,

Nông thôn mới

Lâm Bình phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Non nước Lâm Bình

Xác định du dịch là một trong hai khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch, với mục tiêu “Phát huy tiềm năng, khai thác tốt loại hình du lịch lịch sử, văn hoá, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng”.

Với sự vào cuộc tập chung, quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh, huyện đến cơ sở, cùng sự chủ động của nhân dân trong đầu tư, khai thác thế mạnh để phát triển dịch vụ du lịch, đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng các điểm du lịch tập trung tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Sơn, thị trấn Lăng Can và khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, với các điểm du lịch cộng đồng được công nhận, gồm: Thôn Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm; tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can; thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà. Hiện huyện đang lập hồ sơ, trình công nhận điểm du lịch thôn Bản Biến xã Phúc Sơn. Đồng thời chú trọng xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tập trung hỗ trợ cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình Homestay trong việc nâng cao kỹ năng, tay nghề, kiến thức về du lịch, để họ “sống được với du lịch” qua đó có động lực để tiếp tục phát triển. Đến nay, huyện triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Homestay với gần 50 hộ tham gia, trong đó Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 Ngọn Núi, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cấp Giấy chứng nhận OCOP sản phẩm dịch vụ “Homestay 99 Ngọn Núi” đạt tiêu chuẩn 4 sao; thời gian tới tiếp tục đăng ký lập hồ sơ trình cấp quốc gia đề nghị công nhận sản phẩm dịch vụ “Homestay 99 Ngọn Núi” đạt tiêu chuẩn 05 sao. Đặc biệt, mô hình xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can đã thu hút khách đến với Lâm Bình ngày một đông.

Cổng làng văn hoá Nà Tông

Nhằm khai thác, phát triển du lịch hiệu quả, ổn định, bền vững, huyện luôn tập trung cho công tác bảo vệ cảnh quan môi trường: Đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 78%; triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, trọng tâm là thực hiện cuộc vận động “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải nhựa”; tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế tiến tới không dùng thuốc diệt cỏ. Tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch, kiến trúc, khuyến khích nhân dân giữ gìn và phát triển mô hình nhà truyền thống của các dân tộc,…

Cùng với đó, huyện đã triển khai các giải pháp để khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trang phục của các dân tộc, dệt thổ cẩm dân tộc,…; duy trì lễ hội truyền thống của các dân tộc như Lễ hội Lồng Tông của dân tộc tày, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn,…; vận động nhân dân mặc trang phục dân tộc; tổ chức hội diễn các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian, ném còn, đánh bam,…; tư liệu hóa dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, các bài thuốc của các dân tộc thuốc tắm, xông, của đồng bào Dao,... Khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, các sản phẩm lưu niệm; triển khai dịch vụ du lịch cộng đồng; thuyền vận chuyển khách du lịch,... Phát triển một số sản phẩm du lịch mới, xây dựng điểm check in, điểm dừng chân tại các địa điểm phù hợp để du khách trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm. Mở lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cho học viên, tổ chức cho học viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn,...

 

Biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch (tại Homestay Tài Ngào)

Ngoài ra, Lâm Bình còn có lợi thế về văn hóa, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng và vẫn được giữ gìn. Văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo hết sức lý thú và hấp dẫn du khách. Nhiều sản phẩm, món ăn đặc sản được du khách yêu thích như: mật ong, nấm hương rừng, chè Khau Mút, rượu ngô, thắng cố, mèn mén, thịt chua, cá chua,… Để bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, huyện đã luôn chú trọng, thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phục và trở thành hoạt động văn hóa thường niên; người dân được tuyên truyền mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết, trong đó tập trung vào học sinh từ mầm non tới THPT.

Thời gian qua, Lâm Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
về các giá trị văn hóa truyền thống đến đông đảo các thế hệ học sinh các cấp.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày

Cùng với khôi phục, phát triển, Lâm Bình từng bước đưa văn hóa thành các sản phẩm dịch vụ du lịch. Các chương trình biểu diễn văn nghệ truyền thống, những hoạt động trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng, những bộ trang phục, khăn tay, chăn thổ cẩm, những món ăn,… đã và đang dần trở thành sản phẩm đặc sắc phục vụ du khách.

Lễ nhảy lửa (Hồng Quang) của đồng bào dân tộc Pà Thẻn
  luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự.

Có thể khẳng định, văn hóa là nguồn vốn vô tận, là sản phẩm du lịch đặc trưng; việc khôi phục và phát triển văn hóa là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển con người Lâm Bình “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thân thiện, sống có nghĩa, có tình”.

Đến với Lâm Bình, chúng ta có thể cảm nhận thấy địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi nhưng lại tạo nên những cảnh sắc vô cùng tươi đẹp, hệ thống núi non trùng điệp, hùng vĩ, soi bóng xuống mặt hồ Tuyên Quang, cùng hệ sinh thái đa dạng, nhiều động - thực vật quý hiếm, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp, với Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn. Đặc biệt, huyện có một quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ có vẻ đẹp kỳ vĩ, với các di tích lịch sử, khảo cổ, tâm linh. Là những tiềm năng, thế mạnh để du lịch của huyện Lâm Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Bài, ảnh: Vi Thế Truyền, Chi cục Phát triển nông thôn.

Tin cùng chuyên mục