,

Trong ngành

Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản

Ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các các chế phẩm sinh học giúp nông dân nâng cao chất lượng sản xuất, giảm chi phí, giảm được phát thải, chăn nuôi an toàn sinh thái là một trong những hướng ngành nông nghiệp hiện đại đang hướng tới. Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi-nuôi trồng thủy sản” giai đoạn 2022-2025 sẽ được triển khai rộng khắp tỉnh, thành.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm là thành quả của ứng dụng khoa học công nghệ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Học viện Nông nghiệp Việt Nam được coi là cái nôi nghiên cứu ra các sản phẩm khoa học công nghệ, ứng dụng sâu rộng trong phát triển nông nghiệp Việt Nam. Thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vượt trội được đưa vào sản xuất giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản phẩm, giảm giá thành, chi phí vật nuôi, cải thiện môi trường hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái. Có thể kể đến điển hình Bộ sản phẩm ứng dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây là các kết quả nghiên cứu đã được công nhận và thử nghiệm cho hiệu quả vượt trội. Trong đó chế phẩm Vnua-Mios V đã được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp phép lưu hành và chế phẩm Vnua-Aqua đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ về bộ sản phẩm này, PGS,TS, Nguyễn Thị Minh, chủ nhiệm Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân chăn nuôi-nuôi trồng thủy sản” (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Bộ sản phẩm ứng dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là chế phẩm được sáng chế cho cả chu trình chăn nuôi-nuôi trồng thủy sản khép kín nhằm nâng cao hệ số tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi. Từ đó, giảm được lượng thức ăn tiêu thụ mà vật nuôi vẫn khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh. Đồng thời giảm được phát thải, giảm được khoảng 20% lượng thức ăn sử dụng; thay thế được hoàn toàn cho hóa chất và chất kháng sinh thường dùng”.

Theo tính toán của PGS,TS, Nguyễn Thị Minh, tính trung bình chi phí đầu vào sẽ giảm được 200-300 nghìn đồng/đầu lợn, 20 nghìn đồng/con gà. Mặt khác, còn giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, giảm được tới hơn 90% mùi hôi chuồng trại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi, nên dễ có sự đồng thuận của người dân quanh khu vực chăn nuôi.

Không những thế, chất lượng thịt, trứng, sữa cũng tăng lên, tiến tới đạt tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu do không còn tồn dư kháng sinh phòng bệnh. Đồng thời chất thải chăn nuôi được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vì thế làm gia tăng chuỗi giá trị cho người chăn nuôi mà vẫn bảo vệ được môi trường. Chương trình ứng dụng công nghệ này nếu được thực hiện đúng theo chu trình chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản khép kín sẽ là sự hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại các địa phương.

PGS,TS Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thiết lập Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi-nuôi trồng thủy sản” giai đoạn 2022-2025 và sẽ liên kết với các địa phương, lần lượt thực hiện tại các tỉnh/thành phố trên cả nước.

Tại đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò hỗ trợ tư vấn xây dựng chu trình chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản bảo đảm an toàn sinh học và hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho bà con. Qua đó, góp phần nhân rộng ra các địa phương, từng bước nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, để người tiêu dùng được sử dụng các nông sản an toàn có chất lượng cao và bảo đảm sức khỏe.

Hiện nay, chương trình đã và đang thực hiện ở Hòa Bình, Bến Tre. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022 sẽ triển khai tiếp các tỉnh như: Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình.

PGS,TS, Nguyễn Thị Minh, chủ nhiệm Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân chăn nuôi-nuôi trồng thuỷ sản” (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) giới thiệu với Thủ tướng về những chế phẩm sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Còn nhiều khó khăn đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn

Giá trị mà công nghệ khoa học mang lại cao nhưng việc đưa vào thực tiễn sản xuất vẫn còn gặp không ít khó khăn. Về vấn đề này, ông Lê Việt Dũng, phụ trách chuyển giao công nghệ của Jamitech-Vnua (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, trong quá trình chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ tới người dân vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Nhiều người còn có thói quen sử dụng chế phẩm, hoá chất, hay các sản phẩm kháng sinh tự phát, kinh nghiệm truyền từ người chăn nuôi với nhau nên hiệu quả không cao, xử lý chất thải không triệt để…

“Để khắc phục những khó khăn đó, đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi sẽ hỗ trợ chi tiết cách sử dụng từng sản phẩm tới tận chuồng trại phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của vật nuôi nhằm mục đích để các sản phẩm nghiên cứu đưa vào thực tế được phát huy tác dụng tốt hơn. Sau khi tiếp cận thông tin từ nhu cầu của nông dân, chúng tôi sẽ chuyển tới các nhà khoa học để từ đó đưa ra các giải pháp hữu ích, sát với nhu cầu của bà con”, ông Lê Việt Dũng chia sẻ.

Để triển khai tốt Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi-nuôi trồng thủy sản” giai đoạn 2022-2025, các chuyên gia mong muốn có thêm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off) để các sản phẩm khoa học công nghệ ngày càng hoàn thiện và ưu việt hơn.

Cùng với đó, là chính sách khuyến khích các địa phương sẵn sàng phối hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hay hỗ trợ lựa chọn các đơn vị thực hiện các mô hình thí điểm ban đầu để người nông dân dễ dàng tiếp cận, nhận thấy rõ hiệu quả ứng dụng và sẽ tự tìm đến với các sản phẩm khoa học công nghệ, cũng như nhanh chóng nhân rộng các phương thức phát triển nông nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Tại sự kiện "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA – 2022" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao đề xuất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về Spin-off. Thủ tướng cũng đề nghị sớm thực hiện thí điểm mô hình này tại Học viện, như cho phép cán bộ viên chức được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, cho phép các Spin-off hợp tác sử dụng các tài sản chưa khai thác hết công suất để tăng nguồn thu cho cơ sở giáo dục; cho phép sử dụng các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ để góp vốn vào các Spin-off…

Đây là mô hình gắn kết giữa nhà trường với xã hội. Nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới đang áp dụng thành công như Hà Lan, Hoa Kỳ, Australia… Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp Spin-off là nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, để khoa học công nghệ nhanh chóng trở thành sức mạnh vật chất, tạo thành của cải và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

 

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục