,

Thương hiệu nông sản

Kết quả thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020

Sau 02 năm tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa rộng rãi, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Ngày 07/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Để thực hiện tốt chương trình này, ngày 11/3/2019 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” với mục tiêu là tập trung nâng cao chất lượng và sản phẩm nông lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; phấn đấu đến hết năm 2020, mỗi huyện, thành phố xây dựng được 01 sản phẩm chủ lực có quy mô cấp huyện đạt tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ tiêu chuẩn hoá 74 sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP

Đến nay, sau 2 năm thực hiện Tuyên Quang đã thu hút được 51 chủ thể (gồm: 05 doanh nghiệp, 38 hợp tác xã, 04 tổ hợp tác và 04 hộ gia đình) trên địa bàn 42 xã, phường, thị trấn của 07 huyện, thành phố tham gia và có 79 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đạt 106,8% kế hoạch, trong đó có 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao, gồm: Homestay 99 ngọn núi (Lâm Bình); Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá; Chè Shan Tuyết Hồng Thái lộc trà, Cá Lăng chiên xù và Chả cá Lăng (Na Hang); Lạc nhân, Bánh gai (Chiêm Hóa); Cam sành (Hàm Yên); Trà Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn, thịt trâu khô Tiến Thành (Yên Sơn); mật ong hương rừng (TP Tuyên Quang); Trà xanh hữu cơ Trung Long, Chè xanh Tâm Trà,  Dầu lạc Trường Thịnh(Sơn Dương)…Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã Sử Anh (Yên Sơn) phấn khởi cho biết, sản phẩm chè Ngọc Thúy đã được khẳng định đúng giá trị và đây cũng là cơ hội để sản phẩm chinh phục nhiều thị trường lớn. Sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao, sản phẩm chè Ngọc Thúy và trà lạnh Ngọc Thúy đã được tỉnh lựa chọn là sản phẩm tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài khu vực.

Để có được kết quả đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp miền núi – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hướng dẫn, tư vấn giúp các cơ sở sản xuất xây dựng, tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh; hướng dẫn hỗ trợ các chủ thể lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đồng thời tất cả chủ thể tham gia chương trình OCOP đều được tập huấn phát triển sản phẩm, triển khai kế hoạch kinh doanh; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; hỗ trợ máy móc thiết bị, nâng cấp nhà xưởng sản xuất và mời tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại.

Lãnh đạo UBND tỉnh thăm gian hàng OCOP tại Hội nghị tổng kết chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020

Từ năm 2018 đến năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ cho các chủ thể xây dựng 47 nhãn hiệu sản phẩm. Trong đó vốn nông thôn mới hỗ trợ năm 2019-2020 là 43 sản phẩm, còn lại là các nguồn vốn khác hỗ trợ 3 sản phẩmvới tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và tem nhãn cho 2 HTX với kinh phí là 700 triệu đồng. Đã tổ chức 10 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về thực hiện chương trình OCOP cho trên 1.000 đại biểu các sở, ban ngành, ủy ban nhân dân các cấp và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh; tổ chức học tập kinh nghiệm về Chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh; in ấn và phát hành 70.000 tờ rơi tuyên truyền về Chương trình OCOP; tham gia 8 hội chợ, diễn đàn quảng bá các sản phẩm OCOP tại thành phố Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc... Các sản phẩm nhanh chóng lấy được lòng tin của người tiêu dùng, nhiều đơn hàng cũng đã được thiết lập. Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) cho biết, tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP năm 2020 tổ chức tại thành phố Hà Nội đã có 3 doanh nghiệp đàm phán ký kết tiêu thụ sản phẩm mật ong hương rừng của hợp tác xã.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao  nhận thức cho cộng đồng, người dân, để mỗi người dân và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đều biết đến các sản phẩm OCOP; hỗ trợ nâng cao sản phẩm đã được phân hạng; sản xuất, lựa chọn tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm ngành thực phẩm và ngành thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, tỉnh sẽ lựa chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm đạt hạng 4 sao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá phân hạng cấp Quốc gia phân hạng 5 sao, như sản phẩm: Chè Shan Tuyết Hồng Thái, Chè xanh Ngọc Thuý, Mật ong hương rừng, Cam sành Hàm Yên…

Vũ Ngọc Tuyên - TTKN

Tin cùng chuyên mục