,

Phổ biến GDPL

Phát huy hiệu quả nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân

Hội Nông dân tỉnh đang quản lý hiệu quả gần 18 tỷ đồng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp cho 587 hộ hội viên vay thực hiện 46 dự án phát triển sản xuất. Trong đó có 28 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm; 16 dự án trồng trọt và 2 dự án nuôi thủy sản. Các dự án đều phát huy hiệu quả tốt, các hộ tham gia dự án sử dụng vốn vay đúng mục đích, có thu nhập ổn định.

Ông Phạm Ngọc Hải, thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (Yên Sơn) chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Các địa phương có nhiều dự án từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân là huyện Yên Sơn 10 dự án, thành phố Tuyên Quang và Sơn Dương cùng có 8 dự án, Hàm Yên 7 dự án... Mỗi dự án đều mang tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với vùng chuyên canh, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Tiêu biểu như các dự án: Trồng và chăm sóc bưởi ở các xã Phúc Ninh, Thắng Quân, Xuân Vân (Yên Sơn); nuôi trâu sinh sản kết hợp cày kéo ở các xã Phúc Sơn, Trung Hòa, Hòa Phú (Chiêm Hóa), nuôi cá đặc sản trên sông Lô ở phường Nông Tiến, nuôi gà đặc sản Tân Tạo, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang)...

Hội Nông dân xã Thắng Quân (Yên Sơn) là một trong những xã điển hình về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Hội đang quản lý 1 tỷ đồng giúp cho 25 hộ dân ở các thôn Văn Lập, Hòn Vang vay vốn (mỗi hộ 40 triệu đồng) để thực hiện trồng và chăm sóc bưởi. Ông Phạm Ngọc Hải, thôn Văn Lập, xã Thắng Quân cho biết: Năm 2017, thông qua các cấp hội, gia đình ông được vay 40 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Số vốn đó giúp gia đình ông có có thêm kinh phí để đầu tư thâm canh cây bưởi. Vườn bưởi của gia đình ông đã phát triển lên quy mô 500 cây bưởi các loại. Năm vừa qua, gia đình ông có nguồn thu 300 triệu đồng từ bán bưởi quả, trừ chi phí còn lãi khoảng gần 200 triệu đồng.

Theo chị Lê Trà Giang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, hội đã triển khai 2 dự án. Trong đó, dự án trồng và chăm sóc đào cảnh đã hết chu kỳ (từ năm 2015 đến 2018) giúp 20 hộ vay với tổng số 500 triệu đồng. Dự án đang đạt những kết quả đáng mừng khi các hộ tham gia dự án đã mở rộng diện tích, mua thêm cây giống, đầu tư phân bón, để trồng và chăm sóc có hiệu quả. Khi dự án kết thúc cả 20 hộ đều trả vốn, phí đúng thời hạn và duy trì nghề trồng đào cảnh với mức thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng/hộ/năm. Từ thành công đó, hội đang tiếp tục triển khai dự án “Nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô” với 10 hộ tham gia, tổng số vốn 500 triệu đồng thời gian thực hiện 24 tháng.

Gia đình anh Lê Văn Sáng, tổ 7, phường Nông Tiến là một trong 10 hộ tham gia dự án “Nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô”. Anh Sáng hồ hởi chia sẻ: Cũng như các hộ nuôi cá lồng trên sông, khó khăn lớn nhất của gia đình anh là thiếu vốn. Thực tế, các hộ khó tiếp cận nguồn vốn vay vì không có tài sản thế chấp. Tham gia dự án, anh được vay 50 triệu đồng giúp anh có tiền đóng mới lồng nuôi, mua thêm con giống (cá chiên đặc sản), mua thức ăn phát triển nghề nuôi cá đặc sản. Anh Sáng nhẩm tính, mỗi hộ có từ 1- 3 lồng nuôi cá (mỗi lồng thả từ 100 đến 300 con (tùy diện tích lồng) thì sau 2 năm nuôi cá chiên đạt trọng lượng khoảng 2 kg, bán giá từ 500 - 650 nghìn đồng/kg. Số tiền thu về giúp các hộ không chỉ trả được nợ vay mà còn có khoản thu nhập kha khá.

Thời gian tới, các cấp Hội nông dân tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, hướng dẫn các hộ sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. 
 

theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục