,

Thời sự

Dấu ấn Kinh tế quý I - Bài 2: Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách

Hết quý I năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 700 tỷ đồng. Trong đó số thu nội địa đạt 655 tỷ đồng, bằng 19% dự toán của Chính phủ giao. Tuy số thu ngân sách đạt thấp so với kế hoạch được giao, nhưng so với cùng kỳ năm trước tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 31%. So sánh chỉ tiêu thu nội địa tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, tỉnh tích cực chỉ đạo ngành Thuế và các sở, ngành phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tiến độ thu ngân sách theo từng tháng, quý đã đề ra trong năm 2024.

Một số chỉ tiêu đạt khá

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, các chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước thực hiện trong quý I đạt và vượt dự toán giao như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 20 tỷ đồng, đạt 28,4% dự toán UBND tỉnh giao; thuế thu nhập cá nhân đạt gần 57 tỷ đồng, bằng 37,8% dự toán giao của UBND tỉnh; các loại phí, lệ phí đạt xấp xỉ 30 tỷ đồng, bằng 37,8% so với dự toán UBND tỉnh. Nhiều khoản thu so với cùng kỳ năm trước tăng như: Thuế bảo vệ môi trường; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương...

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực thành phố Tuyên Quang - Yên Sơn hỗ trợ người nộp thuế giải quyết các thủ tục hành chính thuế.

Sở dĩ công tác thu ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 đạt được kết quả khá là do nền kinh tế của tỉnh thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, mặt bằng lãi suất ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng... Bên cạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; các cấp, ngành tiếp tục thực hiện giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Tỉnh ta cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các biện pháp để tổ chức thu, động viên kịp thời các khoản thu vào NSNN. Ngành Thuế đã tiến hành triển khai sâu rộng các chính sách, pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện; tích cực phối hợp với UBND các huyện và các sở, ngành liên quan trong việc tăng cường quản lý thu ngân sách, nhất là với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp trọng điểm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, ngành Thuế tỉnh cũng đã triển khai tốt việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa...

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thu

Để hoạt động thu ngân sách đạt kết quả như kỳ vọng, tỉnh chỉ đạo ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế nói riêng và các sở, ngành tích cực tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách nhà nước, tiến độ xây dựng nông thôn mới và tiến độ lập dự án các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút đầu tư...

Đồng chí Hoàng Thanh Phong, Cục phó Cục Thuế tỉnh cho biết: Trong Quý II ngành Thuế tỉnh đề ra mục tiêu thu ngân sách đạt 900 tỷ đồng. Để hoàn thành được mục tiêu này ngành Thuế tỉnh đã họp bàn, thống nhất các giải pháp chỉ đạo mang tính chất đột phá, phù hợp với từng tháng, từng địa phương, từng khoản thu, sắc thuế, đặc biệt đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển nguồn thu và Tăng cường quản lý NSNN giai đoạn 2021 - 2025. Ngành đã triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất đưa các gói hỗ trợ này đi vào cuộc sống, tạo sức bật cho các doanh nghiệp. Cùng với đó là thu đúng, thu đủ các khoản thu vào ngân sách nhà nước, chú trọng giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu kết hợp với mở rộng cơ sở thu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; kiểm soát chặt chẽ, đôn đốc kịp thời các khoản nợ đọng. 

Ngành thuế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách đối với một số lĩnh vực như: Quản lý xây dựng cơ bản vãng lai, kinh doanh xăng dầu, sản xuất kinh doanh lâm sản, hoạt động thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn… Tổng số tiền thu được từ công tác chống thất thu ngân sách Nhà nước là 3,2 tỷ đồng.

Thực hiện giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng đề án và phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, tiến hành dán tem niêm phong đồng hồ công tơ tổng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc đơn vị khi bán xăng dầu cho khách hàng phải thực hiện lập hóa đơn khi kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán cho khách hàng là cá nhân. Đồng thời người bán phải lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế các huyện, thành phố cũng tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm tình hình, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu, phân tích rủi ro, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao để thực hiện kiểm tra, thanh tra tại nơi khai thác, tiêu thụ khoáng sản, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, ngành Thuế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, qua đó giúp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục