,

Lâm nghiệp

Đêm giao thừa nhớ nồi bánh chưng quê nhà

Lúc phân công trực Tết, anh em ai cũng xin nhận sẽ trực đêm giao thừa, bởi ai cũng nghĩ nếu mình không nhận thì anh em sẽ có người phải xa nhà!

Lực lượng kiểm lâm tại trạm Song Long, huyện Lâm Bình tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Xin trực đêm giao thừa

Năm nay là cái Tết thứ hai Quan Văn Đức, nhân viên tuần rừng ở trạm kiểm lâm Song Long thuộc Hạt Kiểm lâm Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang không đón giao thừa ở nhà. Đức tình nguyện chọn ở lại trực Tết bảo vệ rừng. Đức chia sẻ: “Lúc phân công trực Tết, anh em ai cũng xin nhận sẽ trực đêm giao thừa, bởi ai cũng nghĩ nếu mình không nhận thì anh em của mình sẽ có người phải xa nhà!”

Trạm kiểm lâm Song Long ở giữa mênh mông sông nước chỉ có rừng, tiếng chim hót, thú kêu và từng đợt cá quẫy dưới lòng hồ. Trạm có 4 cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng, gồm 1 trạm trưởng, 1 kiểm lâm viên và 2 nhân viên tuần rừng.

Chàng trai trẻ Quan Văn Đức là người dân tộc Tày, quê ở xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa. Công việc hằng ngày của Đức là cùng cán bộ kiểm lâm tham gia tuần tra, quản lý bảo vệ hơn 12.700 ha rừng của trạm được giao.

Những ngày đầu mới lên núi, sống những đêm trong cánh rừng hoang vu, tiếng suối chảy, tiếng gió núi hú lên từng hồi, tiếng côn trùng, tiếng động vật kêu khiến Đức rợn người. Nhưng ở lâu trong rừng thành quen, thành có kinh nghiệm. Để tránh động vật hoang dã anh bắc những cây gỗ rồi đóng thành một cái giường vững chắc để nghỉ, chống rắn rết đã có võng, có màn chụp kín.

Khi đã quen với hơi rừng, nhìn những cánh rừng từng khiến anh rợn người ngày nào được giữ nguyên vẹn lòng anh xao động reo vui. Khắp các cánh rừng lớn với hàng nghìn, hàng triệu cây gỗ quý được in dấu bước chân anh.

Một góc rừng trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Gần 6 năm gắn bó với rừng, Đức quen với việc từ mờ sáng đã lên rừng, vừa tập thể dục để có sức khỏe dẻo dai, vừa đi thăm và khám phá sự kỳ diệu của rừng. Đức được cán bộ kiểm lâm chỉ cho nhận biết từng loài cây, từng khu rừng có nghiến quý, khu rừng có phong lan...

Những điều lạ lẫm mà chưa khi nào anh nghĩ kiến thức từ rừng lại phong phú đến thế. Nó nhiều hơn kiến thức mà trước kia thời học phổ thông cô giáo từng dạy. Bởi thế anh ngày càng gắn bó và yêu rừng hơn.

Mùa xuân năm ngoái, là giao thừa đầu tiên Đức nhận nhiệm vụ ở lại gác rừng tại trạm Song Long. Ở trong rừng một mình với sông nước, Đức đã quen. Nhưng đến thời khắc giao thừa, chiếc điện thoại treo trước cửa trạm đón sóng rơi, sóng rớt chẳng thể đón nổi một vạch sóng. Nửa tiếng sau thời khắc giao thừa, điện thoại bỗng đổ chuông. Đầu bên kia là giọng của người vợ và 2 đứa con bi bô hỏi bố. Đức bỗng bật khóc!

Sáng mùng 2 Tết, khi theo thuyền ra Bến Thủy giao ca với anh em ở ca trực tiếp theo, Đức mang theo, bánh kẹo, một ít nước ngọt vừa chào năm mới vừa chia tay chuyển giao ca trực nhiều cảm xúc. Anh đứng trên bờ nhìn theo bóng đồng đội khi con thuyền khuất sâu vào dãy núi, đến khi dòng nước bỗng lặng lẽ bình yên, Đức mới quay đầu lên xe trở về nhà với người vợ và 2 đứa con trong những ngày đầu tiên của năm mới.

Tủi thân là thế nhưng năm nay Đức vẫn tình nguyện nhận trực Tết đêm giao thừa. Anh kiên định ý chí: “Phải coi rừng như của nả của chính gia đình mình, cái gì cũng quý, cái nào cũng cần giữ gìn. Bởi rừng mà thiếu mất bóng cây, chẳng khác nào bầu vú mẹ thiếu sữa, chẳng khác nào dòng sông thiếu những mạch nguồn”…

Ở đằng xa, phía bên kia mặt hồ những cánh rừng lao xao gió thổi, như chào đón mùa xuân về. Trong căn nhà nổi của chốt, những anh em kiểm lâm, nhân viên tuần rừng cũng tất bật chuẩn bị cành đào, bánh kẹo đón niềm vui xuân mới theo cách của riêng mình.

Căn nhà nhỏ ấy khá đơn sơ. Một cái bếp củi nấu ăn, một cành đào nhỏ được người dân bản tặng cắm trên vỏ lon nước ngọt, vài cái bánh chưng được người vợ ở nhà gửi lên… Đức bảo: Thế là đủ Tết.

Ở rừng, nhớ nồi bánh chưng quê nhà

Xã Khau Tinh, huyện Na Hang nằm trong lòng núi. Nơi có những cây nghiến cổ thụ to lừng lững hiên ngang đứng giữa rừng. Trạm Kiểm lâm Khau Tinh cũng nằm trong lòng núi. Trạm có 11 cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng, gồm 4 kiểm lâm và 7 nhân viên tuần rừng.

Vì nhiệm vụ công việc, nhiều kiểm lâm viên và nhân viên tuần rừng ở Tuyên Quang phải trực và đón Tết ở rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Bàn Thái Tân, trạm trưởng trạm Kiểm lâm Khau Tinh là người Dao ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang. 17 năm anh gắn bó với nghề kiểm lâm cũng là bằng ấy năm anh chưa một lần đón giao thừa ở nhà và năm nay cũng thế.

Trạm trưởng Bàn Thái Tân chia sẻ, hiện nay trạm quản lý bảo vệ hơn 10.000ha rừng, trong đó xã Khau Tinh là hơn 6.000ha. Những cánh rừng nơi đây mật độ gỗ nghiến cổ thụ còn rất nhiều, do đó luôn là điểm ngắm của các đối tượng, nhất là dịp Tết.

Bảo vệ rừng, Tết năm nay trạm chia làm 2 ca trực. Ca đầu trực từ ngày 29 đến trưa ngày mùng 2 âm lịch; ca sau trực từ mùng 2 đến hết Tết. Anh là trạm trưởng nên nhiều năm nay luôn tình nguyện nhận trực ca đêm giao thừa. Tân là người con duy nhất trong gia đình nên neo người. Biết không được đón giao thừa ở nhà, năm nào giáp Tết, Tân cũng vội vã về trước sắm cho lũ trẻ bộ quần áo mới, mang cho mẹ ít cây rừng ngâm thuốc xương khớp và can rượu ngô biếu bố... Mọi việc nhà còn lại anh gửi gắm người vợ của mình.

Anh Tân chia sẻ rằng, gần 20 năm vợ chồng sống với nhau thành hiểu, thành quen. Lần nào anh đi, chị cũng dặn phải giữ gìn sức khỏe thật tốt, rồi vội vàng giấu nỗi buồn vào sâu trong đôi mắt. Anh chợt thấy, ẩn dưới đôi mắt đầy thương nhớ ấy là những nếp nhăn, bởi đội bao nhiêu ngày nắng bỏng trên nương, bởi đội bao hôm sương tối ướt đậm vành khăn đội đầu. Bao năm qua, chị đã gồng gánh gia đình nhỏ bé ấy thay cả việc của người đàn ông. Anh lặng lẽ nhìn vào làn khói bếp nhẹ tênh trên một nếp nhà dân gần đó, giữa khoảng rừng mênh mông.

Ở dưới chân núi xa xa ánh đèn đường rực sáng, màu pháo hoa xanh đỏ tung bay trên nền trời, Tân nghĩ về Tết ở quê nhà năm nay. Trong chòm xóm nhỏ bên bếp lửa những đứa con đang háo hức chờ nồi bánh chưng nóng hổi ra lò. Củ khoai lang để cạnh bếp cũng vừa chín thơm phức.

Cả thành thị và nông thôn đã vào xuân. Ai cũng vui mừng náo nhiệt. Anh cũng vui cho họ và vui cho chính mình, vì đã góp phần nhỏ bé vào mùa xuân rực rỡ ấy. Gió hun hút lùa vào từng kẽ lá rung rinh cây rừng lao xao gọi mùa xuân về!

Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh, huyện Na Hang Lê Hữu Thể cho biết, năm nào lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện và Sở NN-PTNT cũng thăm, tặng quà Tết cho cán bộ kiểm lâm ở những nơi hoang vu, hẻo lánh nhất. Họ chính là những người đáng được động viên khích lệ, vì những đóng góp thầm lặng nhưng lớn lao.

Mấy hôm nay, anh và cán bộ huyện cũng đi khắp các chốt, trạm để thăm hỏi động viên lực lượng kiểm lâm. Hỗ trợ lực lượng kiểm lâm, những năm trở lại đây, xã đã tăng cường cán bộ xã hỗ trợ các chốt, trạm cùng tham gia trực Tết, giữ rừng.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục