,

Lâm nghiệp

Nghiến cổ thụ - báu vật rừng Na Hang

Lực lượng kiểm lâm các huyện Na Hang, Lâm Bình thường xuyên tuần tra, bảo vệ những cây nghiến cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, nằm trên những cánh rừng hoang sơ, hùng vỹ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có diện tích bảo vệ hơn 40.000ha, nằm ở 14 xã, thị trấn thuộc hai huyện Na Hang và Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang. Khu bảo tồn là những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang động độc đáo, kỳ thú. 

Nơi đây có những cây nghiến cổ thụ có tuổi đời hằng nghìn năm tuổi, được coi như những báu vật của khu bảo tồn và luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Để bảo vệ những cánh rừng nghiến cổ, lực lượng kiểm lâm các huyện Na Hang, Lâm Bình thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng trên núi, trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Trung bình mỗi cán bộ kiểm lâm nơi đây có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hàng nghìn ha rừng đặc dụng, phòng hộ.

Cây nghiến sống trên núi đá nên lớn rất chậm, được xếp vào gỗ quý nhóm 2A, gỗ nghiến có độ cứng cao, chịu nước tốt. Riêng tại huyện Na Hang, lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Na Hang lên tới hơn 100 cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng rải đều ở 8 trạm kiểm lâm, 25 chốt bảo vệ rừng để tuần tra, kiểm soát chặt chẽ.

Cây nghiến cổ thụ có tuổi đời cả nghìn năm tuổi trong khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, gốc to cả chục người ôm không hết, rễ cây luồn lách khắp cả một vùng rừng rộng lớn.

Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng nằm trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ những cánh rừng. Nơi đây không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại và không có xóm làng, chỉ có lực lượng kiểm lâm với những cánh rừng và hồ nước mênh mông.

Do không gần chợ, không gần nhà dân nên anh em kiểm lâm và nhân viên tuần rừng của Hạt kiểm lâm Na Hang chủ động nuôi cá, trồng rau để cải thiện bữa ăn hằng ngày. 

Một trong hai cây nghiến nghìn tuổi trong khu rừng đặc dụng tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vừa được công nhận là cây Di sản Việt Nam vào tháng 3/2024.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục