,

Tin hoạt động

Tuyên Quang: Kết quả mô hình “Liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng tới xây dựng thương hiệu”

Nhằm giúp người chăn nuôi tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình "Liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng tới xây dựng thương hiệu”.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại gia định chị Nguyễn Thị Hiên

Mô hình được triển khai từ tháng 9/2023 trên địa bàn xã Kháng Nhật, Hợp Thành, huyện Sơn Dương, quy mô 6.000 con, 12 hộ tham gia, mỗi hộ nuôi 500 con với giống gà mía lai. Để đạt mục tiêu của mô hình đề ra, ngay từ những ngày đầu tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi đã được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời còn được hỗ trợ 70 % kinh phí mua con giống, thức ăn, vắc-xin phòng bệnh và hóa chất khử trùng. Bên cạnh đó, tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, đệm lót sinh học, diện tích chuồng trại, các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi… đều phải tuân thủ theo hướng dẫn và được các cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ.

Kết quả sau hơn 3 tháng nuôi, đàn gà của 12 hộ tham gia mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt với tỷ lệ nuôi sống đạt từ 95 % trở lên, trọng lượng xuất chuồng đạt từ 1,8 - 2 kg/con. Chị Nguyễn Thị Hiên, thôn Trầm, xã Hợp Thành là hộ tham gia mô hình chia sẻ, ngay từ khi triển khai mô hình, các hộ đã liên kết với nhau thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi, theo đó các thành viên trong tổ cùng nhau trao đổi thông tin về kỹ thuật chăm sóc và công tác phòng bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gà. Bên cạnh đó, đàn gà được nuôi cách ly với môi trường xung quanh, thường xuyên vệ sinh, phun thuốc khử trùng máng ăn, máng uống và xung quanh chuồng nuôi để đảm bảo luôn sạch sẽ khô thoáng, kết hợp phương thức nuôi bán chăn thả, giữa nuôi nhốt và thả vườn giúp đàn gà luôn khỏe mạnh và mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon.

Về liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông đã giới thiệu các hộ tham gia mô hình ký hợp đồng liên kết bao tiêu gà Mía thương phẩm với một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo giá thảo thuận để cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học …trên địa bàn và các địa phương lân cận. Nhờ việc liên kết và thành lập tổ hợp tác, gần như toàn bộ đàn gà của 12 hộ đã có người đứng ra làm đầu mối, kết nối với thương lái nên giá cả ổn định điều này đã giúp các hộ rất phấn khởi và tự tin để tiếp tục chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, đàn gia cầm trên địa bàn xã duy trì khoảng trên 45.000 con, trong đó gần 44.000 con gà, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Tuy nhiên, trong chăn nuôi gia cầm vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Chưa chú trọng chăn nuôi các giống gà có chất lượng sản phẩm thịt cao, thị trường không ổn định, công tác phòng bệnh cho gà bằng vắc xin chưa thường xuyên, chất thải ở các cơ sở, hộ chăn nuôi chưa được xử lý đúng cách và triệt để gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và môi trường sản xuất nông nghiệp; tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện mô hình đã tạo điều kiện cho hộ nông dân tiếp cận các dịch vụ chủ động ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm; ứng dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật, nâng cao nhận thức để tạo tiền đề phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt gà tại địa phương./.

Trung tâm Khuyến nông

Tin cùng chuyên mục