,

Trong ngành

Xây dựng OCOP từ việc chính người lãnh đạo mang sản phẩm đi bán

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khi nào người lãnh đạo địa phương mang sản phẩm của mình ra chợ bán thì lúc đó sẽ có sản phẩm OCOP bền vững có thể phát triển thật sự.

Làm sao để bán 1 sản phẩm được 10 đồng

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) sau hơn 4 năm triển khai, tính đến ngày 31/8, đã có 63/63 tỉnh/thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước có 8.478 sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao.

Hiện có có hơn 4.351 chủ thể sở hữu OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Tại hội nghị “Triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” sáng 9/9, Bộ Trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắc lại câu chuyện "nhất thôn nhất phẩm" của Nhật Bản và cho rằng, khi nào người lãnh đạo trực tiếp mang sản phẩm của mình ra chợ bán thì lúc đó sẽ có sản phẩm OCOP bền vững phát triển thật sự.

Trong khi đó theo ông Hoan, tại nhiều địa phương, lãnh đạo tỉnh hay Giám đốc Sở NN&PTNT cũng không hề nắm thông tin sản phẩm OCOP của tỉnh mình như thế nào.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Thảo.

Cũng dẫn từ câu chuyện của người Nhật khi trồng rau sạch trước đây được coi là một cuộc cách mạng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng công cuộc phát triển sản phẩm OCOP tại Việt Nam hiện nay cũng cần được coi là "một cuộc cách mạng" trong nông nghiệp.

“Cần tạo thêm không gian phát triển kinh tế, hòa quyện chung cho giai đoạn sắp tới để phát triển kinh tế nông thôn. Chúng ta phải làm sao cuối nhiệm kỳ không chỉ thông báo có bao nhiêu huyện, xã đạt nông thôn mới, mà chúng ta còn tự hào có bao nhiêu di sản nông thôn có thể tự tin giới thiệu với thế giới”, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.

Ảnh: Phương Thảo

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu về một mẫu sản phẩm OCOP

“Tại sao bà con sản xuất nhiều sản phẩm mà chưa vượt trội được. Bà con thường nghĩ tạo ra một sản phẩm để bán được 1 đồng, 10 sản phẩm được 10 đồng, nhưng đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ tạo ra 1 sản phẩm tích hợp để bán được 10 đồng. Điều này đặt ra yêu cầu cần liên kết các doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất tạo thành một cộng đồng cùng tạo ra lợi ích và cùng chia sẻ lợi ích. Đó chính là ý nghĩa của OCOP”.

Nói thêm về sự cần thiết của xây dựng Chương trình OCOP, Bộ trưởng Hoan cho rằng, đây là thời đại có quá nhiều sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, sự cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh trở nên căng thẳng hơn, gặp nhiều tranh chấp hơn. Lối thoát cho thế khó này chính là đưa ra một câu chuyện đầy cảm xúc để bán hàng.

Đề xuất hệ sinh thái riêng để OCOP kể câu chuyện của mình

OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

Với những mục tiêu đó, đưa ra đóng góp để Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 phát triển hơn nữa, ông Linh Cường, đại diện doanh nghiệp OCOP về cà phê ở Hà Nội cho biết, Chương trình OCOP là một bức tranh đa dạng, đa sắc màu nhưng vẫn còn phân rã, lẻ tẻ, cần sự sắp xếp lại, phân màu, phân mảng nhất định.

“OCOP chưa có hệ sinh thái dành riêng, tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP ngồi lại với nhau tự tìm ra màu, mảng riêng cho mình để liên kết cùng phát triển. Hiện nay, cả nước cũng chưa có trung tâm nào đủ rộng đủ tầm để trưng bày tất cả sản phẩm OCOP, để hình thành không gian cho OCOP tự kể câu chuyện của mình”.

Ông Linh Cường, đại diện doanh nghiệp OCOP về cà phê ở Hà Nội

Ông Cường cũng đặt ra câu hỏi về việc tại sao lại đồng bộ hóa OCOP đưa vào các chợ dân sinh, các kệ hàng siêu thị trong khi đó OCOP rất đặc trưng đặc biệt.

“Khi hỏi các chủ thể sản xuất OCOP họ đều trả lời là sản phẩm của họ không biết bán ở đâu nên đành đưa vào các khu vực bán hàng thông thường. Khi vào các siêu thị, các kệ hàng tôi đi thấy các sản phẩm OCOP gần như bị bão hòa, không có tiếng nói. Đây là trách nhiệm của các chủ thể của các OCOP cần xem lại”, ông Cường bày tỏ trăn trở.

Đồng quan điểm với ông Cường, Đại diện UBND tỉnh Sơn La cũng cho biết, tỉnh có 123 sản phẩm OCOP với sức lan tỏa phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Chương trình OCOP vẫn có những khó khăn nhất định.

Quy mô sản phẩm OCOP của Sơn La còn lẻ tẻ, nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm OCOP còn hạn chế bởi nội lực của các hợp tác xã không lớn và hỗ trợ của địa phương chưa tương xứng.

“Các sản phẩm OCOP cần được quảng bá giới thiệu đồng bộ trên truyền hình quốc gia với các kênh chuyên đề. Do đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng các Bộ/ngành trình đầu tư nhiều hơn nữa cho xây dựng, phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP, hướng đến mỗi địa phương 1 sản phẩm đặc trưng tiêu biểu”, đại diện tỉnh Sơn La kiến nghị.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao chứng nhận OCOP 5 sao cho 20 sản phẩm. Ảnh: Phương Thảo.

Tác động của Chương trình OCOP đến phát triển kinh tế nông thôn:

(1) Góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

(2) Thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

(3) Chương trình đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc, như: Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Báo cáo “Kế hoạch trọng tâm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025” của Bộ NN&PTNT.

Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam

Tin cùng chuyên mục