,

Trong ngành

Tư lệnh ngành Nông nghiệp: Muốn thành công, các bạn trẻ cần không ngừng tự học

Chiều 2/8, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã đối thoại với hơn 200 đoàn viên, thanh niên của Bộ và một số trường đại học thuộc Bộ. Đây là lần đầu tiên tư lệnh ngành Nông nghiệp trực tiếp đối thoại với thanh niên.

Tại buổi đối thoại, nhiều thanh niên, đội ngũ cán bộ trẻ ngành Nông nghiệp đã đặt ra câu hỏi, nêu nhiều vấn đề tới lãnh đạo Bộ.

Giải đáp các câu hỏi và vấn đề mà đoàn viên thanh niên nêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các bạn trẻ cần không ngừng tự học để thành công. Đặc biệt, “Muốn đào giếng sâu thì cái miệng phải rộng”, tức là mỗi người cần tích hợp nhiều kiến thức khác nhau thì mới tạo ra ý tưởng sáng tạo, khai thác đa giá trị trong mỗi sản phẩm, mỗi hoạt động.

Tăng cường nguồn nhân lực trẻ

Liên quan tới giải pháp, chính sách luân chuyển cán bộ Đoàn, nhất là đoàn viên về địa phương để rèn luyện, nâng cao kinh nghiệm thực tiễn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chúng ta không nên quá câu nệ quy chế của Đảng điều động, luân chuyển, mà trong ngắn hạn chúng ta bàn với địa phương để cho cán bộ Đoàn trưởng thành hơn trong môi trường thực tế, hiểu hơn về môi trường nông dân, nông thôn, tham gia các chương trình ngắn hạn. Đồng chí Hịệp (Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp-PV) suy nghĩ thêm, việc làm này vừa có lợi cho cả Bộ và địa phương.

Buổi đối thoại thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Từ trải nghiệm thực tế, chúng ta sẽ bước ra khỏi tư duy trường lớp, tư duy kinh nghiệm; từ thực tiễn đồng ruộng với người nông dân để hình thành tình yêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đam mê, say mê nghề nghệp của mình, thôi thúc hành động mạnh mẽ hơn khi trở về công tác quản lý. Đó là chương trình 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng… để thanh niên hòa nhập vào cuộc sống, trưởng thành hơn và soi rọi kiến thức của mình học tập từ trường lớp vào điều kiện thực tiễn. Từ đó, biết đâu chúng ta phát hiện ra các vấn đề nằm trong cuộc sống, và chính chúng ta là những người giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Hành trình mỗi người thành công là giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống, chúng ta không thể tưởng tượng được cuộc sống cần gì, nên chúng ta hiểu cuộc sống thì sẽ thấy cuộc đời mới mẻ hơn. Chúng ta sẽ có chương trình đa dạng, phong phú, nhiều cấp độ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách “Đường Cách Mệnh”: “Thế giới thay đổi không ngừng, ai không học là lùi”. Câu chuyện này Bác viết năm 1947, khi ấy, sự thay đổi của thế giới không diễn ra nhanh như bây giờ. Ngày nay, rất nhiều cái mới ra đời chưa kịp định hình đã bị cái mới khác thay thế rồi. Thành ra, mọi kiến thức mà chúng ta vừa học đã là ngày hôm qua rồi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyên các bạn trẻ không ngừng tự học để thành công. Đặc biệt, muốn đào giếng sâu thì cái miệng phải rộng, tức là mỗi người cần tích hợp nhiều kiến thức khác nhau thì mới tạo ra các ý tưởng sáng tạo, khai thác đa giá trị trong mỗi sản phẩm, mỗi hoạt động.

Theo Bộ trưởng, cán bộ phải có kiến thức, trải nghiệm thực tế. Chúng ta phải bước ra khỏi tư duy trường lớp, tư duy kinh nghiệm, từ thực tiễn đồng ruộng với nông dân để hình thành tình yêu nông nghiệp, nông thôn, say mê hơn khi trở về làm công tác quản lý.

Xây dựng thương hiệu bản thân

Chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng lực bản thân, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta muốn làm gì thì cũng phải xây dựng bản kế hoạch. Chúng ta hãy đi rồi nó sẽ đến, chúng ta đi bằng sự thôi thúc trong tâm khảm của mình rồi sẽ có người xung quanh giúp cho chúng ta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong các bạn trẻ không ngừng tự học để thành công.

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Bởi, đó là hành trình chúng ta cùng đi, thu hút những người khác đồng điệu với mình. Thương hiệu cá nhân không thể thoát ly thương hiệu tập thể. Tất nhiên, cũng có những ngoại lệ, những người đơn thương độc mã vẫn có thể trở thành anh hùng. Nhưng số đông những người đi đầu là đại diện cho một nhóm người từ sự thôi thúc của tập thể cùng nung nấu ý chí và sẻ chia, Bộ trưởng tâm sự.

Gần đây có cuốn sách mang tên “Lãnh đạo không chức danh”, tác giả cuốn sách lập luận rằng, ai dẫn dắt người khác được thì người đó là lãnh đạo. Có chức danh, có cái bàn làm việc, có quyết định bổ nhiệm, có thẩm quyền, có mức lương thì đó chỉ là người quản lý. Còn lãnh đạo không có cái đó, đơn giản là họ tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng.

Nếu chúng ta tin rằng, chúng ta thuyết phục được người khác đi trên hành trình cùng chúng ta, thì bản thân chúng ta đã là người thành công rồi. Tiếng Anh có hai chữ mà rất nhiều người đều biết là “go” (đi) và “Let’s go!” (hãy đi cùng nhau). Nhà quản lý thường gắn với từ “Go”, còn nhà lãnh đạo gắn với từ “”Let’s go!”. Do vậy, lãnh đạo không có trường lớp nào dạy. Đừng bao giờ nghĩ mình là lãnh đạo thì mới là lãnh đạo. Lãnh đạo mà không lãnh đạo thì mới là lãnh đạo.

Nếu tôi là Bộ trưởng

Trả lời câu hỏi của thanh niên về diện tích đất canh tác ở một số địa phương ngày càng giảm, diện tích bỏ hoang ngày càng tăng, có nên bổ sung tiêu chí này vào trong tiêu chí xã đạt chuẩn NTM?

Bộ trưởng gợi ý, tại sao Đoàn thanh niên không làm chuyên đề: Nếu tôi là Bộ trưởng, các đồng chí cứ làm đi, tôi sẽ ngồi dự. Và biết đâu các đồng chí sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn. Đôi khi các bạn đừng nghĩ lãnh đạo là giải quyết được hết các vấn đề, làm lãnh đạo có những áp lực, vì áp lực mà không tạo ra được ý tưởng mới.

Biết đâu giá trị không tưởng đó mới là giá trị thực tế. Có những sáng kiến bắt đầu từ ý tưởng điên rồ nhất, nhưng đó là ý tưởng giá trị. Ý tưởng mới mà không ai phản đối thì có khi nó không phải là ý tưởng mới. Khi chúng ta hoán đổi vai cho nhau, chúng ta sẽ tự tin hơn.

Khi nói về chủ đề khởi nghiệp tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tôi mở đầu bằng hình ảnh Trần Quốc Toản bóp nát quả cam tại hội nghị Bình than vì tức khí khi không được tham dự. Đó là ý chí của tuổi trẻ muốn cống hiến cho đất nước. Bởi vậy, chúng ta cứ nghĩ mình là Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, giám đốc học viện, giám đốc công ty… để góp ý cho lãnh đạo Bộ, cho lĩnh vực của mình chứ không nên quanh quẩn nội dung sinh hoạt Đoàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Toàn thể cán bộ, công nhân viên của Bộ Nông nghiệp và PTNT có khoảng 27.000 người. Trong đó, công chức chỉ 2.000 người, vì số lượng công chức không được tăng lên, số lượng về hưu không nhiều nên việc tuyển mới công chức (cũng như viên chức) ngày càng ít. Từ đó dẫn đến câu chuyện thiếu cán bộ trẻ tiếp nối. Nếu chúng ta không có giải pháp thì sẽ bị hụt hẫng ở hai khía cạnh: không có thế hệ trẻ kế nhiệm và không có cách để đào tạo thế hệ trẻ đáp ứng yêu cầu công tác.

Báo Kinh tế nông thôn

Tin cùng chuyên mục