,

Trồng trọt-BVTV

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. Đổi mới khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa,… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Trên địa bàn tỉnh đã có khá nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình sản xuất rau thủy canh, dưa lưới trong nhà lưới tự động tưới, điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng của công ty TNHH MTV Sơn Dương GREENFARM; mô hình trồng dưa trong nhà màng tại huyện Sơn  Dương, Chiêm Hóa; mô hình chăn nuôi lợn khép kín tại huyện Sơn Dương; mô hình nuôi cá lồng thâm canh trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; mô hình tưới nước tự động cho chè và dây chuyền chế biến chè CTC của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm; sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình VietGAP, chăn nuôi bò sữa áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP… Các mô hình nêu trên đã sản xuất ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và cho thu nhập cao hơn hẳn so với sản xuất theo cách truyền thống.

Trong lĩnh vực trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao cũng được thực hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng, các nhà lưới tự động tưới điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng, hay các mô hình áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn… không còn quá xa lạ với người nông dân như trước đây, đã có một số nông dân mạnh dạn đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình sản xuất hiện đại và công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Từ năm 2017, với sản phẩm chủ lực là rau thủy canh, sau hơn 1 năm thử nghiệm với diện tích 1000 m2 đến nay anh Nguyễn Việt Lâm Giám đốc Công ty TNHH Sơn Dương GREENFARM đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nhà lưới rộng 5000 m2 trồng rau trước đó, sang trồng dưa lưới với các giống dưa nhập khẩu chất lượng cao. Được đầu tư hệ thống tưới tự động, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel, nước cùng với phân được hòa lẫn, sẽ tưới thành từng giọt tới mỗi gốc cây. Nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, dưa lưới phát triển đồng đều quả to, mẫu mã đẹp và chất lượng hơn và hạn chế tối đa sự bất lợi của thời tiết và ảnh hưởng của sâu bệnh từ bên ngoài. Với giá bán trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, một năm anh Lâm thu hoạch 3 vụ dưa lưới với sản lượng đạt 14 - 15 tấn, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng.

Hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây chè tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn)            

Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giúp nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững. Đến hết năm 2021, tổng diện tích các cây trồng (Chè, cam, bưởi, lúa, rau, lạc, táo, ổi...) được sản xuất theo tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh là 1.732,4 ha, trong đó: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 986,3 ha, theo tiêu chuẩn hữu cơ là 114,4 ha; theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance 622,7 ha. Toàn tỉnh có 99 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 62 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 03 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý (cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang, Bưởi Soi Hà).

Lĩnh vực lâm nghiệp đang trên đà phát triển, nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao và tăng cường trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong kinh doanh rừng trồng đã từng bước được ứng dụng, tạo ra các tác động tích cực đến năng suất và chất lượng rừng trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao đã được hình thành và đang dần được phổ biến, nhân rộng. Toàn tỉnh hiện có 89 trang trại chăn nuôi, duy trì 01 trang trại bò sữa Tuyên Quang “Đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP” và Công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 04 cơ sở chăn nuôi lợn VietGAP; 19 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

Được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 11-2017, trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản, thôn 14, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) ban đầu chỉ mới nuôi 514 con bò sữa được nhập khẩu từ Úc, đến nay số lượng đàn nuôi tăng lên gần 2.000 con, trong đó có gần 500 con cho vắt sữa với sản lượng sữa đạt trên 13,5 tấn/ngày. Mô hình trang trại được xây dựng theo quy mô chăn nuôi tập trung với hệ thống chuồng trại, kho trữ thức ăn đảm bảo. Việc chăn nuôi tại trang trại hiện áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong chăn nuôi. Mỗi con bò đều được gắn chíp điện tử để quản lý, kiểm soát khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng cũng như dịch bệnh, năng suất sữa.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng...

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp. 

Dù có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. Mô hình sản xuất nông nghiệp này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất yêu cầu chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó, thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường còn hẹp và chưa ổn định, việc chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế… là những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các cấp, các nghành, các cơ quan chuyên môn trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững./.

Nguyễn Thị Gái - Trung tâm khuyến nông

Tin cùng chuyên mục