,

Lâm nghiệp

“Hành trình” đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc: *Bài 3: Hướng tới trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng

Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về độ che phủ của rừng, với tỷ lệ che phủ trên 65%, toàn tỉnh có gần 450 nghìn ha đất lâm nghiệp (chiếm 70% diện tích tự nhiên), trong đó, có trên 190 nghìn ha rừng trồng, sản lượng gỗ khai thác hàng triệu m3/năm. Phát huy tiềm năng thế mạnh, tỉnh Tuyên Quang đã và đang thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, góp phần đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và vững chắc, xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Nhân lên giá trị của rừng

Để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp liên kết phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp tổng hợp (trồng rừng kết hợp với trồng dược liệu, chăn nuôi, du lịch sinh thái…) xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ rừng bền vững, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung, rừng trồng nói riêng….

Cùng với đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành nông lâm nghiệp; chuẩn bị tốt các điều kiện để tham gia thị trường cung ứng tín chỉ các bon rừng nhằm tăng thêm nguồn thu, nâng cao giá trị kinh tế từ đóng góp của hệ sinh thái rừng, nâng cao hơn nữa đời sống cho người trồng rừng và bảo vệ rừng, để người làm nghề rừng yên tâm quản lý, bảo vệ, gắn bó với rừng và phát triển rừng. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là trong khâu chọn tạo, xây dựng bộ giống cây lâm nghiệp đa dạng, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, xây dựng bộ sản phẩm gỗ rừng trồng với nhiều chủng loại, mẫu mã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trồng rừng gỗ lớn trở thành hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm gỗ đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, công nghệ và thị trường đến phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến các sản phẩm giấy, gỗ cao cấp giá trị cao.

Nhờ đó, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đã có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy, với tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp bình quân đạt trên 8%/năm. Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh Tuyên Quang trồng mới được hơn 11.570 ha rừng, tăng 15,7% so với kế hoạch năm 2022; khai thác rừng trồng 10.000 ha, với khối lượng gỗ hơn 1,1 triệu m3; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) hơn 48.300 ha; duy trì độ che phủ rừng đạt trên 65%.

Đặc biệt, đến nay tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: Giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ. Điển hình như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất là 150.000 m3 sản phẩm/năm (tương đương khoảng 600.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm), nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hằng năm trên 1 triệu m3; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 7.500 tấn sản phẩm/năm... Các nhà máy này đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động và bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân.

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai quy hoạch phân 3 loại rừng; hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 2 triệu m3/năm…

*Trung tâm sản xuất chế biến gỗ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục rà soát, củng cố vùng nguyên liệu, phối hợp  với các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nhu cầu phục vụ cho một trung tâm chế biến gỗ lớn trong tương lai; chuẩn bị các điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng của rừng trồng, trước tiên là chất lượng cây giống phục vụ cho trồng rừng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thu hút hàng ngàn lao động thường xuyên làm việc

Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035; mở rộng diện tích rừng gỗ lớn; duy trì tổ chức cấp mới chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC. Có giải pháp phát huy giá trị đặc trưng của hệ sinh thái rừng, gắn bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ các bon.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và khu vực để thu hút, lựa chọn nhà đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp nói chung, thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm lâm nghiệp…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu, đến năm 2025, có ít nhất 01 sản phẩm đồ gỗ được công nhận “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”; diện tích khai thác gỗ rừng trồng mỗi năm đạt 10.000 ha. Đến năm 2030, tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp trên 10%/năm; duy trì diện tích rừng gỗ lớn trên 89.000 ha; mở rộng, duy trì diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC trên 100.000 ha; sản lượng khai thác trên 1,3 triệu m3/năm; tỷ lệ che phủ của rừng trên 65%; thu nhập bình quân từ rừng trồng gỗ lớn đạt trên 350 triệu đồng/ha.../.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục