,

Nông nghiệp tốt

Người làm chè hữu cơ và niềm tin vào giá trị đích thực

Nằm tiếp giáp giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, làng chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang có vị thế ngay dưới chân Đèo Khế, ngôi làng tọa lạc giữa núi rừng xanh mát, không khí trong lành có gia đình ông Trần khắc Bảy và bà Ngô Thị Trâm là một trong những gia đình vẫn cần mẫn chăm chút cho từng cây chè bằng cả tâm sức của mình. Với khát khao trong tương lai giá trị của cây chè hữu cơ thực sự được lan tỏa rộng rãi tới người tiêu dùng.

Ông Trần Khắc Bảy bên vườn chè của gia đình

Khi được hỏi về cơ duyên nào đã đưa gia đình ông đến với canh tác sản phẩm cây trồng hữu cơ thì ông bà thành thật chia sẻ: Gia đình tôi thuần nông, vốn bao đời gắn với ruộng nương, soi, bãi. Cách thức thì vẫn thủ công cha truyền con nối của các cụ xưa để lại cứ thế mà làm. Xu thế xã hội phát triển, cách làm của các cụ xưa lạc hậu năng suất thấp nên các gia đình ở đây cũng như bao nơi khác trên mọi miền, canh tác theo hướng công nghiệp hóa, mải chạy theo sản lượng mà sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tùm lum, rất độc hại cho sức khỏe con người và môi trường. 

Là một trong những hộ tiên phong, ông Bảy cho biết từ năm 2018 gia đình ông cùng một số hộ ở thôn Đồng Đài bắt đầu tiếp cận cách thức làm chè hữu cơ, nhận thấy sự đúng đắn trong việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp sạch, ông đã tích cực tìm hiểu học hỏi bằng cách tham gia các lớp tập huấn do huyện, tỉnh tổ chức để về triển khai trên mảnh đất của gia đình.

Một góc vườn chè của gia đình ông Trần Khắc Bảy tại thôn Đồng Đài

Thời gian đầu gia đình ông đã gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và thu hoạch. Sâu bệnh tàn phá do chưa có kinh nghiệm cộng thêm sản lượng thu hoạch tụt giảm gần như mất trắng. Không nản chí với phương châm mình đã chọn ông mua sách báo về tìm hiểu thêm, quan sát kỹ thổ nhưỡng khí hậu, thực hiện lại từng bước theo đúng quy trình chăm sóc. 

Để có nguồn nước sạch ông đã kỳ công đào một cái hang sâu chừng 40m cạnh khu trồng chè tiện cho việc dẫn nước làm hệ thống tưới tự động, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây chè sinh trưởng. Đối phó với sâu bệnh phá hại thay vì việc phun hóa chất thì gia đình ông đã học hỏi cách ngâm ủ gừng, tỏi, thuốc lào… là những thảo mộc thiên nhiên xua đuổi sâu bệnh và côn trùng. Chế phẩm vi sinh được ủ với cá làm thức ăn dinh dưỡng cho cây chè tốt lá và ngọt nước.

Hang nước sâu chừng 40 mét, cho nguồn nước sạch và mát tưới cho cây chè

 Thành quả không phụ người lao động, gần 2 ha chè của gia đình đăng ký theo tiêu chuẩn hữu cơ đã cho thu hoạch những lứa chè sạch chuẩn, giá bán cũng cao hơn so với thị trường. Ngồi thưởng thức thành quả của chính gia đình mình làm ra, hai vợ chồng ông đều vui mừng phấn khởi. Song khó khăn chưa phải đã hết, bởi sản phẩm làm ra vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến ngoài người thân, bạn bè và những người biết tới giá trị của của nó. Bà Trâm tâm sự: gặp đúng khách họ chỉ quan tâm về chất lượng thì giá cả không phải là vấn đề. Họ nhận được sản phẩm đúng tiêu chuẩn mình nhận giá trị công sức lao động xứng đáng. Có những lúc tôi mang chè ra chợ bán, giá chè họ trả tôi chỉ cao hơn giá chè thông thường vẫn dùng hóa chất chẳng được là bao, họ chỉ so sánh về mẫu mã chứ không biết chất lượng, thật đáng buồn. Nhiều khi thuê người làm công gia đình lỗ vốn vẫn chấp nhận, vẫn tin rằng còn nhiều người vẫn đi tìm sản phẩm sạch để tiêu dùng.

Những người hái chè cần mẫn hái từng búp chè non

Trò chuyện với những người được thuê hái chè cho gia đình, các chị cho biết họ đến từ huyện Đại Từ - xứ chè của Thái Nguyên. Họ không ngần ngại chia sẻ: Nếu ở bên Đại Từ thì với chè thông thường (không hữu cơ) búp tươi mơn mởn một ngày công có thể hái được gần 4 chục ký chè tươi, còn ở đây chắc không nổi 2 chục ký. Nếu tính giá trị ngày công chắc không “vào”, thế nhưng các chị vẫn nhận làm cho gia đình ông Bẩy. Có lẽ họ đã rất biết chia sẻ với gia đình, với những mô hình làm chè hữu cơ những năm đầu còn nhiều gian khó.

Sản phẩm chè hữu cơ Tâm An của HTX dịch vụ sản xuất và chế biến chè Tâm An

Khó khăn là vậy, nhưng vợ chồng ông Bẩy vẫn lạc quan tin tưởng rồi đây sản phẩm chè của họ - chè hữu cơ Tâm An sẽ khẳng định được giá trị của nó và có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hỏi ông có đề đạt gì với huyện, tỉnh về chính sách hỗ trợ không thì ông chỉ mong được hỗ trợ 2 điều mà gia đình ông không thể tự giải quyết, khắc phục được, đó là: Hỗ trợ việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ (lần đầu đã từ năm 2020); và thứ hai là huyện, tỉnh quan tâm giúp gia đình, HTX tiêu thụ sản phẩm làm ra hằng tháng, được như vậy thì gia đình và HTX sẽ có thêm động lực và yên tâm phát triển sản xuất. Còn những thứ khác thì gia đình, HTX sẽ tự khắc phục, vượt qua được.

Nhân duyên với đạo Phật. Thấm nhuần giáo pháp từ bi của của nhà Phật, hai vợ chồng ông luôn hướng tới điều nhân văn của cuộc sống, góp cho đời việc gì đó bằng những việc làm thiết thực, an toàn cho gia đình, môi trường và sức khỏe cộng đồng, dẫu chưa giàu có nhưng tâm luôn thoải mái. Người làm nông nghiệp hữu cơ vẫn gọi đó là những người tử tế và việc làm tử tế. Mong rằng những sản phẩm hữu cơ sẽ ngày càng được lan tỏa, nhân rộng trên toàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, kịp nắm bắt xu hướng của thế giới về an toàn thực phẩm, môi trường, con người và hệ sinh thái.

Nguồn: nongnghiephuucovn.vn/

Tin cùng chuyên mục