,

Thị trường nông sản

Hoa quả mùa hè được giá: Bắt đầu từ thay đổi tư duy sản xuất

Nhiều nhà vườn đã thay đổi tư duy sản xuất từ tập trung phát triển diện tích sang nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất an toàn trong quá trình canh tác, nói không với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản... Nhờ đó, giá bán năm nay tăng hơn so với mọi năm.

Gia đình ông Đàm Chí Phúc, thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình (Yên Sơn) ước tính thu chục triệu đồng tiền bán vải quả.

Từ tháng 5 trở đi là mùa chính của nhiều loại hoa quả như vải, dưa lê, xoài, thanh long, mít, nhãn, na... Phản ánh từ nhiều nhà vườn, thị trường tiêu thụ hoa quả tươi năm nay rất thuận lợi, giá tăng so với những năm trước.

Trồng vải hơn 10 năm qua nhưng chưa năm nào gia đình chị Bùi Thị Lựu, tổ dân phố Văn Lập, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) bán được giá như năm nay. Chị Lựu phấn khởi cho biết, vải năm nay không sai như những năm trước nhưng bù lại rất được giá, hiện chị đang bán buôn và bán lẻ với giá từ 30-35 nghìn đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với năm 2021 và năm 2020. Sức tiêu thụ cũng rất nhanh, vải thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Theo chị Lựu, sau giống vải Thanh Hà chín sớm là đến thu hái vải thiều, với giá như hiện nay gia đình chị sẽ thu về một khoản tương đối khá.

Cùng trên địa bàn huyện Yên Sơn, gia đình ông Đàm Chí Phúc, thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình ước tính thu chục triệu đồng tiền bán vải quả. Ông Phúc dự tính, vườn vải của gia đình có 10 cây, mỗi cây cho thu từ 50-70 kg, mang lại nguồn thu cho gia đình hơn 1 triệu đồng/cây.

Không riêng gì vải, nhiều sản phẩm hoa quả tươi đều rất được giá. Bà Nguyễn Thị Vè, thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, năm ngoái dưa lê bà bán lẻ cũng chỉ được 15 nghìn đồng/kg, năm nay tăng gấp đôi. Bà mừng lắm, 1 sào dưa mang lại cho gia đình 2,5-3 triệu đồng/vụ.

Chị Bùi Thị Lựu, tổ dân phố Văn Lập, thị trấn (Yên Sơn) phấn khởi khi vải quả thu hái đến đâu bán hết đến đó.

Chị Hoàng Thị Xuyến, chuyên kinh doanh buôn bán hoa quả tươi tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) cho biết, hiện dưa lê chị nhập vào 25-30 nghìn đồng/kg tùy từng kích cỡ, mít 20 nghìn đồng/kg, vải từ 25-35 nghìn đồng/kg tùy theo chất lượng, mẫu mã. Theo chị Xuyến, giá hoa quả tăng là do sản lượng không nhiều, trong khi dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, thị trường thông thương. Ngoài bán tại thị trường trong tỉnh, hầu hết những người kinh doanh như chị còn đóng hàng đi các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Hơn nữa thời tiết năm nay tương đối mát nên sức tiêu thụ của người dân rất cao. Trung bình mỗi ngày quầy hàng của chị bán ra từ 2,5 đến 5 tạ hoa quả các loại.

Theo ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ngoài diện tích cây ăn quả có múi, các loại sản phẩm quả khác khoảng 2.000 ha, trong đó 1.500 ha vải, nhãn. Hầu hết diện tích vải đang cho thu hoạch, sản lượng ước tính đạt trên 2.000 tấn. Ngoài vải quả, hiện nay nhiều nhà vườn đang thu hoạch ổi, mít thái, dưa lê, sắp tới là thanh long, nhãn, hồng... So với những năm trước, sản lượng các loại hoa quả tươi trong mùa hè không lớn, song chất lượng lại vượt trội, điều này đã làm nên giá trị sản phẩm. Nhiều nhà vườn đã thay đổi tư duy sản xuất từ tập trung phát triển diện tích sang nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất an toàn trong quá trình canh tác, nói không với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản... Một số sản phẩm như dưa lê, thanh long đã được các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ký kết bao tiêu sản phẩm. 

Các sản phẩm hoa quả trong mùa hè lại rất đa dạng, chín rộ vào cùng thời điểm, chưa kể phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại từ các tỉnh trong nước và hoa quả nhập khẩu. Do đó, để bảo toàn giá trị, giảm thiểu tổn thất do thời tiết, các nhà vườn cần linh hoạt trong sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường; tìm kiếm bạn hàng kết nối tiêu thụ. Phương châm quả chín đến đâu thu hoạch, tiêu thụ đến đó tránh tình trạng hoa quả hái xong chưa tiêu thụ ngay làm giảm giá trị hoặc giữ chờ giá cao mới thu hái.    

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục