,

Trồng trọt-BVTV

Chống bệnh nghẹt rễ cho lúa non

Qua một mùa đông ít nắng, đất ruộng không được phơi ải và ít tiếp xúc không khí, trong đất lại tồn dư nhiều chất hóa học độc hại và vi khuẩn yếm khí có hại phát triển nhanh làm tăng nguy cơ gây ngộ độc cho rễ lúa mới cấy. Phòng chống bệnh nghẹt rễ, nông dân cần làm cỏ, sục bùn, tăng cường trao đổi chất để cây lúa bén rễ hồi xanh.

Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy trên 18.300 ha lúa, bằng các giống lúa chất lượng cao, có sức đề kháng cao. Hiện tại trà chính vụ hồi xanh, bước vào thời kỳ đẻ nhánh tuy nhiên vẫn còn mộtt số diện tích gieo, cấy vào đúng dịp rét đậm, rét hại cộngng với nguồn nước tưới dưỡng bị hạn chế dẫn đến lúa non bị bó rễ chậm phát triển.

Cánh đồng thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) nhiều thửa ruộng, cây lúa chưa thể hồi xanh do thiếu nước và bị bó rễ. Ông Phạm Văn Minh cho biết, thời điểm gieo cấy lúa, thời tiết rét đậm rét hại, số giờ nắng ít nên cây lúa cứ co mình không phát triển. Để cây lúa nhanh chóng bén rễ, ông Minh đã phải huy động nhân lực dùng cào cải tiến sục bùn cho đất được thoáng, giúp cho bộ rễ lúa phát triển tốt. Ông Minh cũng bón thêm phân chuồng hoai mục để cho lúa ấm chân, tăng sức đề kháng cho cây lúa trong thời điểm thời tiết liên tục có những diễn biến xấu.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hoa, tổ 3, phường Tân Hà (Tp Tuyên Quang) dùng cào cải tiến sục bùn cho lúa Xuân mới cấy.

Kể từ khi đưa cây lúa xuống đồng, bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) luôn theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của lúa. Bà Phượng chia sẻ, lúa non mới cấy như đứa trẻ vậy, phải được chăm sóc cẩn thận, chăm sóc tốt lúa mới bén rễ nhanh, có sức đề kháng tốt chống chịu được sâu, bệnh hại. Theo bà Phượng, chuẩn bị cấy bà bón lót, sau cấy 1 tuần bà làm cỏ, sục bùn, bón thêm tro bếp và phân chuồng hoai kết hợp bắt ốc bươu vàng và bẫy chuột. Bà Phượng bảo, theo sát, bảo vệ lúa non từng ngày nên lúa của gia đình không bị chột, bén rễ, hồi xanh trông thấy.

Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sau đợt rét đậm, rét hại thời tiết đang ấm dần, đây là điều kiện rất tốt để cây lúa non hồi xanh, phát triển. Qua kiểm tra, đã có 3.700 ha lá trà chính đang kỳ đẻ nhánh rộ; trên 14.600 ha lúa trà muộn đang hồi xanh. Đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt, Chi cục đã làm việc với Ban Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh chỉ đạo các đội quản lý, khai thác công trình thủy lợi tại các địa phương điều tiết nước bảo đảm phục vụ đủ nước tưới dưỡng cho cây lúa. Chi cục cũng phân công cán bộ cùng với lực lượng khuyến nông hướng dẫn nông dân chăm sóc tích cực cho cây lúa. Đối với diện tích lúa cấy, tiến hành bón thúc lúa bằng các loại phân NPK chuyên thúc, lần 2 bón sau lần 1 khoảng 10 - 15 ngày. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thành Long, để cây lúa phát triển tốt, người nông dân cần bón thúc sớm, bón tập trung, bón nặng đầu nhẹ cuối, bón tăng lượng kali cho các giống có tiềm năng năng suất cao; duy trì ổn định mực nước nông trên ruộng, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh. Đối với diện tích lúa gieo sạ, sau gieo cần giữ ẩm mặt ruộng vừa giữ ẩm cho lúa, vừa diệt cỏ dại và giúp lúa nhanh bén rễ. Khi cây đạt 2,5 - 3 lá thật đưa nước láng chân, bón nhử bằng NPK chuyên thúc và tỉa dặm bảo đảm mật độ thích hợp. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh tiến hành chăm bón như lúa cấy. Với những diện tích lúa cấy sâu, lúa bị nghẹt rễ cần khuyến cáo nông dân làm cỏ, sục bùn, thay nước... để giúp cho bộ rễ phát triển mạnh.

Thời tiết đầu vụ xuân có nền nhiệt độ và độ ẩm cao, tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Hiện nay đã xuất hiện tình trạng ốc bươu vàng, chuột, ruồi hại nõn, trĩ. Do đó các địa phương cần đôn đốc bà con thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm sâu, bệnh có biện pháp xử lý không để lây lan ra diện rộng, bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục