,

Tin hoạt động

Tọa đàm: Giải pháp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Ngày 5/10/2023, Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang) tổ chức Tọa đàm: “Giải pháp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt hữu cơ trên địa bàn tỉnh”.

Đại biểu tham dự tọa đàm

Dự tọa đàm có TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT, lãnh đạo UBND các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn; đại diện một số Hội, HTX, Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt hữu cơ; lãnh đạo một số xã và gẩn 100 hộ nông dân tiêu biểu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Chủ tọa và Ban cố vấn trong phiên thảo luận

Bước đầu hình thành liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nguyễn Công Hàm cho biết, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng cam trên 7.400 ha, vùng chè gần 8.300 ha, vùng bưởi 5.200 ha, có trên 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Diện tích các cây trồng (chè, cam, bưởi, lúa, rau, lạc, táo, ổi...) được sản xuất theo tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh trên 3.200 ha (tăng 1.500 ha so với năm 2021). Có 160,9 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ; 2.119 ha tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; 923 ha chè tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững. Tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả; đã hình thành liên kết trong sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; việc đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa được đẩy mạnh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; thương hiệu, sức cạnh tranh nông sản tỉnh Tuyên Quang tiếp tục được nâng cao.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Anh Tuấn cho biết: Trong giai đoạn 2020 - 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với 5 công ty, doanh nghiệp, HTX liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Kết quả thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm NNHC với các DN, HTX đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thay đổi nhận thức của người sản xuất chuyển đổi từ SX nông nghiệp thông thường (sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học) sang sản xuất hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, tăng thu nhập cho người nông dân…

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Hội NNHC tỉnh Hà Lê Bình khẳng định sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ đang là một xu thế, trào lưu mới bởi lợi ích của sản xuất hữu cơ đảm bảo các lợi ích căn cốt như: tạo ra các sản phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững… Trong những năm qua, sản xuất NNHC của tỉnh đã có bước khởi đầu khá ấn tượng về phát triển diện tích sản xuất, trồng trọt nông sản hữu cơ. Hôi NNHC tỉnh xác định việc tuyên truyền, vận động người đan tham gia phát triển, mở rộng sản xuất NNHC là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Cũng theo ông Nguyễn Công Hàm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) hay trồng trọt hữu cơ (TTHC) cũng có những khó khăn, thách thức là: Sản xuất hữu cơ nói chung năng suất không cao hơn so với sản xuất thông thường (nhưng năng suất này sẽ tăng dần qua các năm sau); quy trình sản xuất hữu cơ yêu cầu khắt khe, khó áp dụng; giá thành của sản phẩm hữu cơ cao hơn nhiều so với các sản phẩm tiêu chuẩn khác, do vậy việc tiếp cận của người tiêu dùng phổ thông còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Nhiều ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận cũng thẳng thắn nêu lên những khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra, nhất là đối với các nông hộ, HTX, Tổ hợp tác trong quá trình tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

Cũng theo ông Hà Lê Bình, sản xuất NNHC của tỉnh còn mang tính chất nhỏ lẻ, quy mô hàng hóa còn ít, chưa đa dạng, những mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả chưa nhiều, mới tập trung ở một số sản phẩm chính như cam, bưởi, chè... Số doanh nghiệp HTX, các nhà đầu tư tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn ít; việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm có khó khăn nhất định do quy mô sản xuất NNHC còn nhỏ.

Ông Tạ Hữu Quang, Chủ nhiệm HTX bưởi hữu cơ Phúc Ninh (huyện Yên Sơn) thẳng thắn chia sẻ tình trạng suy giảm số hộ tham gia sản xuất bưởi hữu cơ của HTX do những khó khăn trong quá trình sản xuất cũng như hiệu quả trong sản xuất hữu cơ những năm đầu chưa cao; việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn nhất định. Ông cũng phàn nàn tình trạng nhiều ngành, cơ quan tổ chức hội nghị hàng năm nhưng cũng chưa thấy quan tâm tìm hiểu, đặt hàng, sử dụng các sản phẩm hữu cơ mà vẫn dùng sản phẩm thông thường thì cũng làm hạn chế cơ hội để sản phẩm hữu cơ đến được thị trường, đến với người tiêu dùng.

Ông Hoàng Biên, trưởng nhóm sản xuất cam hữu cơ Đồng Ca (Hàm Yên) chia sẻ: Làm cam hữu cơ rất vất vả, nhất là vấn đề thời thiết, thời vụ và đầu ra, bán ở đâu, bán thế nào? Huyện và tỉnh cũng đã kết nối giúp chúng tôi, nhưng tới đây cần làm nhiều hơn, hỗ trợ người sản xuất chúng tôi tốt hơn nữa.

Anh Nguyễn Đình Tâm, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX Tâm Hương chia sẻ: HTX chúng tôi cũng đang sản xuất các sản phẩm OCOP, hữu cơ, hữu cơ chuyển đổi, vừa là người sản xuất, vừa là người phân phối. Nguyên nhân của những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì chính người sản xuất phải rất chủ động tìm cách, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình; mặt khác, cần chú ý vấn đề mẫu mã sản phẩm, phải quan tâm làm truyền thông quảng bá cho sản phẩm của mình nhưng vấn đề hàng đầu là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm. Anh cũng chia sẻ là sẵn sàng đồng hành với những hộ, đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ nhưng phải xác định được chất lượng sản phẩm hàng hóa, có kế hoạch sản xuất phù hợp (với nhà phân phối trong tiêu thụ sản phẩm).

Vấn đề hiệu quả của các chính sách hỗ trợ người sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ theo Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND tỉnh cũng được một số đại biểu phản ánh khá thẳng thắn.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh có nhiều nhóm chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển NNHC, theo đó, mỗi chủ thể sản xuất có thể được hưởng chính sách hỗ trợ đến 700 triệu đồng; tuy vậy, đến nay mới có 02 chủ thể được hưởng chính sách này. Vấn đề khó nhất là quy mô sản xuất phải đảm bảo quy định về diện tích đất sản xuất, dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Tuyên cũng khẳng định, nếu tới đây các chủ thể có nhu cầu làm dự án sản xuất NNHC mà đủ điều kiện thì chúng tôi (Chi cục TT - BVTV) sẽ tích cực hỗ trợ trong việc lập dự án.

Cần nhiều giải pháp đột phá, thúc đẩy sản xuất, liên kết

Theo ông Nguyễn Công Hàm, để tiếp tục thúc đẩy sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng như: Giải pháp về quy hoạch, bố trí đất đai; phát triển sản xuất các sản phẩm hữu cơ; Giải pháp về tổ chức sản xuất; Giải pháp cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực; Nhóm giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; Giải pháp về huy động vốn đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về sản xuất trồng trọt hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích hình thành các tổ nhóm, HTX sản xuất, trồng trọt hữu cơ. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ, liên kết với các tổ nhóm, HTX, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ…

Chia sẻ với các ý kiến của người sản xuất, ông Hà Phúc Mịch, chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam cho rằng người sản xuất cần phải năng động, tìm cho mình một doanh nghiệp phù hợp để cùng đồng hành. Ông cũng khẳng định: Về phần mình, cơ quan Hiệp hội NNHC Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ để người sản xuất kết nối với doanh nghiệp, với thị trường. Ông cũng cho biết, yếu tố quan trọng trong sản xuất NNHC là vật tư đầu vào; ông cũng cho rằng vật tư đầu vào là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; theo đó, tới đây Bộ Nông nghiệp và PTNT cần công bố nhà máy nào, doanh nghiệp nào đủ điều kiện cung ứng sản phẩm phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất NNHC để bà con, người sản xuất yên tâm sử dụng.

Trong phần phát biểu kết thúc cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Công Hàm đề nghị các cơ quan chức năng của Sở NN-PTNT tỉnh tiếp thu các ý kiến, đề đạt của đại biểu, nhất là người sản xuất để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay để tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn nữa cho người sản xuất; các Phòng Nông nghiệp- PTNT, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện cần quan tâm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, cả những nguyện vọng, đề đạt của cơ sở, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản hàng hóa nói chung, nhất là nông sản hữu cơ. Ông cũng mong muốn Hiệp hội NNHC Việt nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho địa phương trong thời gian tới để sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh không ngừng phát triển vững chắc.

Trước đó, sáng cùng ngày, đại biểu đã đi thăm quan mô hình dự án sản xuất bưởi hữu cơ theo tiêu chuẩn VN 11041 của Công ty CP chè Sông Lô với diện tích hơn 9ha tại thôn Hòa Mục, xã Thái Long, TP. Tuyên Quang.

Một số hình ảnh cuộc tọa đàm:

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nguyễn Công Hàm phát biểu chào mừng

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Trần hải Tuyên báo cáo đề dẫn

TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam phát biểu

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Anh Tuấn

Đại biểu thăm quan mô hình Dự án sản xuất bưởi hữu cơ của Cty CP Chè Sông Lô

 

Nguồn: Tạp chí điện tử nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục