Thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) có 110 hộ dân, chủ yếu là người Dao quần trắng. Ông Lý Văn Dau, một trong những chủ hộ trong thôn có 2,2 ha được cấp chứng chỉ rừng cho biết, khi được cấp chứng chỉ FSC gia đình có thể thu từ 90 - 100 triệu đồng/ha, thay vì chỉ 70 - 80 triệu đồng/ha như trước đây. Việc trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC giúp những người trồng rừng như ông Dau tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, cách thức canh tác mới, xóa bỏ hẳn tình trạng trồng tự phát như trước đây. Vì toàn bộ các khâu từ giống, sử dụng phân bón đến bao tiêu sản phẩm đều có hợp đồng rõ ràng. Trước những lợi ích này, 14 hộ gia đình khác ở thôn Nghẹt quyết định đăng ký thực hiện chăm sóc 48,5 ha rừng theo kỹ thuật nghiêm ngặt theo chuẩn FSC. Ông Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, toàn xã đã có 60 hộ, với 181,37 ha rừng tại các thôn Đèo Bụt, Mỹ Lộc, Nghẹt, Tình Quang được cấp chứng chỉ rừng FSC. Hiện đã có thêm 51 hộ trồng rừng đăng ký 231,63 ha để tiếp tục đánh giá trong năm nay.
![]() Ông Lý Văn Dau, thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) chăm sóc rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. |
Xã Tiến Bộ hiện có 13 hộ gia đình được cấp chứng chỉ rừng với diện tích 236,48 ha. Ông Trần Quyết Cường, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ cho biết, trước khi thực hiện, xã phối hợp với Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích khi được cấp chứng chỉ rừng. Bên cạnh việc tăng giá trị kinh tế thì cấp chứng chỉ rừng đã thay đổi căn bản thói quen trong trồng, chăm sóc rừng của người dân: Loại bỏ hoàn toàn việc đốt thực bì khi chuẩn bị đất trồng rừng, không vứt bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi... ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống.
Theo anh Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc thu hút chính người dân tham gia thực hiện cấp chứng chỉ rừng là một bước tiến lớn trong phát triển rừng theo định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh, khi 85% diện tích rừng sản xuất nằm trong tay người dân. Hiện ngành Lâm nghiệp tỉnh cũng đã lựa chọn một số xã của huyện Yên Sơn như Phú Thịnh, Công Đa, Tân Tiến, Thái Bình, Tiến Bộ, Nhữ Hán... để tiếp tục áp dụng, mở rộng diện tích cấp chứng chỉ ra hộ gia đình, cá nhân. Toàn bộ sản phẩm rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC được Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thu mua toàn bộ. Theo đại diện công ty, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất sang các quốc gia châu Âu, do đó các hoạt động từ khâu thu mua nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm ngoài những yêu cầu của pháp luật Việt Nam thì công ty phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của luật pháp quốc tế. Trong đó phải đảm bảo các yêu cầu: Nguyên liệu hợp pháp, có hợp đồng chuỗi từ người trồng rừng, khai thác, vận chuyển đến chế biến.
Việc trồng rừng theo chuẩn thế giới thực sự là một bước tiến dài trong sản xuất lâm nghiệp, xóa bỏ tình trạng trồng rừng theo kiểu tự phát, không áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa doanh nghiệp và người nông dân tiến gần đến cánh cửa bước ra thế giới với những sản phẩm gỗ chất lượng. Từ nay đến năm 2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đánh giá, cấp chứng chỉ rừng cho trên 30.000 ha rừng trồng tại địa phương, trong đó ưu tiên các hộ, nhóm hộ gia đình.
Bài, ảnh: Trần Liên