,

Cải cách hành chính

Ghi ở không gian hành chính phục vụ đầu tiên của cả nước

Tỉnh Đồng Tháp hôm nay giống như cái nôi của những mô hình xây dựng chính quyền mà mục tiêu tối thượng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân

Ông Nguyễn Thành Giang, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Đồng Tháp: Xứ Tháp Mười xưa giờ là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt, giao thông còn hạn chế, chạy Honda giả sử có việc gì “phi” xuống với dân còn lẹ. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Chính quyền đồng hành, phục vụ

Tháng 8 này ông Nguyễn Thành Giang, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Đồng Tháp sẽ nghỉ hưu sau hơn 40 năm làm người nhà nước. Ấy là một người tận tụy, cần mẫn và giản dị. Suốt mấy chục năm cống hiến, làm đến cấp phó giám đốc của một Sở nhưng mỗi bận gặp gỡ cả trong công việc lẫn cuộc sống đời thường đều thấy ông đi lại bằng chiếc Honda đời cũ. Hỏi vui sao anh không sắm lấy chiếc xe hơi cho đỡ nắng mưa, chỉ thấy ông cười hiền: Honda cho tiện. Xứ Tháp Mười xưa giờ là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt, giao thông còn hạn chế, chạy Honda giả sử có việc gì “phi” xuống với dân còn lẹ, chứ xe hơi nhiều khi nó bẫy, đi lại bất tiện mà bà con mình nhìn cũng không ưa.

Cái sự giản dị, gần gũi ấy là điều dễ dàng cảm nhận được trong mỗi cán bộ, công chức, lãnh đạo ở tỉnh Đồng Tháp hôm nay. Từ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, huyện thị đến cấp xã phường, thôn ấp…

Đi xuống Châu Thành, đi sang Tháp Mười, Cao Lãnh hay lên mấy huyện vùng biên giới Tân Hồng... bất cứ nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh cán bộ đến công sở làm việc đều tắt máy Honda dắt bộ qua cổng. Hành động nhỏ thôi nhưng đó là cách thể hiện sự trân trọng, trách nhiệm và nghĩa vụ khi lựa chọn công việc phụng sự nhân dân.

Giản dị, gần gũi từ vẻ bề ngoài, từ thái độ ứng xử đến tác phong trong công việc, trong cuộc sống. Ông Giang nói rằng đó là thành quả của một cuộc cách mạng mấy mươi năm Đồng Tháp kiên tâm xây dựng. Cuộc cách mạng để xây dựng bộ máy chính quyền, xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo gần gũi và đồng hành, phục vụ đối tác, doanh nghiệp và đồng hành, phục vụ người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ hai từ phải sang) trò chuyện với người dân huyện Châu Thành. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Trước khi về Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Đồng Tháp, ông Giang có hơn ba mươi năm công tác bên ngành Nội vụ. Trực tiếp tham mưu, giúp việc cho nhiều đời Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp. Am tường là một nhẽ, ấy còn là người kế thừa, tổng hợp quyết tâm và ý chí của nhiều đời lãnh đạo Đồng Tháp để soạn thảo các chính sách, trực tiếp tham gia vào công cuộc thay đổi lớn trên đất Sen hồng.

“Nói chính quyền thân thiện thực ra là cách gọi của chính quyền mang giá trị cốt lõi là đồng hành và phục vụ. Từ mấy chục năm về trước cho đến bây giờ, các thế hệ lãnh đạo Đồng Tháp luôn trăn trở làm sao để xây dựng hình ảnh địa phương có thể bứt phá lên, làm sao người dân phải thực sự là trung tâm và tất cả các chính sách phát triển địa phương đều phải xoay quanh trung tâm đó. Cuối cùng chúng tôi lựa chọn thay đổi đầu tiên là xây dựng chính quyền từ mệnh lệnh hành chính sang chính quyền phụng sự. Xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, lãnh đạo trong bộ máy phải thực sự đồng hành và phục vụ đối tác, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Và có lẽ Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng mô hình này”, giọng ông Giang đột nhiên lấp lánh vẻ tự hào.

Xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ nhân dân ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Tự hào cũng phải thôi, bởi hơn mười năm xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ, hiếm có địa phương nào xuất hiện nhiều mô hình thiết thực như ở Đồng Tháp. Đó là mô hình Ngày thứ Sáu nghe dân nói, mô hình Hội quán, mô hình Cà phê doanh nghiệp - doanh nhân, Hẹn giờ thực hiện thủ tục hành chính tại nhà, mô hình Nụ cười công sở với phương châm "sáu biết" bao gồm biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn, biết xin lỗi.

Đặc biệt mô hình Cà phê doanh nghiệp - doanh nhân. Sau khi “thí điểm” thành công ngay trong khuôn viên UBND tỉnh Đồng Tháp, bây giờ đã lan tỏa đến các sở ban ngành, huyện thị. Các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm, sắp tới đây còn tăng cường mở rộng thêm hình thức đi xuống cơ sở, trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp, chủ dự án khởi nghiệp ở các ấp, các khu công nghiệp… Mục đích nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải, thảo luận về các ý tưởng mới và ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin, động lực giúp doanh nhân và nhà đầu tư an tâm sản xuất, kinh doanh.

Cũng trong hơn mười năm ấy, tất cả những người đứng đầu các cấp ở Đồng Tháp nếu không có lý do bất khả kháng thì mỗi tuần đều phải bố trí một lần đi xuống với dân. Kể cả những ngày tháng đại dịch Covid-19 hoành hành, công cuộc ấy cũng không ngơi nghỉ. Không tổ chức gặp gỡ trực tiếp thì thông qua hình thức trực tuyến. Tất cả nhằm tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với đối tác, doanh nghiệp và người dân.

Hình ảnh giản dị, thái độ thân thiện, gần gũi, chan hòa. Dường như mỗi một cán bộ, công chức, lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Đồng Tháp phải luôn suy nghĩ để làm sao doanh nghiệp, người dân, đối tác có thể nói hết suy nghĩ của họ. Từ trăn trở, đề xuất, kiến nghị đến những sáng tạo, cách làm mới mẻ, những cách nghĩ, cách làm hay để ứng dụng vào thực tiễn.

Ông Ba Ơn cho rằng: "Tạo dựng niềm tin cho người dân, làm việc gì cũng dễ!" Ảnh: Hoàng Vũ.

Dân tin, làm gì cũng dễ

An Bình là xã ven đô thành phố Cao Lãnh, địa giới hành chính thuộc huyện Cao Lãnh, xứ sở của sen và xoài. Cơn mưa chiều rả rích tưới lên không gian mát lành cây trái ở Hội quán Thuận An. Ông Ba Ơn (Đặng Văn Ơn, 71 tuổi) đang chủ trì buổi sinh hoạt chuyên đề thứ 47 của hội quán cùng với bà con trong ấp, có sự tham dự của lãnh đạo xã An Bình. Hết bàn cách thức cải tạo vườn tạp, chỉnh trang cảnh quan môi trường, xây dựng nông thôn mới lại chuyển sang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí tăng thu nhập… Bà con hăng say tham gia đóng góp ý kiến, cán bộ xã ngồi nghe gật gù, chỉ thi thoảng mới nói dăm ba câu định hướng. Không gian ấm cúng, chan hòa, gần như không có chút khoảng cách nào giữa cán bộ và nhân dân.

Chủ tịch UBND xã An Bình, chị Trương Huyền Trang, một người trẻ trung, năng nổ chia sẻ rằng, kể từ khi xây dựng mô hình hội quán, xây dựng không gian cà phê tổ tự quản ở An Bình, mỗi khi xã có việc gì khó thì đưa xuống dân bàn đều tìm ra cách, rất đúng với tinh thần “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Lãnh đạo xã An Bình tham gia sinh hoạt Hội quán Thuận An. Ảnh: Hoàng Vũ.

An Bình là xã thuần nông với hơn 2.500 hộ dân, 300ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa. Những năm gần đây chính quyền cùng với người dân tích cực chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu. Thay đổi tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, thành lập hợp tác xã để mua chung bán chung, xây dựng nông thôn mới… Toàn những chính sách lớn lao không phải ngày một ngày hai bà con đã nghe ngay được. Thay vì các cuộc hội nghị, hội thảo tổ chức rình rang ở trụ sở ủy ban như nhiều nơi, lãnh đạo xã An Bình lựa chọn hình thức tuyên truyền thông qua hội quán, qua không gian cà phê tổ tự quản.

Thế mà hay. "Mỗi tháng một lần vào ngày 18 lãnh đạo xã thay phiên nhau xuống ngồi cùng nghe bà con nói. Không phải họp hành gì đâu. Ngồi nghe bà con tâm tình, chia sẻ. Từ khó khăn vướng mắc thực hiện chính sách như thế nào, đề xuất kiến nghị ra sao cho đến thông tin tình hình an ninh trật tự địa phương, an toàn giao thông, tình làng nghĩa xóm đều nói cho nhau nghe hết. Anh bảo, chỉnh trang cảnh quan đường làng ngõ xóm phải bà con mình làm chứ chính quyền sao làm thay được. Rồi vấn đề bảo vệ môi trường, trồng cây gì, chăm sóc bảo vệ ra làm sao cũng được bà con chia sẻ để cùng nhau phát triển. Đợt vừa rồi có dịch chuột phá hại mùa màng dữ quá, xã đưa vào chuyên đề sinh hoạt để bà con cùng bàn, có đến mấy chục sáng kiến của bà con và chỉ sau mấy tuần lễ dịch chuột đã bị khống chế. Cái chính là chính quyền tạo được niềm tin cho bà con. Một khi bà con tin mình thì làm gì cũng dễ”, Chủ tịch xã An Bình chia sẻ.

Nói như ông Nguyễn Thành Giang là người đồng bằng xưa giờ thường ngại nói, ngại có ý kiến này nọ lắm. Bà con cũng vậy, cộng đồng doanh nghiệp cũng vậy. Nếu chính quyền cứ quen tổ chức họp hành, hội nghị hội thảo trong phòng lạnh, cờ quạt, biển hiệu hoành tráng nhiều khi chẳng ai có ý kiến gì. Doanh nghiệp thì ngại, bà con họ chỉ quen cặm cụi sản xuất, ít khi ngồi với nhau, tâm tư, suy nghĩ ra làm sao rất khó mà nắm bắt. Thành thử những không gian như cà phê, hội quán chính là chỗ để cùng nhau ngồi lại. Cùng nhau nói lên suy nghĩ của mình, cùng nhau tìm cách giải quyết các vấn đề, đặc biệt là những vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ.

Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cũng chia sẻ rằng, chính nhờ những không gian cùng nhau như vậy mà những năm qua Đồng Tháp luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền, chỉ số thu hút đầu tư… Nhiều mô hình, cách làm ở Đồng Tháp đã trở thành thực tiễn để trung ương ban hành các nghị định, chính sách nhân rộng ra phạm vi cả nước. Đơn giản nhất, bất cứ ai cũng dễ dàng cảm nhận khi nhìn vào văn bản chỉ đạo, điều hành của các cơ quan ở tỉnh Đồng Tháp hôm nay, từ ngữ, văn phong đều tối giản, gần gũi và dễ hiểu nhất, tất cả đều vì mục tiêu phục vụ nhân dân.

Trung tâm kiểm soát thủ tục hành chính và phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Không gian hành chính phục vụ đầu tiên của cả nước

Anh Trần Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm kiểm soát thủ tục hành chính và phục vụ hành chính công tỉnh Đồng Tháp dẫn chúng tôi đi một vòng trong khuôn viên của cơ quan. Vừa đi anh vừa chia sẻ, sau 10 năm xây dựng mô hình chính quyền thân thiện, năm 2021 vừa rồi UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện các mô hình cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân giai đoạn 2021 - 2026.

“Tổng cộng có 10 hạng mục các mô hình đã được tổng kết, đánh giá trong giai đoạn trước để tiếp tục triển khai xây dựng trong giai đoạn mới. Đồng Tháp là địa phương đầu tiên của cả nước đưa vào hoạt động mô hình không gian hành chính phục vụ kiểu như này”, anh Tấn hồ hởi.

Trung tâm hành chính phục vụ đầu tiên của cả nước đó nằm ở số 82, đường Nguyễn Huệ, thành phố Cao Lãnh. Ngoài các bộ phận thủ tục hành chính, điều đặc biệt của trung tâm là có không gian phục vụ trà, cà phê miễn phí, không gian để các bộ phận tư vấn, hỗ trợ trong lúc người dân chờ đợi làm thủ tục. Những điều tưởng như rất nhỏ nhưng theo lời anh Tấn là để người dân có trải nghiệm thoải mái, thú vị, nhẹ nhàng so với các cơ quan hành chính nhà nước khác.

Ở không gian đó, vào sáng thứ Hai và sáng thứ Sáu hàng tuần, Giám đốc trung tâm trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với bà con đến làm thủ tục hành chính, lắng nghe tâm tư, đóng góp ý kiến của bà con. Tất cả các sở, ban ngành trong tỉnh đều cắt cử cán bộ hoặc thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân. Bất kể thắc mắc, kiến nghị gì của người dân cũng phải giải quyết thấu tình đạt lý, có thời hạn rõ ràng. Lại còn có thêm quy định, mỗi một ngày cán bộ trung tâm bắt buộc phải thực hiện ít nhất mười lăm cuộc điện thoại ngẫu nhiên thông qua tổng đài 1022 để khảo sát mức độ hài lòng của người dân. Đồng Tháp tiên phong thực hiện bởi vì như anh Tấn chia sẻ, tâm lý bà con mình nếu bảo phát phiếu khảo sát hay chấm điểm dịch vụ trên máy tính nhiều khi không mặn mà.

Phải có không gian và kênh chuyển tải phù hợp thì bà con mới chịu nói. Tổng đài 1022 chính là nhằm mục tiêu đó. Ngoài những đánh giá về thái độ, năng lực phục vụ của trung tâm nhiều khi bà con mình cũng có những chia sẻ, sáng kiến đóng góp rất thiết thực. Ví dụ thành lập nhóm zalo hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính, hay đơn giản là sắm thêm mấy cái dù che mưa nắng ngoài cổng. Tất cả sự tương tác của nhân dân đều đáng quý, giúp bản thân mỗi cán bộ và trung tâm dần hoàn thiện để phục vụ bà con tốt hơn.

Mô hình chính quyền đồng hành với nhân dân ở Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Cũng trong Kế hoạch thực hiện các mô hình cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xây dựng mô hình “Chính quyền đồng hành cùng nhân dân” với mục đích lắng nghe và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân. Trong đó, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp thực hiện phát sóng chương trình “Về làng, xuống phố” mỗi tháng ít nhất một kỳ, xoay quanh những chủ đề trọng điểm, người dân quan tâm. Cấp huyện, cấp xã, hàng quý tổ chức chương trình phát thanh đối thoại giữa chính quyền với nhân dân quanh các chủ đề cụ thể, những vấn đề người dân quan tâm, việc nhà nước cần tuyên truyền, cũng như tình hình giải quyết các nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân qua các kênh tiếp nhận như Zalo, Facebook, tổng đài 1022…

Mô hình gửi thư đến người dân, doanh nghiệp nhằm thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và tạo mối quan hệ gần gũi, gắn kết giữa chính quyền với người dân cũng được mở rộng, nâng cao. Những sự kiện trọng đại của bà con như kết hôn, sinh con, xây nhà mới… phải có thư chúc mừng đã đành, mỗi khi doanh nghiệp ra mắt sản phẩm mới, phát triển thêm thị trường tiềm năng, ký kết hợp đồng với các đối tác quan trọng cũng nhận được sự chia vui, đồng hành từ phía chính quyền.

Nhờ chủ trương "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" mà suốt 15 năm qua vùng đất Sen hồng luôn đứng trong tốp 5 tỉnh thành hàng đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Chúng tôi ngồi cà phê cùng mấy anh em ở Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp (Đồng Tháp BSSC). Nghe kể nhờ chủ trương "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" mà suốt 15 năm qua vùng đất Sen hồng luôn đứng trong tốp 5 tỉnh thành hàng đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng Tháp cũng là địa phương có thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp ngắn nhất.

Nguyễn Hoàng Anh, một anh bạn trẻ từ Hà Nội vào chơi với nhóm khởi nghiệp ở Đồng Tháp, chỉ một hai hôm đi thăm thú mảnh đất này đã quyết định thành lập công ty chuyên về chế biến sen. "Tất tần tật thủ tục chỉ có hơn một ngày, em đi khắp nơi chưa thấy ở đâu chính quyền lại hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp nhanh và hiệu quả như ở đây anh ạ", Nguyễn Hoàng Anh phấn khởi.

Nụ cười của anh bạn trẻ này lại làm tôi nhớ lại cách đây mấy năm khi đi cùng với ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm vào tìm hiểu phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Đồng Tháp. Vỏn vẹn có một buổi đi khảo sát thôi đã quyết định đầu tư các mô hình và ký kết hợp tác với UBND tỉnh vì "cảm nhận chính quyền, cán bộ lãnh đạo ở Đồng Tháp OK quá".

Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác nữa, dường như tất cả đều được chào đón và đồng hành khi đến với đất Sen hồng. Nói như ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đó là chủ trương nhất quán của tỉnh rồi. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền phải nhận thức rõ doanh nghiệp, người dân là đối tượng phục vụ. Đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp, ngoài chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương thì Đồng Tháp còn có chính sách ưu đãi riêng đối với các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, dạy nghề, môi trường, du lịch...

“Xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp, đối tác chính là giá trị cốt lõi biến Đồng Tháp từ một vùng đất “khuất nẻo” trở thành địa phương tốp đầu của khu vực và cả nước ở nhiều lĩnh vực như ngày nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cười thân thiện.

 

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục