,

Trồng trọt-BVTV

Kéo nông dân trở về vùng nguyên liệu

Ngành mía đường Tuyên Quang đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm kéo nông dân trở lại với cây mía sau nhiều năm diện tích suy giảm nghiêm trọng.

Giảm 3/4 diện tích so với thời hoàng kim

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương cho biết, hiện nay tổng diện tích vùng mía nguyên liệu của Công ty là 1.800ha, năm nay phát triển mới được 700ha thì vùng nguyên liệu sẽ đạt khoảng 2.500ha. Đây là diện tích lớn nhất kể từ 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên so với thời kỳ hoành kim thì diện tích này chỉ bằng 1/4.

Nguyên nhân khiến vùng mía nguyên liệu ở Tuyên Quang giảm sút nghiêm trọng là do những năm trước đường kính trắng không bán được, lượng đường tồn kho lớn, nợ ngân hàng tăng lên. Không có tiền, giá mía thu mua thấp, lại không kịp thời nên nhiều hộ nông dân đã quay lưng với cây mía. Diện tích trồng mía trước kia được nhiều hộ chuyển sang trồng cây rau màu và trồng rừng. Nhiều xã được coi là vùng lõi của vùng mía nguyên liệu như Tam Đa, Hào Phú, Tân Thanh… của huyện Sơn Dương với diện tích vài trăm đến cả nghìn ha hiện nay chỉ còn vài chục ha.

Trong vụ ép năm 2023 - 2024, tổng sản lượng mía nguyện liệu của Công ty ước đạt khoảng 100.000 tấn, tăng khoảng 24.000 tấn so với vụ ép năm ngoái. Nguyên nhân khiến sản lượng tăng là do diện tích đã tăng thêm 200ha so với vụ ép trước. Cùng với đó, do mía được giá, nông dân đã chú trọng đầu tư chăm sóc nên năng suất cũng tăng lên, đạt hơn 60 tấn/ha.

Dù vùng nguyên liệu đã có nhiều khởi sắc, nhưng việc thực hiện sản xuất mía đường của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi với vùng nguyên liệu 1.800ha, chỉ đảm bảo đáp ứng hoạt động sản xuất cho 1 nhà máy, nhà máy còn lại phải tạm dừng hoạt động.

Ông Trương Huy Canh, Phó Chủ tịch UBND xã Hào Phú (huyện Sơn Dương) cho biết, những năm trước, cây mía được coi là cây trồng chủ lực tại địa phương. Thế nhưng vào những năm 2019 - 2020 giá mía xuống thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân bỏ mía, vùng mía phế canh tăng cao.

Năm nay khi giá mía tăng cao, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương cũng triển khai nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích người trồng mía, đây sẽ là động lực giúp khôi phục lại vùng mía nguyên liệu. Năm 2024, huyện Sơn Dương giao chỉ tiêu vùng mía nguyên liệu trồng mới của xã Hào Phú là 15ha, đến nay xã đã trồng được 25ha, vượt kế hoạch đề ra.

Mục tiêu đến năm 2025, diện tích vùng mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương đạt hơn 3.000ha. Để đạt được mục tiêu này, khó khăn lớn nhất là nguồn lao động nông thôn tại các địa phương ít vì phần lớn những người trong độ tuổi đều đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp thay vì trồng mía, người dân lựa chọn trồng rừng để giảm công chăm sóc.

Mục tiêu đến năm 2025, diện tích mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương đạt hơn 3.000ha. Ảnh: Đào Thanh.

Cùng với đó, Công ty cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nợ xấu tại các ngân hàng còn tương đối lớn với khoảng 200 tỷ đồng. Dù giá mía đường đã tăng lên nhưng với vùng nguyên liệu chưa đạt 2.000ha, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương chỉ đạt sản lượng khoảng 6.000 đến 7.000 tấn đường kính trắng/năm. Sản lượng này sau khi cân đối chi phí sẽ không đủ giải quyết được bài toán nợ đọng tại các ngân hàng.

Nếu diện tích vùng nguyên liệu cho sản lượng đạt 20.000 đến 30.000 tấn đường kính trắng/năm thì với giá đường đạt 21.000 đồng/kg Công ty mới có lãi và hi vọng giải quyết hết các khoản nợ đọng của ngân hàng.

Vực dậy vùng mía nguyên liệu

Vực dậy vùng nguyên liệu mía đường, 3 năm trở lại đây, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Đương đã điều chỉnh hàng loạt chính sách có lợi cho người dân nhằm lấy lại niềm tin của người trồng mía.

Giá thu mua mía nguyên liệu được Công ty điều chỉnh tăng lên theo từng năm. Đặc biệt trong niên vụ 2023 - 2024, Công ty đã triển khai thu mua mía nguyên liệu với giá 1.300.000 đồng/tấn, tăng 0,27 triệu đồng/tấn so với giá thu mua vụ ép trước.

Công ty Cổ phần mía đường Sơn Đương đã điều chỉnh hàng loạt chính sách có lợi nhằm lấy lại niềm tin của người trồng mía. Ảnh: Đào Thanh.

 

Bên cạnh việc tăng giá thu mua mía, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng điều chỉnh hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích mở rộng vùng mía nguyên liệu như: Thực hiện thu mua ngọn mía giống với giá 1,43 triệu đồng/tấn; hỗ trợ đầu tư 45 triệu đồng/ha với diện tích mía nguyên liệu trồng mới và 25 triệu đồng/ha với diện tích mía lưu gốc…

Chính sách ưu đãi là thế, tuy nhiên việc có mở rộng được diện tích mía nguyên liệu hay không thì vẫn còn ở phía trước. Bởi ngoài khó khăn trong việc lấy lại niềm tin của nông dân thì sự canh tranh về hiệu quả kinh tế/đơn vị diện tích của nhiều cây trồng với cây mía cũng đang là thách thức lớn cho ngành mía đường xứ Tuyên.

Anh Hoàng Văn Doanh, nông dân xã Tam Đa (huyện Sơn Dương) cho biết, việc Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương tăng giá thu mua mía nguyên liệu lên 1.300 đồng/kg khiến người dân rất phấn khởi. Đây là giá thu mua mía cao nhất từ trước tới nay. Năm nay gia đình anh trồng 1ha, thu về khoảng 65 tấn mía, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Thu hoạch mía xong, anh tiến hành xử lý thực bì và chăm sóc mía lưu gốc, đảm bảo năng suất và chất lượng mía cho vụ ép tới.

Song song với điều chỉnh chính sách, việc áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng mía giống cũng được ngành mía đường Tuyên Quang quan tâm.

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương cho biết, hiện nay, hơn 1.800ha mía lưu gốc và diện tích mía trồng lại đều được Công ty triển khai trồng các giống mới như KK3, LK92-11, QĐ 92159 nhằm tăng năng suất và đảm bảo độ đường cao.

Bên cạnh đó, Công ty cũng áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía như phối hợp với các đơn vị sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây mía; hỗ trợ máy làm đất, cày bừa cho nông dân… Đặc biệt đến mùa thu hoạch, việc sử dụng xe bốc mía đã giải được cơ bản bài toán về thiếu lao động ở nông thôn. Nếu trước đây 1 xe mía trọng tải 15 tấn phải mất 6 người bốc vác trong vòng 2 giờ mới đầy thì việc sử dụng xe bốc mía chỉ mất 1 người làm việc trong vòng 1 giờ, không chỉ giảm thời gian mà chi phí công bốc mía cũng giảm khoảng 600.000 đồng/xe

Mô hình cánh đồng mía lớn cũng được ngành mía đường Tuyên Quang duy trì tại các xã Bình Xa, Thành Long (huyện Hàm Yên) và xã Phú Lương (huyện Sơn Dương).

Cũng theo ông Ngụy Như Tiến Dũng thì sau 3 năm nỗ lực vực dậyy vùng nguyên liệu với hàng loạt chính sách điều chỉnh, hiệu quả kinh tế/ha mía đã dần tăng lên. Hiện nay, với diện tích mía trồng vụ đầu năng suất đạt 70 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, nhân công…, người dân có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha, những vụ tiếp theo lãi khoảng 60 triệu đồng/ha.

Dự kiến đến ngày 30/3, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương sẽ kết thúc vụ ép năm 2023 - 2024. Song song với chế biến, Công ty cũng triển khai phát triển diện tích trồng mới.

Diện tích mía nguyên liệu trồng mới trong vụ ép 2024 - 2025 của Công ty được tỉnh Tuyên Quang giao chỉ tiêu tăng 420ha. Hiện nay, Công ty đã ký hợp đồng cam kết với các hộ dân trồng mới được 630ha và có thể đạt tới diện tích 800ha. Con số tăng trưởng này cho thấy vùng mía nguyên liệu đang dần được khôi phục và niềm tin với cây mía của người dân Tuyên Quang dần được nâng lên.

 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục