,

Trong ngành

Nông nghiệp truyền thống, hữu cơ, công nghệ sinh học cần song hành

Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ Robert Hanson bày tỏ lạc quan về tiềm năng hợp tác, trao đổi thương mại nông nghiệp Việt - Mỹ trong thời gian tới.


Trưởng ban Thư ký tòa soạn Báo Nông nghiệp Việt Nam (phải) trò chuyện với Tham tán nông nghiệp
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Robert Hanson. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước thềm năm mới 2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam có buổi trò chuyện với Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ Robert Hanson về kết quả hợp tác nông nghiệp Việt - Mỹ trong năm 2021 nhiều khó khăn, biến động vừa qua và chia sẻ về tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Ông Robert Hanson bày tỏ lạc quan về tương lai và khẳng định, Chính phủ Mỹ nói chung và Bộ Nông nghiệp Mỹ nói riêng rất chia sẻ và ủng hộ các mục tiêu của Việt Nam trong việc phát triển ngành nông nghiệp hướng đến tính bền vững cũng như thích ứng biến đổi khí hậu.

Có thể nói 2021 là năm Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động giao thương nông sản giữa 2 nước không vì thế mà giảm sút, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa 2 nước đạt gần 11 tỷ USD, vậy theo ông điều gì đã giúp chúng ta vượt qua khó khăn của Covid-19?

Trước tiên, tôi muốn chúc mừng Việt Nam, sau nhiều nỗ lực đã có thể kiểm soát thành công đại dịch Covid-19. Chúng tôi cũng tự hào vì đã đóng góp hơn 20 triệu liều vacxin cho Việt Nam, giúp các bạn có thể tăng độ phủ vacxin cho người dân. Đây cũng có thể xem là yếu tố gián tiếp, đóng góp vào tăng trưởng thương mại nông sản giữa 2 nước trong năm qua.

Về con số thống kê, chúng tôi có khác một chút so với Việt Nam, đó là không tính kim ngạch xuất nhập khẩu của các sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, đối với các nông sản khác như thực phẩm, hải sản… trong 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng rất ấn tượng, vào khoảng 4,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam cũng đạt được từ 3,2 - 3,3 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tất nhiên, do đại dịch Covid-19 nên quá trình giao thương giữa Việt Nam và Mỹ năm 2021 cũng gặp phải một số khó khăn, cản trở. Đầu tiên là một số mặt hàng bị tăng giá, thứ hai là khó khăn trong vận tải như thiếu hụt hoặc đội giá thuê container. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển hàng hóa tại nhiều khu vực cảng cũng bị chậm trễ, tắc nghẽn cả ở phía Mỹ lẫn ở các nước đối tác.

Mặc dù vậy, vẫn đang có những tín hiệu đáng mừng cho thương mại, kinh tế của Việt Nam nói riêng và trong hợp tác với các nước nói chung. Cụ thể là một số ngành kinh doanh, sản xuất đã hoạt động trở lại, trong đó có các nhà hàng, khách sạn. Theo tôi, khi ngành du lịch mở cửa thì sẽ tạo điều kiện cho thương mại song phương của chúng ta phát triển.

Hiện nay, với nhiều nỗ lực của Chính phủ, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam và Mỹ đã có nhiều biến chuyển tích cực, nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ được đà phát triển, trên cơ sở đó, ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác nông nghiệp 2 nước trong năm 2022?

Với năm 2022, tôi rất lạc quan, không chỉ về khả năng kiểm soát được dịch Covid-19 mà còn về tiềm năng trao đổi thương mại giữa 2 nước chúng ta. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn luôn trì quan hệ tốt với Chính phủ Việt Nam, cụ thể hơn là Bộ NN-PTNT trong hợp tác, trao đổi thương mại nông sản song phương.

Theo quan điểm của tôi, cả 2 bên có thể tiến thêm một bước đến nền nông nghiệp theo hướng giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đó sẽ là một hướng hợp tác mới trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Mỹ.

Hiện nay, Chính phủ Mỹ nói chung và Bộ Nông nghiệp Mỹ nói riêng rất chia sẻ và ủng hộ các mục tiêu của Việt Nam trong việc phát triển ngành nông nghiệp hướng đến tính bền vững cũng như thích ứng ngày càng cao trong thời gian tới để giúp đỡ được người nông dân, người sản xuất nông nghiệp trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ngài Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam cũng rất tích cực trong việc tham gia các sự kiện quốc tế, các sáng kiến cùng nhiều quốc gia như Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc hay Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow vừa qua.

Với việc tham gia các liên minh và các sáng kiến này sẽ giúp Việt Nam có được thông tin về công nghệ cũng như những đổi mới để hướng ngành nông nghiệp thêm thân thiện với khí hậu trong thời gian tới. Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ luôn sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này.

Tôi có thể lấy ví dụ về sáng kiến Liên minh tăng trưởng năng suất bền vững mà Việt Nam đã tham gia. Mục tiêu của liên minh này là thúc đẩy chuyển dịch hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững thông qua việc tăng trưởng năng suất nhưng sử dụng ít tài nguyên hơn.

Ví dụ thứ 2 mà tôi muốn đề cập đến đó là Sáng kiến đổi mới nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã tham gia. Sáng kiến này có mục tiêu kết nối tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan của Chính phủ lẫn tổ chức phi Chính phủ, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau để đưa ra giải pháp chung cho nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

Phải nói thêm rằng, Văn phòng nông nghiệp của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng làm việc rất nhiều với các đối tác là doanh nghiệp tư nhân, các nông dân sản xuất ngô, đậu nành hay người chăn nuôi. Hiện nay, các đối tác này cũng đưa ra được nhiều sáng kiến đổi mới không chỉ phục vụ cho quá trình sản xuất của họ mà còn phục vụ cho xã hội.

Chính vì vậy, có thể khẳng định họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra sáng kiến nông nghiệp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

 


Ông Robert Hanson bày tỏ lạc quan về tiềm năng hợp tác,
trao đổi thương mại nông nghiệp Việt - Mỹ trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, sự thay đổi trong quan hệ thương mại là tất yếu, dưới vai trò là người kết nối nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam, ông có thể cho biết những thay đổi nào từ phía Mỹ mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng trong thời gian tới?

Như tôi đã nói, chúng tôi là đối tác lớn của Việt Nam trong quan hệ thương mại nhưng lại chưa được hưởng nhiều chính sách lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như các quốc gia khác. Chính vì vậy, thuế đánh vào các nông sản Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đang ở mức rất cao.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn, khiến sức mua giảm xuống và lạm phát liên quan đến các mặt hàng thực phẩm lại tăng mạnh. Trong khi đó, các nhà chế biến, sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam phải chịu phần thuế nhập khẩu khá lớn của các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Điều này đã gây ra những trở ngại nhất định cho một số mặt hàng của Mỹ khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực làm việc cùng nhau để duy trì được quan hệ thương mại khởi sắc như hiện nay và tổng thể cho thấy Mỹ là thị trường lớn nhất cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm nông sản. Ngược lại, Mỹ luôn luôn muốn Việt Nam là một thị trường quan trọng của chúng tôi.

Để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT Việt Nam về câu chuyện mở cửa thị trường cho 2 sản phẩm quả có múi và quả hạch. Đây là các sản phẩm được đề xuất từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Nếu được phê duyệt, 2 sản phẩm này sẽ đóng góp thêm vào giá trị kim ngạch 2 chiều trong thương mại nông sản Việt - Mỹ, mặc dù có thể thị phần của chúng không lớn nhưng chúng tôi vẫn rất coi trọng.

Một trong những chủ trương lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là phát triển kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp theo hướng Nông nghiệp Xanh, trong đó đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Xin ông chia sẻ sự quan tâm của Mỹ dành cho vấn đề này là như thế nào và ngành nông nghiệp Mỹ nhận thấy những cơ hội gì trong chủ trương này của nông nghiệp Việt Nam?

Ở trên, tôi đã đề cập một chút về hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với nền nông nghiệp đổi mới, sáng tạo như anh vừa đề cập thì chúng tôi sẽ luôn luôn có những hỗ trợ, trao đổi các kỹ thuật, công nghệ để nông nghiệp Việt Nam có thể chuyển mình theo hướng này.

Như các bạn đã biết, ngành nông nghiệp hữu cơ của Mỹ có quy mô lớn nhất nhì thế giới về sản lượng. Bên cạnh đó, sản lượng của nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học của Mỹ cũng hàng đầu thế giới.

Điều đặc biệt là ở Mỹ cả 3 lĩnh vực này đều cùng tồn tại, song hành cùng nhau. Do đó, nếu có thể đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam thì tôi nghĩ rằng cần có chính sách, chủ trương để cả 3 cơ chế này cùng tồn tại để hỗ trợ cho chủ trương phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Ví dụ như Mỹ rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực đạt được mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050. Theo tôi, để có thể đạt được mục tiêu đó cần có sự sáng tạo, đổi mới trong công nghệ.

Chúng tôi vừa tham gia một hội thảo về giảm phát thải khí nhà kính đối với ngành lúa gạo. Trước đó, chúng tôi cũng đã có những hợp tác với Bộ NN-PTNT trong những năm trước đây như hỗ trợ phần mềm tính toán khẩu phần thức ăn cho gia súc như bò sữa để giảm phát thải khí nhà kính thông qua khẩu phần ăn.

Xin Cảm ơn ông!

 

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục