,

Trong ngành

Tư duy kinh tế chính là bán sự khác biệt

Theo ông Lê Minh Hoan, nếu tư duy làm nông nghiệp ở các nước phát triển là 'ít hơn để được nhiều hơn' thì tư duy chúng ta là 'nhiều hơn để được nhiều hơn'.

Chiếc hộp đen "đựng" tư duy kinh tế nông nghiệp 

Ngày 8/9, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 18/1/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cắt nghĩa khái niệm về tư duy kinh tế nông nghiệp thông qua sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái). Ảnh: Minh Phúc.

Trước khi chia sẻ những định hướng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nâng một chiếc hộp sơn mài màu đen hình vuông và nói rằng: “Trong này lưu giữ rất nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có cả Nghị quyết 19 và Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Tuy nhiên, khi ông mở chiếc hộp ra thì chẳng hề có văn bản hay tài liệu gì, bên trong chỉ có 4 hũ được làm bằng thiếc đựng “tứ đại danh trà” gồm: bạch trà, diệp trà, hoàng trà và hồng trà (sản xuất từ chè shan tuyết cổ thụ trên đỉnh núi Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Kèm theo đó là cuốn sách giới thiệu về từng loại trà bằng cả tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt, mở đầu là bốn câu: “Chót vót trên cao đỉnh Suối Giàng/Một vùng rộng lớn giống chè Shan/Cây to tán rộng vươn trong gió/Cành lớn búp non nổi tiếng vang”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp đều nằm ở đây. Điều này rất đơn giản chứ không có gì phức tạp”.

Từ một cây chè cổ thụ mọc ở Suối Giàng có thể làm ra 4 loại trà quý khác nhau. Và, chủ thể của sản phẩm này không chỉ bán hàng (là những búp chè khô) mà bán cả một câu chuyện. Tư duy kinh tế chính là bán sự khác biệt.

Tư duy "nhiều hơn để được nhiều hơn"

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chia sẻ tin vui khi gạo ST25 thương hiệu AAN đã được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã có gạo chất lượng rất cao, đáp ứng được thị hiếu của các thị trường cao cấp nhất thế giới.

Một dòng sản phẩm gạo khác của Tập đoàn Lộc Trời cũng vừa được xuất khẩu sang thị trường châu Âu thông qua một hệ thống phân phối khá lớn.

Bộ NN-PTNT đang thảo một bức thư để động viên, cảm ơn những doanh nghiệp tiên phong đã chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy chất lượng. Đây chính là câu chuyện thương hiệu nông sản Việt, chúng ta tư duy lại ngành hàng lúa gạo với cảm hứng từ doanh nghiệp.

Gạo ST25 thương hiệu A AN chính thức bán tại Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản.

“Tôi gợi những câu chuyện trên để chúng ta có niềm tin rằng chúng ta làm được nếu có một cách tiếp cận khác. Trong Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đưa ra rất nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, giải pháp trọng tâm đầu tiên là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân và cư dân nông thôn”.

Chuỗi ngành hàng đầu tiên là giống, sau đó là quy trình canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, đóng gói bao bì, phân phối thị trường tới người tiêu dùng. Phải chăng nông dân chính là người đầu tiên gieo hạt giống xuống ruộng vườn; thả con giống vào chuồng trại, ao cá.

“Đầu xuôi thì đuôi lọt. Nếu người nông dân chuẩn hóa được quy trình canh tác thì mới có thể tạo ra được nông sản sạch từ trang trại đến bàn ăn. Bởi kinh tế nông nghiệp là một chuỗi các công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn sẽ tạo ra giá trị của sản phẩm. Nhiệm vụ của chúng ta là phải gắn kết các yếu tố chuỗi lại với nhau, đừng để nó đứt gãy. Khoa học công nghệ cũng phải chuyển hóa vào từng khâu từ giống, quy trình canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, đóng gói, bao bì… để nâng giá trị sản phẩm”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Hoan cho biết, nếu tư duy làm nông nghiệp ở các nước phát triển là “ít hơn để được nhiều hơn” (tức là giảm chi phí đầu vào để nâng giá trị gia tăng) thì tư duy của chúng ta là “nhiều hơn để được nhiều hơn” (thâm dụng tài nguyên, vật tư đầu vào). Đó chính là vấn đề nội tại.

Thứ hai, nông sản không chỉ là lương thực, thực phẩm mà còn là dược phẩm, mỹ phẩm. Trên thế giới, xu thế tiêu dùng biến chuyển rất nhanh, điển hình là xu hướng thực phẩm có nguồn gốc thực vật (bơ làm từ thực vật thay vì sữa bò); người ta ăn để hạnh phúc, ăn để hòa hợp; người ta ăn bằng cảm xúc, ăn bằng sự vui vẻ chứ không đơn thuần là ăn cho no, cho ngon. Bởi vậy, chúng ta phải thấy được xu thế đó để thay đổi cách tiếp cận, từ đó phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, có 4 nguồn lực để phát triển nông nghiệp gồm: tài nguyên, lao động, vốn và khoa học công nghệ. Trong đó, 3 nguồn lực đầu tiên ngày càng hạn chế, nhất là tài nguyên. Bởi vậy, trong thời gian tới, khoa học công nghệ phải là động lực cho sự phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Trong thời gian qua, khoa học công nghệ đã tạo ra những thành tựu đột biến cho ngành nông nghiệp, nhất là nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Điển hình như năng suất cà phê của Việt Nam cao gấp 3 lần so với bình quân của thế giới.

Tuy nhiên, dư địa nâng cao năng suất của hiều loại cây trồng, vật nuôi gần như đã đạt trần. Bởi vậy, trong thời gian tới, khoa học công nghệ cần phải có sự chuyển biến theo hướng chuyển từ lượng sang chất, tạo giá trị gia tăng trong tất cả các khâu sản xuất.

Đây là hướng đi rất quan trọng và không thể đẩy nhanh được, cần phải có chính sách đầu tư chiến lược, bài bản, dài hơi để tạo ra sự chuyển biến thực sự về chất lượng sản phẩm, gắn với nền nông nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh Sơn La đang đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, hoa quả, cây dược liệu vùng Tây Bắc.

Năm nay, Sơn La có khoảng 450.000 tấn rau quả, 2 triệu tấn cà phê và các loại nông sản khác nên rất muốn hình thành trung tâm logistics nông nghiệp. Một số loại trái cây muốn xuất khẩu được sang các thị trường khó tính thì bắt buộc phải chiếu xạ, rất tốn kém. Nếu có trung tâm chiếu xạ tại khu vực miền núi phía Bắc thì chúng ta sẽ giảm được chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng. Bởi có hiện tượng mạo danh mã số vùng trồng để xuất khẩu nông sản.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng khóa XIII đã đưa ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thứ nhất là tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, mối quan hệ gắn bó của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thứ hai, nông dân là người quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thứ ba, Nghị quyết 19 nêu rõ “nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Thứ tư là định hướng xây dựng “nông thôn hiện đại”, chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ cấu lại lao động nông thôn. Thứ năm là, sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục