,

Lâm nghiệp

Phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô

Tuyên Quang có 448.680 ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tổng diện tích rừng hiện có là hơn 422.400 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên 281.700 ha. Để bảo vệ rừng mùa hanh khô, trong thời gian qua bên cạnh công tác tuần tra bảo vệ rừng, các cấp, ngành của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Nứa khô tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao

Nứa là loài cây chiếm ưu thế ở hầu hết những cánh rừng nguyên sinh, tái sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay tại một số huyện như: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Lâm Bình… xuất hiện một số diện tích rừng nứa chết khô tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy trong mùa khô năm nay. Điều này càng rõ khi các diện tích nứa khô chớm vào mùa hanh khô, trời ít mưa đã khiến những bụi nứa khô nhanh hơn, rất dễ cháy bùng khi có lửa. Nứa sống đan xen với nhiều loại cây khác nên nếu cháy sẽ dễ lan ra diện rộng.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) với hiện trạng rừng nứa tép bao quanh khu di tích lán Nà Nưa. Tuy nhiên, năm 2022 gần như toàn bộ diện tích nứa chút lá chết khô cả bụi. Có thể dễ dàng nhận thấy những bụi nứa khô quanh khu vực lán Nà Nưa và khu vực Núi Hồng. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Tân Trào cho biết, Ban Quản lý rừng đặc dụng Tân Trào đang quản lý 3.128,7 ha rừng tự nhiên và 549,17 ha rừng trồng. Diện tích nứa trên địa bàn rất nhiều, việc nứa chết hàng loạt đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô.

   Diện tích nứa tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) khô hàng loạt.    

Theo thống kê sơ bộ, diện tích nứa khô có khoảng hơn 153 ha. Ban Quản lý rừng đặc dụng Tân Trào phối hợp với UBND xã Tân Trào khẩn trương xây dựng kế hoạch, đồng thời quán triệt tới từng thôn, bản kiên quyết không để cháy xảy ra. Người dân phải cảnh giác trước nguy cơ cháy ở các rừng nứa khô. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra. Xã đã chỉ đạo các thôn kiện toàn tổ phòng cháy chữa cháy rừng, chủ động xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống cháy rừng, hạn chế người dân ra vào khu rừng đặc dụng có nguy cơ cháy cao.

Huyện Lâm Bình có 72.427,3 ha rừng, trong đó có 67.727,68 ha rừng tự nhiên và 4.699,6 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng của huyện là 78,9%. Diện tích rừng lớn đa số là rừng hỗn giao tre, nứa xen lẫn. Hiện nay, rừng tại một số xã xuất hiện diện tích  nứa khô rải rác tại các xã Hồng Quang, Bình An, Khuôn Hà (Lâm Bình), các diện tích nứa khô theo từng chòm, khoảnh, đồi lác đác có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Hiện huyện Lâm Bình đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng, trong đó công tác tuyên truyền cho người dân về việc cảnh giác trước nguy cơ cháy ở rừng nứa chết theo phương châm “phòng cháy là chính”.

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, nứa chết khô cả diện tích lớn là hiện tượng bình thường của tự nhiên. Theo chu kỳ sinh trưởng của cây nứa đến khi nứa già có thể trong khoảng 25 - 30 năm nứa sẽ ra hoa và chết đi để tái sinh lứa mới.

Không chủ quan với “giặc lửa”

Với phương châm “phòng hơn cứu hỏa”, các địa phương có rừng và chủ rừng lớn đã sớm chủ động triển khai xây dựng các phương án PCCCR; thường xuyên thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng xuống các địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó khi có cháy.

Ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, Ban được giao khoán bảo vệ 39.751,6 ha rừng phòng hộ thuộc địa bàn 8 xã của huyện Lâm Bình, đơn vị luôn đề cao công tác phòng cháy chữa cháy rừng nhất là vào mùa hanh khô. Ngoài công tác tuần tra kiểm soát, đơn vị thường xuyên tập huấn phòng chống cháy rừng cho người dân. Đồng thời chủ động chuẩn bị máy móc, trang thiết bị; phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin thời tiết, cảnh báo cháy rừng. 8 tổ phòng chống cháy rừng của đơn vị luôn trong tình trạng sẵn sàng triển khai khi có cháy rừng xảy ra.

Nhân viên tuần rừng tuyên truyền người dân thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) về công tác PCCCR.

Từ tháng 11, việc trực cháy sẽ thực hiện 24/24h kéo dài cho tới tháng 4 năm sau. Để công tác PCCCR hiệu quả hơn đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ vào việc dự báo cháy rừng, chủ yếu là cài đặt phần mềm cảnh báo cháy rừng có thông báo điểm nghi cháy bằng tin nhắn đến điện thoại. Khi có tin nhắn đến điện thoại, căn cứ tọa độ điểm nghi cháy, lực lượng phụ trách tại các địa bàn sẽ tổ chức kiểm tra, xác minh để có giải pháp xử lý kịp thời.

Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2022. Đồng thời, rà soát các vùng trọng điểm, khoanh vùng các địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao để lên phương án, kế hoạch bố trí lực lượng thường trực chốt kiểm tra, kiểm soát người vào rừng.  Trong trường hợp xảy ra cháy rừng, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy.

Các địa phương được hướng dẫn thực hiện chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện, dụng cụ tại chỗ; Hậu cần, phục vụ tại chỗ”, huy động tối đa sức người, sức của để chữa cháy rừng. Mùa hanh khô cũng là mùa khai thác rừng trồng chuẩn bị cho trồng rừng vụ mới, công tác xử lý thực bì bằng lửa là một trong những nguyên nhân chính xảy ra cháy rừng trên địa bàn những năm gần đây. Do vậy, công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân xử lý thực bì đúng cách đang được các ngành chức năng triển khai.

Không chủ quan với “giặc lửa” là phương châm luôn được các ngành chức năng và nhân dân các địa phương đề cao. Các địa phương trong tỉnh quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại trong trường hợp xảy ra cháy rừng.     

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục