,

Trong ngành

Dấu ấn Kinh tế quý I - Bài cuối: Thế mạnh được khẳng định

3 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả ấn tượng. Nhiều chuỗi sản phẩm phát triển khá, gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế tỉnh.

Tăng trưởng ấn tượng

Xưởng chế biến gỗ ép xuất khẩu của Công ty TNHH trà Phú Tân, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang) đang hoạt động hết công suất để đảm bảo giao hàng đúng thời hạn. Anh Nguyễn Hữu Chí, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết, từ đầu năm đến nay sản phẩm sản xuất ra đến đâu, đóng công xuất khẩu hết đến đó, hoàn toàn không có hàng tồn. Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu từ 600-800m3 gỗ ván ép. So với mọi năm giá gỗ dán thành phẩm tăng 100-200 nghìn đồng/m3 tùy theo từng chủng loại. Hiện gỗ ván loại A là 3 triệu đồng/m3, loại B là 2-2,2 triệu đồng/m3. Riêng đối với gỗ dán loại A xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc là 4 - 5,5 triệu đồng/m3. Giá sản phẩm gỗ như hiện nay, các doanh nghiệp chế biến gỗ có lãi - Anh Chí khẳng định.

Sản phẩm gỗ dán của Công ty TNHH Phú Tân (TP Tuyên Quang) xuất khẩu sang Thái Lan.

Thị trường sản phẩm đồ gỗ khởi sắc tác động tích cực đến toàn bộ chuỗi sản xuất. Anh Trần Xuân Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn khẳng định, từ giữa năm 2023 trở lại đây, đặc biệt là 3 tháng đầu năm, thị trường gỗ nguyên liệu khởi sắc. Giá bán gỗ tại rừng từ 1 - 1,1 triệu đồng m3 tăng 50 - 100 nghìn đồng tùy vào từng loại rừng.

Theo đánh giá của ngành Công thương, 3 tháng đầu năm, bức tranh sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng đã sáng lên rất nhiều. Giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ (đũa gỗ, phong bì, gỗ tinh chế, gỗ ván sàn, gỗ ván ép, ghế gỗ) 3 tháng đầu năm đạt 5,2 triệu USD, tăng gần 10%  so với cùng kỳ 2023. Dự báo thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, trong đó có sản phẩm gỗ Tuyên Quang sẽ tiếp tục mở rộng đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây sẽ là cơ hội để kinh tế lâm nghiệp - thế mạnh của tỉnh bứt tốc.

Cùng với chuỗi gỗ rừng trồng, các chuỗi liên kết sản xuất chè, ớt, dưa chuột, chăn nuôi... cũng tiếp tục được mùa, được giá. Hiện giá lợn hơi đã tăng khoảng 8-10 nghìn đồng, đạt mức 58-60 nghìn đồng/kg hơi; giá chè búp tươi dao động từ 5,1 - 5,4 nghìn đồng/kg, tăng gần 10% so với năm 2023. Riêng với chè đặc sản giá tăng khoảng 15 - 20%

Ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) phấn khởi cho biết, từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận mưa, chè xuân phát triển mạnh, nhiều búp, 6 ha chè của tổ hợp tác đã cho thu hoạch đến lứa thứ 3, điều mừng nhất là giá chè tăng cao người làm chè đang “hái ra tiền”.

Trong bối cảnh thời tiết có nhiều bất lợi song người nông dân đã khắc phục khó khăn, đầu tư sản xuất, nhiều loại cây trồng đạt và vượt kế hoạch giao. Toàn tỉnh gieo cấy 18.439 ha lúa xuân đạt 102% kế hoạch, trong đó lúa lai trên 8.770 ha; lúa thuần đạt trên 9.650 ha; cây ngô lấy hạt đã trồng 8.261,6 ha đạt 102,7% kế hoạch. Qua kiểm tra, đánh giá của ngành chức năng, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, chưa ghi nhận sâu, bệnh gây hại. Các địa phương cũng thu hoạch hết diện tích mía nguyên liệu tái đầu tư trồng lại. Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương khoe, giá nguyên liệu được điều chỉnh tăng lên 1,35 triệu đồng/tấn đã kéo người dân ở nhiều địa phương trở lại vùng nguyên liệu. Đến hết tháng 3 đã có 600 ha mía được trồng mới và có thể đạt đến 800 ha vào cuối tháng 4.

Đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp năm nay có lợi là giá đầu vào ổn định, giá sản phẩm tăng, các chuỗi liên kết phát triển ổn định cùng với đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh và sự bắt tay của doanh nghiệp tham gia vào bao tiêu sản phẩm. Đây là yếu tố tiên quyết khuyến khích các chủ trang trại, gia trại, hộ gia đình đầu tư sản xuất.

Người dân xã Hòa An (Chiêm Hóa) tham gia chuỗi trồng ớt xuất khẩu.

Phát triển theo trục chủ lực

Phát triển theo trục chủ lực

Trước mắt sản xuất nông nghiệp đang có rất nhiều thuận lợi tuy nhiên nông nghiệp cũng là ngành chịu tác động trực tiếp từ biến đổi thời tiết; dịch bệnh, thị trường...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định, nắm rõ những bất lợi, nỗ lực vượt lên khó khăn, giữ vững mục tiêu tăng trưởng ở mức trên 4% năm, ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ và tháo gỡ những khó khăn nội tại. Tuyên Quang là tỉnh nông nghiệp đặc thù, đó là đa dạng sản phẩm trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế địa phương nhưng vẫn có trục chủ lực gồm: rừng trồng, chăn nuôi, cây ăn quả, đặc sản địa phương. Vì vậy, tỉnh luôn tập trung phát triển theo hướng này, duy trì đi theo trục, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao; duy trì phát triển các chuỗi hàng hóa có tính liên kết sâu, bền vững như: Chuỗi rừng trồng, chuỗi chăn nuôi; chuỗi sản xuất chế biến chè, chuỗi trồng dưa chuột và chuỗi trồng ớt xuất khẩu

Theo đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chuỗi trồng rừng đã thu hút khoảng 80% cư dân nông thôn tham gia và rất nhiều địa phương người dân đã giàu lên về kinh tế rừng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, kinh tế rừng đang được kích hoạt đa giá trị ngoài giá trị về sản lượng gỗ, du lịch sinh thái rừng đã bước đầu hình thành và thời gian ngắn nữa khi thị trường tín chỉ cac-bon được hình thành sẽ thêm một nguồn thu nữa cho người làm rừng.

Duy trì phát triển các chuỗi liên kết, tỉnh cũng tập trung phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt nhiệm vụ về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và hợp tác xã.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh kế hoạch có tính dài hơi, trước mắt ngành nông nghiệp yêu cầu người dân tập trung chăm sóc, bảo vệ hiệu quả diện tích lúa xuân và một số cây trồng khác. Bởi hiện nay các loại cây trồng đang phát triển tốt, riêng diện tích lúa xuân đang đứng cái chuẩn bị làm đòng, chưa ghi nhận sâu, bệnh xâm nhiễm, gây hại. Do đó người nông dân cần tiếp tục thăm đồng, chủ động phòng trừ, đảm bảo vụ mùa bội thu; tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung trồng rừng, đảm bảo rừng khai thác đến đâu trồng lại ngay đến đó. Mặt khác, thực hiện tốt tháng tiêu độc khử trùng, tiêm vắc - xin phòng bệnh vụ xuân hè hiệu quả để tạo  “lá chắn” an toàn bảo vệ đàn vật nuôi... đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn và các vùng lân cận và nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục