Họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Ảnh: Khánh Linh

Giải "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ

Tại cuộc họp báo công bố "Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" (chiến lược), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 17/2, nói về vấn đề được mùa mất giá hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, dường như nông nghiệp nước ta bị "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

"Đó là yếu điểm kéo theo hàng loạt câu chuyện được mùa mất giá, câu chuyện thị trường, câu chuyện dự báo. Thông tin minh bạch thì cung - cầu quyết định giá, còn thông tin bất cân xứng thì không ai có thể can thiệp được. Từ doanh nghiệp, nông dân cho đến truyền thông đều tham gia quyết định giá cả. Do đó, việc được mùa mất giá không phải chuyện của riêng ai" - Bộ trưởng chia sẻ

Lấy ví dụ về trái thanh long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: "Trước tết giá thanh long giảm chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nhưng dịp tết khi tôi có dịp đi thăm các tỉnh miền Tây, bà con khoe giá thanh long lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng mấy hôm nay giá lại còn 3.000 đồng/kg. Chỉ trong một tháng, thị trường biến động liên tục nhưng nếu thông tin không minh bạch thì rất khó dự báo".

Vì vậy, chiến lược sẽ đặt nền tảng từ tổ chức lại sản xuất quyết định câu chuyện phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ cấu lại nông nghiệp bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất. 10 triệu hộ nông dân không thể sản xuất trên 10 triệu mảnh ruộng, sự manh mún, nhỏ lẻ sẽ khiến chúng ta không dự báo được thị trường.

Nông dân chỉ có thể làm giàu bằng tư duy kinh tế

Theo ông Lê Minh Hoan, "được mùa được giá, được mùa mất giá" không phải là câu chuyện của riêng ai, người nông dân hoảng loạn, bán đổ bán tháo nhưng cũng có những người cùng một trái xoài ấy, đưa lên kệ, đóng gói bao bì đẹp đã cho mức giá khác. Nông dân chỉ có thể làm giàu bằng tư duy kinh tế nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nếu tiếp cận bằng tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ cho giá bán khác. Lâu nay, các ngành chức năng mới chỉ hướng dẫn nông dân sản xuất, chứ chưa dạy nông dân làm giàu, nghĩa là dạy cách bán nông sản, bán niềm tin cho khách hàng.

"Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 sẽ thay đổi tư duy, thay đổi hành vi và thay đổi kết quả" - Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp nói.

Từ thực tế đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch phối hợp với một số đơn vị đẩy mạnh chương trình huấn luyện nông dân, thúc đẩy nông dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp. Khi đã hình thành nông dân chuyên nghiệp, thì ngay cả trong khó khăn, họ cũng tìm ra được hướng đi.

Lấy ví dụ về thực tế giá phân bón, vật tư nông nghiệp thời gian qua tăng cao nhưng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đã có những nông dân cho biết, họ tiếp cận sản xuất theo hướng hữu cơ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón, giảm áp lực giá phân bón đang tăng cao, không những thế chất lượng sản phẩm được cải thiện.

"Phải khuyến khích những mô hình như thế phát triển, bởi đó là hành trình hướng đến nền nông nghiệp xanh" - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng. Nếu tư duy là sản xuất nông nghiệp thì sản lượng là mục tiêu, nhưng nếu là tư duy kinh tế nông nghiệp thì người sản xuất sẽ hướng đến mục tiêu giá trị. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nông dân được đề cập trong chiến lược...

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 biến đổi lớn

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, chiến lược nhằm định vị lại nền nông nghiệp; tạo ra thế hệ nông dân mới. Từ góc độ địa phương, việc thực hiện chiến lược sẽ giúp địa phương cân nhắc nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, đừng nôn nóng đem đồi chè, ruộng lúa ra làm bất động sản. Bất động sản có thể thu tiền ngay nhưng về lâu dài giá trị của miếng đất đó thu lại bao nhiêu nhờ trồng lúa, cây ăn trái thì chưa được nghiên cứu, đánh giá?

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 biến đổi lớn, đó là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và xu thế của thế giới.

"Thực tế quyết định thành công của chiến lược và những con số của chiến lược cần linh hoạt trong từng thời điểm. Không kỳ vọng chiến lược này năm sau đâu vào đó, bởi nền nông nghiệp nước ta manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Việc quan trọng hàng đầu cần tổ chức lại sản xuất, sau đó mới là hàng loạt câu chuyện công nghệ, khai phá thị trường mới" - ông Hoan nói.

Về phát triển thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đảm bảo đầu ra cho nông sản thì thị trường trong nước sẽ cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh; hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản.

Với thị trường xuất khẩu, ngành chủ động phát huy cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt ngày 28/1/2022. Mục tiêu chung của chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân và dân cư nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hoá; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc…