vị hoàn thành đầy đủ bảo đảm, vượt tiến độ các nội dung nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh).

Các doanh nhân, trí thức, nhà khoa học ở trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất, sáng kiến vào chuyển đổi số của tỉnh. Người dân tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong lao động, sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao; có nhiều hoạt động hưởng ứng, tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và cộng đồng tham gia tích cực, hiệu quả trong chuyển đổi số tại địa phương.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị báo cáo, đề xuất phương án giải quyết về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết theo quy định./.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục