Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học trong phòng trừ dịch hại, dẫn đến tiêu diệt nhiều loài thiên địch có lợi cho cây trồng và làm ảnh hưởng tới mắt xích quan trọng là thiên địch trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái, sâu và bệnh ngày càng trở nên khó kiểm soát...Chất lượng sản phẩm giảm, dẫn đến giảm giá trị nông sản; sông, hồ bị ô nhiễm bởi chất hóa học và màu bị rửa trôi khỏi đất.
Hình thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được ông cha ta thực hiện từ nhiều đời nay, người nông dân đã có tập quán sử dụng phân hữu cơ như: Phân chuồng, phân xanh và phế phụ phẩm từ cây trồng để sản xuất. Ngày nay, nông nghiệp hữu cơ liên tục được phát triển bởi các tổ chức nông nghiệp hữu cơ và các nước khác nhau như: IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ), Nhật Bản, Mỹ, Brazil, New Zealand…Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất. Sản xuất hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm: Hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm biến đổi gen và phân bắc.
Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất trồng trọt hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác. Canh tác trồng trọt hữu cơ sẽ mang lại những lợi ích: Duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất; Ít gây ô nhiễm nguồn nước (nước ngầm, sông, hồ), bảo vệ động vật hoang dã (chim chóc, ếch nhái, côn trùng v.v...), đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, chất lượng sản phẩm tốt hơn (hương vị, đặc tính tích lũy). Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp. Để tìm hiểu về mô hình sản xuất hữu cơ có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất cam hữu cơ của Liên nhóm sản xuất cam hữu cơ Hàm Yên. Liên nhóm gồm có 4 tổ hợp tác với 16 thành viên tham gia, liên nhóm được thành lập từ năm 2018, diện tích cam sành được chứng nhận hữu cơ theo PGS (chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ theo các quy định của sản xuất hữu cơ) là 18,35 ha.
Một số hình ảnh tại vườn cam của liên nhóm PGS Hàm Yên được Chủ tịch
Hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch thăm và làm việc tại Tuyên Quang
Anh Hoàng Đức Hùng-Thành viên nhóm cho biết: Năm đầu tiên khi chuyển sang sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS cây cam năm bị sụt giảm sản lượng đi một nửa so với sản xuất thông thường khi sử dụng phân bón, thuốc BVTV hoá học. Bước sang năm thứ 2, cây bắt đầu quen dần và được bổ sung đầy đủ phân bón hữu cơ ủ từ: Chuối, cá, đậu tương kết hợp với chế phẩm EM (vi sinh vật hữu hiệu), IMO (vi sinh vật bản địa) ủ phân tưới cho cây. Sử dụng gừng, sả, ớt để làm thuốc BVTV, hoặc dùng vòi xịt áp lực cao để rửa trôi nhện hại cam, không cần phải phun thuốc…Quả cam sành vỏ, dầy chắc quả, bản lá cam có màu xanh đậm dầy hơn trước. Cam ăn có vị ngọt đậm, thơm có thể bảo quản tới 1-2 tháng không bị thối hỏng.
Từ khi tham gia mô hình sản xuất cam hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS anh Hùng và các hộ trong Tổ hợp tác cảm nhận rõ rệt hệ sinh thái vườn cam thay đổi theo từng mùa vụ, cỏ dại trong vườn cam được quản lý, nuôi cỏ, giữ cỏ trên vườn, duy trì độ ẩm đất, là trú ẩn cho các loài thiên địch và các vi sinh vật đất sinh sống. Xung quanh đồi cam trồng hoa dã quỳ, ong bướm bay đến hút mật, thu hút thiên địch, xua đuổi sâu hại, môi trường thực sự trong lành, sức khoẻ người trồng cam được đảm bảo. Hết vụ cây dã quỳ được ủ làm phân bón hữu cơ cho cây rất tốt cho cây trồng. Anh Hùng cho biết thêm vụ cam năm 2020, Hợp tác xã bán ra sản phẩm với giá 25.000-30.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần cam sản xuất theo phương pháp truyền thống, vụ cam 2021 từ đầu tháng 11 đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị thu mua đến thăm vườn, đặt hàng.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức như: Diện tích được chứng nhận hữu cơ còn ít, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay còn nhỏ lẻ. Tài liệu về đào tạo sản xuất hữu cơ còn hạn chế chưa phổ biến. Trình độ sản xuất và khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế, việc kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn; việc truyền thông, thông tin về lợi ích cũng như vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa mạnh mẽ, người sản xuất cũng như người tiêu dùng chưa biết nhiều đến những lợi ích của sản phẩm hữu cơ mang lại, nên nhu cầu về sản phẩm hữu cơ chưa cao, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hữu cơ chưa ổn định. Hiện nay, nông dân đang quen việc canh tác truyền thống sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học, đất trồng khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, cần thời gian để chuyển đổi ít nhất là 3 năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
thăm và kiểm tra mô hình sản xuất bưởi hữu cơ chuyển đổi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu ban hành: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang), Quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (Quyết định 1017/QĐ-UBND, ngày 27/7/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang) và Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì thực hiện Dự án “Điều tra đánh giá thực trạng sản xuất trồng trọt hữu cơ và nghiên cứu, đề xuất xác định các vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'' đã xác định sản xuất hữu cơ giai đoạn 2021- 2025 là trên 1200 ha, giai đoạn 2025-2030 là trên 2.000 ha.
Bên cạnh đó, Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định phát triển trồng trọt bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản; phấn đấu đưa tổng diện tích đất trồng trọt hữu cơ trên 1% tổng diện tích đất cây trồng chính (1,5% diện tích các cây trồng chủ lực). Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Tuyên Quang phát triển bền vững trong xu thế sản xuất hữu cơ chung toàn cầu, hội nhập quốc tế mang lại hiệu quả cao và bền vững cho người sản xuất.