,

Trồng trọt-BVTV

Tuyên Quang ra mắt nhiều giống cây trồng mới

Những giống lạc, mía, keo, cam… năng suất, chất lượng cao được Tuyên Quang chú trọng dành nguồn lực nghiên cứu, kịp thời phục vụ sản xuất.

Nhiều giống chè được nghiên cứu, nhân rộng thành công tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên (Tuyên Quang) đã triển khai thực thực hiện đề tài nghiên cứu, chọn lọc một số giống cam mới thu hoạch rải vụ có năng suất và chất lượng cao tại 4 xã là Tân Thành, Bằng Cốc, Nhân Mục, Yên Phú. Để các đề tài triển khai hiệu quả, Trung tâm đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa nghiên cứu ảnh hưởng của kali đến năng suất, chất lượng cam sành. Đồng thời, phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng 2 mô hình sản xuất cam VietGAP với diện tích 10ha tại các xã Yên Phú, Tân Thành.

Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cho biết, hiện nay vùng cam của Hàm Yên hơn 7.000 ha. Những năm qua, người trồng cam đối mặt với khó khăn trong tiêu thụ cam, nhất là sức ép tiêu thụ dồn dập vào trà chính vụ. Bởi vậy, việc nghiên cứu, đưa ra các giống cam rải vụ là giải pháp quan trọng giảm áp lực vào vụ thu hoạch rộ, nâng cao giá trị cho quả cam Hàm Yên. Trong đó, Trung tâm đã xây dựng mô hình trồng thâm canh 5 giống cam mới, gồm BH, CS1, nhóm chín sớm; CT36, CT9, nhóm chín trung bình; V2, nhóm chín muộn…

Cây gáo trắng đang mở ra một hướng đi mới cho ngành kinh tế lâm nghiệp ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Cùng với việc nghiên cứu các giống cam trên địa bàn huyện Hàm Yên, những năm qua, Tuyên Quang đã có những kết quả nghiên cứu đáng ghi nhận về các giống cây trồng mới. Nổi bật như Dự án trồng thử nghiệm giống chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, sau 3 năm trồng cho năng suất trung bình đạt 3,3 tấn chè búp tươi/ha, đến nay diện tích lên đến 45ha; phục tráng thành công giống lạc đặc sản Chiêm Hóa L14 với diện tích vùng nguyên liệu đạt khoảng 2.000ha; nghiên cứu nhân giống bằng hạt và thử nghiệm trồng rừng theo hướng tập trung cây gáo trắng bản địa…

Mới đây, Trung tâm Thực nghiệm thực hành và Chuyển giao khoa học công nghệ (Trường Đại học Tân Trào) đã sản xuất thành công 20 vạn cây mía giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Các giống mía được nhân giống phục vụ sản xuất gồm ROC22, KK33, My5514. Đây là các giống mía chín sớm, chín chính vụ và chín muộn. Ưu điểm vượt trội trong sản xuất mía giống bằng phương pháp nuôi cấy mô là tạo ra cây giống sạch bệnh, quy mô lớn, giữ nguyên được các đặc tính di truyền; nâng cao năng suất, chất lượng, trữ lượng đường cho mía nguyên liệu.

Việc sản xuất mía giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nằm trong chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Tân Trào với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương trong việc nâng cao chất lượng nguồn mía giống góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành mía đường của tỉnh, đồng thời phục tráng các giống mía có năng suất, chất lượng đang có nguy cơ bị thoái hóa.

Bưởi Soi Hà, một trong 3 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang cho biết, các dự án khoa học công nghệ không chỉ tạo ra cơ hội thử nghiệm giống cây, con mới, kỹ thuật mới mà còn mở ra một hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế. Song song với việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao chất lượng giống cây trồng, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 89 đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp nộp về Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và đã có 44 hàng hóa, dịch vụ được cấp Văn bằng bảo hộ.

Sở đã phối hợp, hướng dẫn, quản lý việc xây dựng, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Cam sành Hàm Yên của huyện Hàm Yên; Chè Shan tuyết Na Hang của huyện Na Hang và sản phẩm Bưởi Soi Hà của huyện Yên Sơn (3 sản phẩm này đã được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý).

Sở Khoa học Công nghệ Tuyên Quang cũng phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và UBND huyện Chiêm Hóa triển khai thực hiện dự án Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Chiêm Hóa” cho sản phẩm thịt Trâu của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Phối hợp với các huyện rà soát, lựa chọn các sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực, đặc sản, có lợi thế để có kế hoạch phát triển và thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong giai đoạn 2021 - 2025.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục