,

Nông nghiệp tốt

Tăng trưởng xanh: Xu thế tất yếu

Trước hết tất cả chúng ta đều nhận thức đầy đủ về những biến đổi khí hậu đã diễn ra hiện nay của cả thế giới, nó đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, kinh tế toàn cầu.

Ngày 09/8/2021 IPCC, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc, công bố cáo cáo quan trọng về khí hậu, khẳng định phát thải do con người gây ra đã làm thay đổi hành tinh một cách nguy hiểm và vĩnh viễn. Báo cáo về Biến đổi khí hậu nêu rõ: cơ sở khoa học vật lý do 234 tác giả soạn thảo. Sau 2 tuần họp đã thống nhất từng nội dung khuyến nghị được đại diện các Chính phủ xem xét, sửa đổi; cuối cùng báo cáo đã được 195 Chính phủ chấp thuận trong khuôn khổ phiên họp thứ 54 của IPCC. Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm từ lở đất ở Ấn Độ, nắng nóng khắc nghiệt và hỏa hoạn ở Bắc Mỹ, lũ lụt ở Châu Âu và Trung Quốc… Trong thời gian vừa qua chỉ là màn dạo đầu về những gì sẽ xảy ra nếu Trái đất tiếp tục nóng dần lên.

Những sự kiện trên đây cho chúng ta thấy các quốc gia chưa có phương án chuẩn bị, không lường trước được với tốc độ tác động bất thường do biến đổi khí hậu gây ra. Hiện tại, khí hậu đã biến đổi, thiên tai bất ngờ sẽ gia tăng cả về tần suất và cường độ tàn phá; trừ khi loài người nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải, chủ yếu là khí Cacbon (C02). Như vậy, lượng khí thải Cacbon cần nhanh chóng giảm xuống trong thập kỷ này và giảm xuống mức bù trừ bằng không (Net Zero) vào năm 2050.

Sản phẩm bưởi Soi Hà được giới thiệu, quảng bá tại các hội nghị xúc tiến thương mại của ngành Nông nghiệp năm 2023.

Việt Nam chúng ta cũng thấy rõ ràng những tác động và hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Các bằng chứng là rất rõ ràng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện diện khắp nơi trên thế giới; nếu không chung tay hành động ngay từ bây giờ, nhân loại sẽ tiếp tục chứng kiến những tác động tồi tệ nhất đến sinh mạng, sinh kế và môi trường tự nhiên.

Việt Nam là quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, tác động mạnh mẽ đến đời sống và phát triển sinh kế. Thực hiện chủ trương theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần XIII và cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “không” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021. Những năm qua Việt Nam đã có bước chuyển biến mới để hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó có nội dung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Triển khai chiến lược và các kế hoạch phát triển xanh, nước ta đã gặt hái được những kết quả bước đầu khả quan như nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý sinh học và tái sử dụng phế phụ phẩm, bảo vệ tài nguyên môi trường… nhiều mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Chính phủ đã xây dựng các mục tiêu chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, để thực hiện theo từng giai đoạn, kể từ nay cho đến năm 2050; nhằm thực hiện hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ Công thương đã đưa ra các giải pháp chủ yếu với trọng tâm tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ gồm: Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Người tiêu dùng đang là xu thế, ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm xanh, hữu cơ thân thiện với môi trường. Tiêu dùng xanh - hữu cơ không chỉ là xu hướng mà những năm gần đây đã trở thành nhu cầu tất yếu. Theo tổ chức PwC, có khoảng 50% số người được khảo sát cho biết họ sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tự phân hủy và có tới 80% hướng đến các sản phẩm phát triển bền vững và tiết kiệm nhiên liệu. Theo các chuyên gia trước khi được gọi là xanh, sản phẩm phải đảm bảo các yếu tố: Rõ ràng về tiêu chuẩn và nguồn gốc, được sản xuất từ những đơn vị uy tín trên thị trường hoặc được chứng nhận và nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm (vật tư đầu vào) là những nguyên liệu thân thiện với môi trường, tốt nhất là có nguồn gốc từ tự nhiên.

Trong giai đoạn hiện nay và tương lai lâu dài của nền nông nghiệp  Việt Nam là “…ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…” (NQ Đại hội Đảng XIII). Những năm gần đây, cùng với việc hình thành các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; phát huy giá trị văn hóa, sản phẩm truyền thống làng nghề (OCOP)… Các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp đã chú trọng sử dụng vật tư đầu vào là những vật tư có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ và giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc sâu hóa chất (đối với nông nghiệp hữu cơ không sử dụng vật tư hóa chất, biến đổi gen, kích thích tăng trưởng…); kết hợp với sử dụng các công nghệ tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao; đầu tư các trang thiết bị hiện đại, phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế, ban hành quy trình sản xuất theo tiêu chí sản xuất xanh, kinh tế xanh. Chỉ trong 5 năm gần đây, kết quả cho thấy, chất lượng nông sản ngày một nâng cao, quy mô ngày càng lớn và sức cạnh tranh ngày càng cao. Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã bước đầu khẳng định sự lựa chọn định hướng đúng cho phát triển xanh. Tuy vậy, nông nghiệp Việt Nam cũng còn chứa đựng rất nhiều khó khăn, thách thức. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; nông nghiệp xanh, sinh thái, hữu cơ là những vấn đề còn khá mới mẻ đối với một số địa phương và người trực tiếp sản xuất, chế biến và thương mại về sản phẩm nông nghiệp. Nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn, hữu cơ ngày càng tăng cao; các thể chế chính sách và nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng các sản phẩm là xu thế tất yếu.

Để giảm tải những khó khăn, thách thức, xây dựng nền kinh tế xanh, trong đó nhấn mạnh phát triển nông nghiệp xanh, trước tiên cần phải hình thành nếp sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên (còn gọi là thuận thiên). Để có thể tạo được đột phá mới cần sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị, trong đó ngành nông nghiệp và các tỉnh, thành phố cần phải tạo đột phá mới (nòng cốt) bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ đa giá trị, đa lĩnh vực, lồng ghép các giá trị kinh tế - xã hội và môi trường; chủ động, sáng tạo của từng địa phương để tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của vùng, miền cho phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ… Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn được chuẩn hóa theo quy trình, tiêu chuẩn cụ thể; đồng thời áp dụng chuyển đổi số để kết nối thông tin giữa vùng sản xuất và nơi tiêu thụ; các sản phẩm đều có thể truy xuất được nguồn gốc.

Con người nắm vai trò quyết định thành công, điều quan trọng hơn cả là trách nhiệm truyền thông để các nhà quản lý và tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị sản phẩm xanh, sinh thái, hữu cơ, tiêu dùng xanh, nhận thức rõ thời cơ để chủ động, sáng tạo thúc đẩy đóng góp sức mình cho phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và tiêu dùng xanh.

TSKH. Hà Phúc Mịch                    

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục