,

Trong ngành

Mô hình hỗ trợ thuốc trừ sâu sinh học ở Vĩnh Phúc

Bỏ thói quen dùng thuốc sâu độc hại trên các cánh đồng vô cùng khó khăn, người nông dân Vĩnh Phúc vẫn quyết tâm chuyển sang dùng thuốc sâu sinh học. Họ đã thành công!

Vi phạm cam kết sẽ bị cảnh cáo trên loa

3 giờ sáng nông dân của xóm Đồng Thanh, xã Hồ Sơn (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã í ới rủ nhau ra đồng thu hái ngọn su su để kịp cho buổi chợ sớm. Rau hái vào thời điểm này trắng hơn, ăn ngon hơn vì chưa có nắng, lượng nhựa bên trong thân vẫn còn đầy.  

Giá bán tại chỗ là 12.000đ/kg, còn có xe, có công đem đi Hà Nội thì thêm được 4.000-5.000đ mỗi kg nữa, được hơn mọi ngày nên ai nấy đều phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Lụa có 6 sào su su bảo: “6-7 năm nay chúng tôi đã không dùng thuốc hóa học mà dùng thuốc trừ sâu sinh học do tỉnh hỗ trợ. Thứ nhất là thuốc hóa học không tốt cho sức khỏe của nông dân, thứ hai là không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Su su thỉnh thoảng bị vàng lá hay nhện đỏ nhưng khi thu hoạch hàng ngày, ngọn nào bị thì tôi cắt đi luôn nên cũng không cần dùng nhiều thuốc, có khi 2-3 tháng mới phải bơm 1 lần…”.

Ông Trần Quang Thân - Trưởng thôn Đồng Thanh nhấm nháp
một vài ngọn rau su su. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đã thành thói quen, mỗi khi ra đồng ông Trần Quang Thân - Trưởng thôn Đồng Thanh đều ngắt 1-2 ngọn su su đưa vào mồm, nhẩn nha nhai để cảm nhận vị tươi, ngọt thấm nơi đầu lưỡi. Ông cho biết tổng diện tích su su của thôn là 16,5ha, chúng bắt đầu được trồng từ năm 2004. Trước đây, do dân chưa biết kỹ thuật, lại sản xuất manh mún nên cũng lắm sâu bệnh, phải đánh 3 lần thuốc hóa học trong 1 tháng đầu…

Ban đầu tuyên truyền dân làm chung quy trình VietGAP, cùng vào HTX rau Thanh Hà cũng gặp nhiều khó khăn. Một số hộ không hiểu còn bảo: “Ruộng nhà tôi tôi cứ làm, cứ phun thuốc đấy!”. Nhưng sau đó, khi thấy các hộ khác làm theo bán được giá hơn, những hộ kia lại muốn tham gia. Để quản lý chất lượng, HTX tổ chức giám sát chéo, nhà nọ giám sát nhà kia, hễ thấy hiện tượng gì bất thường là đưa ra tổ liên gia hay phản ánh với trưởng thôn.

Dù hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu hóa học tuy nhiên một số hộ khi trước thỉnh thoảng vẫn lén dùng thuốc trừ cỏ trên bờ ruộng. Hương ước của thôn quy định phạt 500.000đ/lần phun thuốc trừ cỏ nhưng vẫn không sợ bằng việc bị đưa ra hội nghị thôn nhắc nhở, đưa ra loa cảnh cáo, xấu hổ đến tím mặt.

Theo bà Nguyễn Việt Xuân - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Vĩnh Phúc, thời gian gần đây đơn vị đã tăng cường công tác quản lý thuốc, hạn chế hàng lậu, hàng ngoài danh mục. Như năm 2021 đơn vị đã phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán thuốc, phát hiện 2 điểm ở huyện Vĩnh Tường bày bán 134 thuốc diệt chuột Trung Quốc nhập lậu, xử phạt 3 triệu đồng cùng tịch thu, tiêu hủy tang vật.

Bên cạnh đấu tranh với thuốc lậu, thuốc cấm, đơn vị còn thường xuyên khuyến cáo sử dụng thuốc sinh học qua các mô hình hay ngay từ trong hướng dẫn cơ cấu giống, thông qua các chương trình IPM, ICM, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP...

Thu hoạch su su ở thôn Đồng Thanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo ông Thân, trước khi xuống giống mấy tháng, dân đã phải tích trữ phân chuồng để ủ, nhà nào có bò thì dùng phân bò, còn không chủ yếu dùng phân gà. Với lượng bón cỡ 1,5 tấn/sào, chi phí hết khoảng 1,5 triệu nhưng nhờ đó mà cây khỏe ngay từ đầu đỡ phải phun. Thuốc sinh học dù dẫn chậm, không chết ngay như thuốc hóa học nhưng cũng sạch sâu, bệnh mà lại giữ được nhiều thiên địch, từ loại nhìn thấy như ếch, nhái, cóc, ong đến những vi sinh không nhìn thấy.

Bởi thế, dù sau này có thể không được hỗ trợ nữa bà con vẫn tìm để mua phân vi sinh, thuốc sinh học vì thấy lợi ích của chúng đã quá rõ. Thực tế, so với mức họ đang chăm sóc, đầu tư 3 phần thì tỉnh chỉ hỗ trợ được 1 phần mà thôi.

Giờ đây, kể cả vỏ thuốc sinh học sau khi phun cũng phải để vào bao, tập kết một chỗ, mỗi năm có đơn vị về thu gom 3 lần đem đi xử lý. Ai vứt vương vãi xuống bờ ruộng, kênh mương là bị trưởng thôn nhắc nhở luôn.

 

Những ngôi nhà tí hon trên đồng

Trên cánh đồng của xã Vân Hội (Tam Dương, Vĩnh Phúc) tôi thấy bạt ngàn những ngôi nhà tí hon mọc lúp xúp ở đầu mỗi thửa ruộng, lạ quá, mới hỏi chị Dương Thị Quỳnh Liên - Giám đốc HTX Rau an toàn Vân Hội xanh. Chị cười đáp, đó là những nhà ủ phân của dự án Qcert xây năm 2004, cả tỉnh có 8 điểm trồng rau được đầu tư như vậy. Tuy nhiên trước đây dân cứ để không, giờ mới sử dụng tối đa công suất, thậm chí có nhà còn tự bỏ tiền ra để xây thêm.

Anh Nguyễn Văn Hùng có 1 mẫu đất trồng rau, trước đây cứ cách 1 ngày lại phải khoác bình đi phun thuốc 1 lần: “Cây rau nào khi trồng cũng phải dùng thuốc, giờ hơn ở chỗ là có thuốc sinh học đánh đỡ độc hơn. Chuyển sang dùng thuốc sinh học mấy năm nay nhưng cũng tùy thời tiết, như năm ngoái có dịch sâu, ngày nào cũng phải phun mà không thấy đỡ mấy”. Chị Liên nghe thấy thế liền giải thích thêm: “Năm ngoái thời tiết quá ấm, rất thuận lợi cho sâu tơ, bọ nhảy phát sinh, mỗi cái lá có tới 20-30 con. Không một loại thuốc nào diệt xuể, không thể chống được, chúng tôi đành quyết định tung vôi bột lên trên rồi bỏ hoang đất mấy tháng để ngắt quãng nguồn thức ăn của sâu.

Anh Nguyễn Văn Hùng: "Thú thật, thuốc Tàu cách đây 3 năm tôi cũng có dùng 2-3 lần. Khi phun xong về cảm thấy rất mệt, nhức đầu, chóng mặt, cơm không buồn ăn". Ảnh: Dương Đình Tường.

Đến tháng 6, khi mưa rào xuống, sâu chết vãn, bà con mới tiếp tục. Dịch gây thiệt hại tương đối lớn cho 60 thành viên của HTX với 12,5ha nói riêng và 80ha rau của xã nói chung. Thuốc trừ sâu sinh học với cơ chế gây bệnh cho sâu làm chúng yếu dần đi và chết nên ban đầu dân không thích. Từ khi tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ phân vi sinh, thuốc sinh học kèm theo các chương trình tập huấn của Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật dân đã ý thức được hơn, giảm lượng thuốc hóa học…”.

Chị Dương Thị Quỳnh Liên - Giám đốc HTX Rau an toàn Vân Hội xanh
kiểm tra sâu bệnh trên rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai vợ chồng chị Liên đều gốc là cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật, xin nghỉ, chấp nhận ra ngoài đồng ở để toàn tâm làm rau sạch. HTX Rau an toàn Vân Hội xanh của họ thành lập năm 2017, lúc đầu vận động bà con vào rất khó, chỉ có 24 người tham gia, tổng được 5 ha. Những thành viên này đều có diện tích canh tác tương đối lớn, cỡ 1 mẫu trở lên, nhưng cũng chỉ dám đưa 2-3 sào vào HTX, còn lại chủ yếu tự làm theo cách cũ.  

Cuối năm 2017 họ mới dần chịu canh tác trên những thửa ruộng đã đăng ký, sang năm 2018, 2019 thì đăng ký hết diện tích vào HTX. Ngoài cung cấp phân vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học cho các thành viên, HTX còn cung cấp cho bà con trồng rau bên ngoài nữa. Muốn thay đổi thói quen, thứ nhất là HTX đưa ra quy trình sản xuất, làm mô hình để dân tận mắt thấy, thứ hai là thu mua rau của bà con ngay đầu bờ bằng với giá bán ở chợ, thứ ba là cung cấp vật tư trả chậm. Sản lượng mỗi năm của HTX cỡ 200 tấn rau nhưng số liên kết bên ngoài còn hơn thế nhiều. Khi đó vật tư HTX cấp, quy trình HTX quy định và cam kết với nhau khi nào đối tác mua rau test thử thấy an toàn, chuyển tiền thì mới thanh toán...

Mở rộng ra toàn tỉnh

Anh Nguyễn Hoàng Dương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: “Lúc đầu chúng tôi thực hiện một số mô hình trước, đạt kết quả tốt mới đề xuất chính sách hỗ trợ để mở rộng ra mỗi năm gần 2.000ha rau an toàn".

Trước đây dân đang phun thuốc hóa học độc hại, thấy sâu chết ngay, giờ chúng tôi mà chỉ tuyên truyền suông thì không được, phải có cơ chế hỗ trợ ban đầu để nay mai hình thành thói quen mới, dùng thuốc sinh học. Kinh phí để hỗ trợ cho cả chương trình gồm giống, phân vi sinh, thuốc thảo mộc, sinh học mỗi năm là 16 tỉ. Cụ thể, đối với nhóm rau ăn lá, hỗ trợ 50% phân vi sinh, 50% thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc và sinh học, đối với rau ăn củ hỗ trợ 50% giống, đối với rau ăn quả hỗ trợ 50% giống, 50% phân vi sinh, 50% thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc và sinh học.

Anh Nguyễn Hoàng Dương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc
. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bản thân nông dân khi dùng thấy sự thay đổi trong chính nông sản nhà mình đang ăn, còn hẳn nhiên số đông người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Nó dần xóa đi hiện tượng “rau hai luống”, luống trồng để ăn, luống trồng để bán. Để khuyến khích hơn nữa, theo tôi cần phải tăng mức hỗ trợ lên, bởi đang áp mức của khuyến nông theo Nghị định 02, Nghị định 83. 

Giờ giá phân lên cao, trên mới chỉ đạo giảm lượng bón phân hóa học nhưng Vĩnh Phúc đã làm mấy năm nay rồi. Trong chăn nuôi chúng tôi đưa men vi sinh vào xử lý chất thải cho 70% đàn gà, 50% đàn lợn, 10% đàn trâu bò thành phân hữu cơ để bón hoặc để bán. Thêm vào đó là khi hỗ trợ phân vi sinh cho những vùng trồng rau, toàn bộ lá già, lá hỏng trước phải gom bỏ đi giờ chỉ cày vùi xuống vì trong đất đã có sẵn vi sinh để biến chúng thành phân hữu cơ. Cuối cùng là hỗ trợ men vi sinh để xử lý rơm rạ thành phân bón và hiện tỉnh đã ban hành kế hoạch mỗi năm thực hiện 5.000 ha. Năm 2021 làm mô hình đã giảm được 20% lượng đạm ngay từ vụ đầu, vụ thứ hai, năm nay sẽ giảm tiếp lượng lân”.

Với những tỉnh có điều kiện như Vĩnh Phúc, ngân sách hoàn toàn có thể hỗ trợ cho nông dân cao hơn nữa để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn nhưng do vướng mắc về định mức ở Trung ương như thế nên vẫn phải theo.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục